UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành văn bản về sử dụng địa danh Bình Minh để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Xà lách xoong Bình Minh”. Đây không chỉ là tin vui cho người trồng mà còn là điều kiện để cải xà lách xoong có thể “bay” sang nhiều thị trường khó tính.
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành văn bản về sử dụng địa danh Bình Minh để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Xà lách xoong Bình Minh”. Đây không chỉ là tin vui cho người trồng mà còn là điều kiện để cải xà lách xoong có thể “bay” sang nhiều thị trường khó tính.
Khá lên nhờ xà lách xoong
Ông Võ Hoàng Rôn- Chủ nhiệm Hợp tác xã Cải xà lách xoong an toàn Thuận An, nói: “Vùng cải xà lách xoong này có từ khi nào ít ai nhớ rõ, chỉ biết nhiều năm qua không ít hộ khá, giàu lên nhờ loại cây trồng này”.
Hiện cải xà lách xoong có giá khoảng 30.000 đ/kg.
|
Ông Võ Hoàng Rôn cũng là một trong những người như vậy. Cách đây khoảng 20 năm, cũng như những nông dân khác tại địa phương, cuộc sống của gia đình ông chủ yếu dựa vào cây lúa. Tuy nhiên, với 7 công đất làm lúa 2 vụ, mỗi năm lo cái ăn cho gia đình 6 nhân khẩu đã là khó, huống gì nói đến chi phí khác.
Trong bối cảnh đó, nhiều bà con xung quanh đã phải chọn cách bỏ đất, chuyển đổi sang các công việc khác mưu sinh, riêng ông chọn một hướng đi khác. Với quyết tâm vươn lên từ mảnh ruộng của mình, ông tách 3 công đất trồng cải xà lách xoong.
Nhờ kiên trì học hỏi, nên ruộng cải ông liên tiếp cho thu nhập khá. Hiện nay ông được xem là một trong những nông dân có tay nghề cao trong việc trồng xà lách xoong ở địa phương. Bình quân một công xà lách xoong mỗi năm thu hoạch khoảng 10 lứa, sau khi trừ các chi phí cũng cho thu nhập từ 20- 30 triệu đồng, tùy thời điểm.
Xã Thuận An là vùng chuyên canh trồng cải xà lách xoong lớn nhất TX Bình Minh. Hàng năm, địa phương này cung ứng hàng trăm ngàn tấn cải xà lách xoong cho khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.
|
Cũng theo ông, hiện trung bình cải xà lách xoong bán ra thị trường giá từ 30.000- 32.000 đ/kg, trừ các khoản chi phí, người trồng còn lời mỗi công từ 20- 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Võ Hoàng Rôn, người trồng cải xà lách xoong hiện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như quá trình trồng này đòi hỏi phải tốn công lao động cũng như kỹ thuật chăm sóc nhiều hơn.
Trong đó, quan trọng nhất là khâu tưới nước và phòng trừ dịch hại. Do có nhu cầu về độ ẩm cao nên để rẫy cải phát triển tốt, đòi hỏi người trồng một ngày phải tưới sương khoảng 10 lần.
Thời gian còn lại phải tập trung vào công tác chăm sóc, bón phân, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh. Với những đòi hỏi như vậy, hầu như trong ngày lúc nào người trồng xà lách xoong cũng ở ngoài rẫy. Đây cũng là lý do nhiều bà con nông dân vẫn còn ngán ngại, dù thu nhập của loại cây trồng này khá hấp dẫn.
Hướng đến siêu thị
Đó là một trong những mục tiêu mà Hợp tác xã Cải xà lách xoong an toàn Thuận An hướng tới trong thời gian tới. Ông Võ Hoàng Rôn cho biết, trong nhiều năm qua, nông dân trồng sản xuất cải xà lách xoong chủ yếu “bán tự do” cho thương lái, giá cả thương lượng chứ chưa có hợp đồng cố định.
Trước tình hình này, đầu năm 2013, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, từ tổ hợp tác cải xà lách xoong, ông đứng ra vận động một số hộ thành lập hợp tác xã sản xuất, với tổng vốn điều lệ khoảng 200 triệu đồng. Hiện hợp tác xã đã có 33 xã viên tham gia sản xuất diện tích 6ha.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, hợp tác xã đang xây dựng kho sơ chế, kinh phí khoảng 600 triệu đồng nhằm tạo ra sản phẩm cải xà lách xoong sạch, an toàn hướng tới tiêu thụ vào các nhà hàng và siêu thị thời gian tới.
Cũng theo ông Võ Hoàng Rôn, sau khi đi vào hoạt động, kho sơ chế này không chỉ đảm bảo sơ chế sạch cho cải xà lách xoong xã viên mà hướng tới còn mở rộng ra những hộ trồng khác.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long- Chủ nhiệm đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất xà lách xoong an toàn theo hướng VietGAP” cho biết: Sau thời gian tập huấn, kết thúc mỗi vụ tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả, hướng dẫn các kỹ thuật, đến nay nông dân thay đổi rất nhiều về biện pháp canh tác, nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Dự kiến cuối năm nay, 5ha cải xà lách xoong đầu tiên của 30 hộ trồng ở ấp Thuận Phú A, xã Thuận An sẽ được cấp chứng nhận VietGAP. Từ đây, cải xà lách xoong dễ dàng xâm nhập vào nhiều thị trường khó tính”- bà Nguyễn Ngọc Tuyết nói thêm.
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin