Ngoài cho lợi nhuận cao hơn, mới đây người sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn (CĐML) càng vui hơn vì được trổ tài làm “diễn viên” khi tham gia sân chơi “Tìm hiểu về mô hình CĐML” và dự án “Xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015”.
Ngoài cho lợi nhuận cao hơn, mới đây người sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn (CĐML) càng vui hơn vì được trổ tài làm “diễn viên” khi tham gia sân chơi “Tìm hiểu về mô hình CĐML” và dự án “Xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015”.
Nhiều tiết mục tại hội thi khá hấp dẫn.
|
Đây là hội thi được tổ chức đầu tiên trong tỉnh do Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long và Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp.
Diễn viên: cây nhà lá vườn
Từ rất sớm, hội trường UBND xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đã đông nghịt người, rộn ràng tiếng nói cười. Hàng trăm nông dân từ nhiều địa phương đến tham gia cổ vũ hội thi. Ông Nguyễn Văn Thảo- nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Long An (Long Hồ) cho biết: Để đến với hội thi này, khâu chuẩn bị khá mệt, bởi phải vừa tự viết kịch bản, vừa tìm “diễn viên” phù hợp vận động tham gia.
“Lúc đầu, cứ tưởng họ từ chối vì công việc đồng áng. Ai dè, mới phát động là nhiều lão nông chịu liền, tranh thủ thời gian tập luyện rất có tinh thần trách nhiệm. Toàn xã có 3 ấp tham gia CĐML, dự định sẽ nhân rộng lên hết 9 ấp, vì vậy khâu tuyên truyền mạnh để nông dân hiểu rõ, cùng tham gia là rất quan trọng”- ông Thảo nói.
Tại một góc hội trường, cổ động viên đội Long An (Long Hồ) luôn nồng nhiệt cổ vũ. Chú Võ Văn Phương- thành viên của đội Long Hồ, nói: “Nhà tui có 5 công ruộng làm theo mô hình CĐML, mấy vụ rồi đạt hiệu quả cao nên nghe nói ý nghĩa hội thi, vận động tham gia tui chịu liền”.
Cạnh đó, vợ chú Phương- cô Nguyễn Thị Khỏe lăng xăng hóa trang cho các thành viên trong đội, vui vẻ nói: “Thấy tập luyện tham gia hội thi, ban đầu tính theo cho vui riết rồi mê hồi nào không biết”.
Tiết mục “Nỗi niềm trăn trở” của đội xã Đông Thạnh (Bình Minh) dàn dựng mới lạ qua câu chuyện giữa Ngọc hoàng, Táo quân, Thổ địa đã tạo được nhiều dấu ấn tại hội thi và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả.
Chú Trần Thanh Tâm- người đạt giải hùng biện hay nhất cho biết: “Tiết mục là do đội tự viết kịch bản rồi tập chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Không có tài liệu học, cũng không có thời gian nhiều nhưng với đam mê nên ai cũng tự học, tập luyện. Nhờ “ăn rơ” nên đội tập rất nhanh, ai cũng nhiệt tình”.
Cần nhân rộng sân chơi
Ông Lê Thành Thuận- chuyên viên Phòng Kinh tế TX Bình Minh cho rằng, dù đã được tập huấn nhiều lần những kiến thức về CĐML nhưng không phải nông dân nào cũng thực hiện đúng, vì vậy cách tuyên truyền tại hội thi là rất sinh động. Bên cạnh, nông dân có thể gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức sản xuất.
Nhiều người nhận định, ở phần thi tiểu phẩm, các đội đã khéo léo lồng những chi tiết liên quan đến vận động nông dân, tham gia CĐML… thông qua những lời ca tiếng hát- tuy cây nhà lá vườn nhưng đậm chất Nam Bộ, ngọt ngào- dễ đi vào lòng người.
Chăm chú theo dõi, chú Nguyễn Văn Nhân (Mỹ Lộc- Tam Bình) thì nói: “Mới hôm qua còn là những nông dân tay lấm chân bùn, hôm nay trở thành… diễn viên, không chuyên nhưng có hăng say, diễn hết mình. Qua hội thi, tôi học được nhiều điều, có thêm kiến thức về đồng áng.
Phải chi có nhiều hội thi như vầy thì nông dân tụi tôi dễ nắm bắt hơn, vui mà hiệu quả”. Còn chú Hai Thanh- một “diễn viên” đội Đông Thạnh (Bình Minh) mong muốn: “Sắp tới có những hội thi tương tự, nhất định đội tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn để đạt giải cao”.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết- Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh- thành viên Ban giám khảo nhận định, tuy còn khá mới mẻ nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên các đội đã mang đến cho hội thi một không khí vui tươi, sôi động với nhiều phần thi hấp dẫn.
Đến năm 2015, Vĩnh Long phấn đấu nâng diện tích CĐML toàn tỉnh lên 2.500- 3.000ha. Để làm được điều này, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện rất nhiều việc, trong đó tổ chức những hội thi như đã làm được nhận định là cách tuyên truyền khá hay, tác động không nhỏ đến ý thức của nhiều nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa.
Tham gia hội thi gồm 7 đội đến từ 7 huyện trong tỉnh. Các đội trải qua 3 phần thi: tiểu phẩm, trắc nghiệm và hùng biện giải quyết tình huống. Nội dung xoay quanh sản xuất lúa theo hướng VietGAP; “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”; kỹ thuật làm đất, sử dụng giống xác nhận và ghi chép sổ tay, nhật ký đồng ruộng,… Kết quả, đội xã Long An (Long Hồ) đạt giải nhất, đội xã Đông Thạnh (Bình Minh) đạt giải nhì, đội xã Tân Long (Mang Thít) đạt giải ba. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin