Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2013, như dự đoán tiếp tục gặp khó khăn bởi ảnh hưởng giá cả sụt giảm. Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp rất cần có những giải pháp quyết liệt hơn mới có thể đạt kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2013, như dự đoán tiếp tục gặp khó khăn bởi ảnh hưởng giá cả sụt giảm. Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp rất cần có những giải pháp quyết liệt hơn mới có thể đạt kế hoạch.
Lương thực thế giới tồn đọng, không khỏi lo ngại việc tiêu thụ vụ lúa Thu Đông tới.
Sản phẩm chủ lực thất thế
Giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản đạt “âm”, ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, do ảnh hưởng giá cả thị trường, dịch bệnh, thời tiết... đã kéo nhiều hàng nông sản chủ lực của tỉnh xuống mức rất thấp, khiến nông dân lỗ lã.
Cụ thể, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản đạt hơn 9.449 tỷ đồng, giảm 0,76%. Trong đó, giá trị thủy sản giảm 1,92%, trồng trọt giảm 0,11%, chăn nuôi giảm 2,57%...
Đặc biệt, việc tái đàn gia cầm, gia súc, thủy sản gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh. Thống kê cho thấy, giá heo hơi đã giảm 8,44% so cùng kỳ, hiện ở mức 37.000- 38.000 đ/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên người nuôi bị lỗ từ 3.000- 4.000 đ/kg.
Theo tính toán của ông Võ Văn Vĩnh- một hộ chăn nuôi heo nhiều năm ở xã Tân Phú (Tam Bình), giá heo hiện thấp nhất 2 năm qua, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Hiện giá heo hơi tại ĐBSCL chỉ còn khoảng 3,2- 3,5 triệu đồng/tạ, giảm 200.000- 300.000 đ/tạ so cuối năm 2012. Giá heo giống cũng giảm mạnh từ năm 2011 đến nay, loại 20 kg/con chỉ còn 40.000 đ/kg; heo loại 12- 15 kg/con giá chỉ 500.000- 600.000 đ/con. Tái đàn ít là nguyên nhân khiến heo giống rớt giá mạnh.
Đàn bò cũng có xu hướng sụt giảm do quỹ đất trồng cỏ làm thức ăn giảm, nguồn thức ăn tươi khan hiếm. Sản xuất thủy sản giảm 1,92%.
Trong đó, giá cá tra nguyên liệu giảm 3,4% so cùng kỳ, ở mức 20.000- 21.000 đ/kg trong khi giá thành đã trên 23.000 đ/kg, người nuôi lỗ khoảng 2.000 đ/kg. Vườn cây ăn trái phải đối mặt với nhiều loại sâu bệnh diễn biến phức tạp, nhà khoa học chưa có giải pháp phòng chống hữu hiệu.
Theo kết quả điều tra chi phí sản xuất lúa Đông Xuân 2012- 2013 của Sở Tài chính cho thấy, chi phí đầu tư là 3.366 đ/kg, trong khi giá lúa tươi tại ruộng chỉ 4.200- 4.700 đ/kg, giảm 500- 800 đ/kg so cùng kỳ. Mỗi hecta lúa nông dân chỉ lời 5- 5,5 triệu đồng, giảm 4- 5 triệu đồng.
Cô Nguyễn Thị Bảy (ấp Vĩnh Khánh, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) lo lắng: “Năm rồi thấy giá lúa có ăn nên thay vì trồng rau màu tôi trồng lúa, ai ngờ giá lúa năm nay cũng nguy quá nên chưa biết tính sao!”
Chôm chôm thu hoạch rộ, có thời điểm còn 5.000 đ/kg.
Phấn đấu “kéo” giá trị sản xuất
Tiếp tục khẳng định nông nghiệp là “bà đỡ” của kinh tế, song ông Phan Nhựt Ái cũng cho rằng từ nay đến cuối năm dự báo sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là tình hình tiêu thụ lúa Thu Đông do lương thực trên thế giới đang tồn dư lượng lớn.
Vì vậy, ông lưu ý giải pháp cần hiện nay là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất. Riêng canh tác rau màu, do Vĩnh Long điều kiện thuận nên giá trị sẽ tiếp tục nâng cao.
Bệnh chổi rồng trên nhãn, sau thời gian phòng trị đến nay đã có 65- 70% phục hồi. Tuy nhiên, cần tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân cách phòng trị, cắt đọt tỉa cành mới tìm lại “thuở ban đầu”.
Trước tình hình chăn nuôi, thủy sản thua lỗ kéo dài, Sở Nông nghiệp và PTNT đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi hoặc các nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Riêng cây lúa, mô hình cánh đồng mẫu được xem khá ưu việt hiện nay. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000ha được công nhận là cánh đồng mẫu lớn và hiệu quả là thu nhập cao hơn bên ngoài khoảng 3 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cho biết: Từ vụ Đông Xuân 2012- 2013, nhiều cánh đồng mẫu lớn của tỉnh được liên kết tiêu thụ đầu ra cho nông dân.
Ngoài các công ty lương thực trên địa bàn, còn liên kết các Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang bao tiêu 400ha. Theo ông Liêm, cái hay của mô hình ngoài giá tương đương thị trường thì công ty hỗ trợ công lao động thay vì người dân bỏ tiền thuê.
“Về lâu dài, chúng tôi đang tiếp tục nhân rộng; đồng thời làm báo cáo những định hướng trong việc tái cơ cấu sản xuất chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bắp hay đậu nành... để tăng thu nhập cho người nông dân.”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, nhiều nơi ở ĐBSCL diện tích canh tác ít, bình quân khoảng 4- 6 công/hộ, sản xuất 3 vụ/năm sẽ có khoảng 8- 10 tấn lúa. Với giá lúa hơn 4.100 đ/kg hiện nay, mỗi hộ thu được khoảng 12- 14 triệu đồng/năm, chia bình quân cho 4 nhân khẩu/hộ tính ra nông dân chẳng còn bao nhiêu. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin