
Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo yêu cầu doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu. Nông dân mừng với hy vọng có đầu ra ổn định. Trong khi các DN kêu khó thực hiện.
Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo yêu cầu doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu. Nông dân mừng với hy vọng có đầu ra ổn định. Trong khi các DN kêu khó thực hiện.
Cánh đồng mẫu lớn là “bước đệm” tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu.
Tại Vĩnh Long hiện vẫn chưa có DN nào xây dựng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, “bước đệm” liên kết tiêu thụ lúa gạo khá hiệu quả mà các DN triển khai tại các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) những vụ vừa qua là minh chứng trong việc cần thiết tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu.
Nhìn từ những cánh đồng liên kết
Trong vụ lúa Hè Thu mới đây, giữa lúc giá lúa giảm mạnh lại gặp mưa dầm, nhiều nông dân phải chật vật tìm thương lái bán lúa giá rẻ bèo thì tại những CĐML có liên kết với DN việc mua bán có phần dễ dàng hơn.
Có mặt tại kho lương thực Trà Ôn (Xuân Hiệp) của Công ty Lương thực Vĩnh Long, thời điểm giá lúa xuống thấp nhưng vẫn tấp nập ghe lúa thu mua chờ nhập kho. Ông Lưu Xuân Bá- Phó Giám đốc công ty cho biết, ngoài bao tiêu lúa cho nông dân tại nhiều CĐML với giá từ 4.500- 5.500 đ/kg, công ty đảm bảo thu mua tương đương giá thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hồ- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long cho biết: Ở vụ lúa Hè Thu, công ty đã bao tiêu lúa trên diện tích 270ha tại các xã Hiếu Phụng, Hiếu Nhơn và Trung Ngãi (Vũng Liêm).
Theo đó, giá lúa bao tiêu đảm bảo cao hơn thị trường 200 đ/kg tại thời điểm thu mua. Cũng theo ông Hồ, công ty còn hỗ trợ nông dân chi phí mua giống và bao tiêu, trừ giống lúa IR 50404. Dự kiến vụ lúa Thu Đông, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích bao tiêu lúa lên khoảng 500ha.
Đại diện Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang- ông Đặng Văn Nam- Trưởng vùng Vĩnh Long- Trà Vinh, cho biết: Bên cạnh hình thức hỗ trợ trước nay, công ty còn cung cấp giống lúa OM4218 để nông dân sản xuất nhằm đảm bảo sản lượng lúa đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Khi thu hoạch, công ty sẽ tổ chức tiêu thụ lúa cho nông dân.
Trong vụ lúa Hè Thu, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đã hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa với nông dân tại CĐML ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm) và Mỹ Lộc (Tam Bình), diện tích hàng trăm hecta.
CĐML khi được bao tiêu đã tạo được sự khác biệt nhất định so những ruộng lúa ngoài mô hình. Tuy nhiên, theo nhận định của Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, việc bao tiêu sản xuất lúa cho nông dân thông qua mô hình CĐML ở các tỉnh ĐBSCL còn chậm vì chỉ có DN thuốc bảo vệ thực vật, phân bón thực hiện, còn DN xuất khẩu gạo vẫn còn đứng ngoài cuộc.
Doanh nghiệp kêu khó
Khi đặt vấn đề về Nghị định 109 DN phải xây dựng nguồn nguyên liệu nhằm chủ động được nguồn gạo, nông dân có địa chỉ tiêu thụ lúa, nhiều DN cho rằng rất khó thực hiện.
Ông Dương Văn Phương- Công ty CP Thương mại Hồng Trang cho biết: Hiện công ty chưa có vùng nguyên liệu nào, bởi theo quy mô công ty còn quá nhỏ, nếu đầu tư vùng nguyên liệu phải bỏ nguồn vốn lớn vào việc đầu tư kho bãi, máy móc, thiết bị sẽ không còn vốn thu mua lúa gạo.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, do nguồn cung lúa gạo vào mỗi vụ lúa khá dồi dào, các DN không khó việc chọn lựa thu mua, mặt khác lại không phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh nên hầu hết không mặn mà xây dựng vùng nguyên liệu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng từng đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT nên xem xét Công ty Lương thực miền Nam chủ động “mở mũi” xây dựng vùng nguyên liệu để các DN khác mạnh dạn làm theo.
DN cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo ổn định lúa, gạo xuất khẩu.
Đáp lại thắc mắc, ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, xây dựng vùng nguyên liệu không phải của DN xuất khẩu gạo vì DN lo kiếm tiền để mua lúa gạo xuất khẩu đã khó thì lấy tiền đâu mua giống, thuê đất, kỹ sư,… đến chăm sóc lúa cho nông dân. “Sở dĩ một số DN xây dựng vùng nguyên liệu được vì họ bán chịu thuốc, phân bón để cuối vụ nông dân bán lúa cho họ trừ nợ”- ông Trương Thanh Phong giải thích.
Cũng có ý kiến cho rằng, do việc xác định giá lúa giữa DN và nông dân còn chênh lệch nhau nên thường xảy ra tình trạng “bẻ kèo”. Chỉ cần DN không đồng ý mua lúa là nông dân bán cho thương lái, bất chấp hợp đồng trước đó được ký kết.
Điều này cũng khiến cho DN chưa mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu. Mặt khác, phần lớn nông dân vùng ĐBSCL ít vốn, sản xuất thường ký nợ tại các điểm bán vật tư nông nghiệp. Sau khi thu hoạch, nông dân phải bán lúa tại ruộng cho các thương lái và cửa hàng vật tư để trả nợ, DN không thể chen chân vào thu mua.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng, nếu cả DN xuất khẩu gạo, DN thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cùng xây dựng vùng nguyên liệu và thực hiện bao tiêu thì vấn đề tiêu thụ, hạn chế tồn trữ sẽ được giải quyết. Bởi, theo ước tính với 153 DN xuất khẩu hiện nay, nếu 1 DN bao tiêu 5.000ha thì khoảng 1,5 triệu hecta của vụ Đông Xuân và 1,6 triệu ha vụ Hè Thu được bao tiêu.
Từ việc tiêu thụ lúa gạo khó khăn vụ Hè Thu vừa qua, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Sáu, do 3 nguyên nhân: cung- cầu chưa gặp nhau, năng suất thấp và chi phí tăng cao. Khó khăn không chỉ của nông dân, mà DN cũng khó nên không yên tâm mua vào. Về lâu dài, ông Trương Văn Sáu kêu gọi DN chia sẻ nhiều hơn với nông dân thông qua việc ưu tiên thu mua lúa gạo, nhất là trong thời điểm bức xúc.
Theo Nghị định 109, các DN xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng năm 2013, từ năm 2014- 2015 phải đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng và sau 2015 là 80% trở lên. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin