Mưa liên tục mấy ngày nay khiến việc thu hoạch lúa của nông dân gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi lúa đã đổ ngã, mọc mầm. Trong khi giá lúa hiện đang ở mức thấp, nông dân phải mòn mỏi chờ thương lái hoặc bán dưới giá thành. Nhiều người than, đây là một vụ mùa không may.
Mưa liên tục mấy ngày nay khiến việc thu hoạch lúa của nông dân gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi lúa đã đổ ngã, mọc mầm. Trong khi giá lúa hiện đang ở mức thấp, nông dân phải mòn mỏi chờ thương lái hoặc bán dưới giá thành. Nhiều người than, đây là một vụ mùa không may.
Lúa mọc mầm, thương lái vắng bóng
Lúa đã “huốt ngày thu hoạch” nên ngày nào bác Hai Thưởng (Thạnh Quới- Long Hồ) cũng mang bao ra đồng chờ máy gặt. Tuy nhiên, ngày nào cũng vậy, ra tới ruộng là trời mưa tầm tã. Đám lúa nhà bác bị sập và mọc mầm tua tủa.
Ngồi nhìn màn mưa, bác Hai rầu rầu: “Giá lúa thì thấp ơi là thấp mà cả cánh đồng mênh mông chỉ có vài người thu hoạch kịp, còn lại mắc mưa nên đều vướng lại. Kiểu này chừng 2 ngày nữa lúa rụng và hư hết là trắng tay luôn. Không biết mùa này xui gì mà đủ thứ?”
Nông dân tranh thủ gặt lúa lúc trời sắp đổ mưa (ảnh lớn). |
Gần đó, suốt 6 ngày túc trực ngoài đồng nhưng chị Lâm Thị Hiền vẫn chưa thu hoạch xong 6 công đất ruộng. Nhót ruột vì lúa bị sập và lên mộng, chị Hiền than vãn: “Máy cắt được phân nửa thì mưa riết tới nay.
Thương lái vô đồng này, chờ hoài mua không đầy ghe, sợ lúa trên ghe bị hư nên xin lại cọc đi mất rồi. Tới thời hạn mà chưa có lúa giao thì phải trả cọc chớ biết làm sao?” Chị Hiền rầu rĩ: “Lúa hư hỏng như vầy mà trời mưa hoài không cắt máy được, lại không có nhân công nên hổng biết làm sao. Vả lại, có cắt đem về được chắc phải xay gạo lứt cho heo ăn chớ bán chát gì được nữa”.
Anh Đặng Văn Tuấn- chồng chị Hiền chặc lưỡi: “Lúa nằm ì kiểu này coi như lỗ đứt mấy triệu đồng tiền phân, công sức 3 tháng trời cũng đổ sông đổ biển”.
Cạnh ruộng anh Tuấn, hơn 3 công lúa của anh Đinh Văn Sang cũng đang trong tình cảnh tương tự. Chỉ tay vào đám lúa sập nằm bẹp dí, lên mộng, lại bị ốc bươu vàng tấn công, anh Sang than: “Đám lúa lúc mới chín độ chừng hơn 30 giạ/công nhưng kiểu này may lắm chỉ còn chừng 20 giạ/công. Cắt xong chắc chỉ để ăn chớ không bán được”.
Sốt ruột mấy công đất nhà đã huốt ngày thu hoạch cả tuần, dì Sáu Em đội mưa ra đồng, mong tìm đủ người chịu lãnh 6 công lúa nhà, tiền công có mắc một chút cũng chịu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do lúa bị đổ ngã nhiều nên chủ ruộng trả công gặt khá cao: 400.000 đ/công, (cao hơn 100.000 đ/công so với vụ Đông Xuân). Ngoài ra, tiền tuốt lúa 120.000 đ/công và tiền thuê nhân công làm ngày (vận chuyển lúa về nhà) 130.000- 140.000 đ/người.
Trong khi, tiền thuê máy gặt chỉ khoảng 300.000 đ/công (nếu bán lúa tươi thì không tốn tiền thuê nhân công vác lúa).
Không chỉ tại trời
Chú Năm Đan ở ấp Tường Thạnh (Hòa Bình- Trà Ôn) lo lắng, mưa liên tục mấy ngày liền, 9 công ruộng nằm xẹp lép. Đã hợp đồng 3.800 đ/kg nhưng thương lái bỏ đi. Giờ buộc phải bán với giá từ 3.200- 3.500 đ/kg. Có người còn bán thấp hơn nữa, bởi đem về mà mưa hoài thì ủ hư lúa hết.
Tại ấp Nhơn Trí (Nhơn Bình- Trà Ôn), có tới 5 ghe mua lúa. Đây là những thương lái đã hợp đồng với nông dân. Chú Năm Gon nhà ở đây nói: “Tôi hợp đồng với chú Linh ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Chú đem ghe tới chờ mình cắt lúa, nhưng máy đâu cắt được. Cầu cho trời nắng”.
Qua nhiều ngày nằm chờ, thương lái đòi lấy tiền cọc, còn nông dân thì không đồng ý. Anh Tuần- thương lái ở Đồng Tháp nói: “Đặt cọc trước 10 triệu đồng/98 công. Ra hạn từ mùng 4- 6 âl là xong. Bây giờ là mùng 10 rồi mà không cắt thì trả tiền đặt cọc. Từ hồi xưa tới giờ chưa có bao giờ trễ như vầy”. Nhiều người dân ở đây bức xúc: “Tại trời mưa, giờ lúa chín rục hết trơn, lên mộng tùm lum. Mấy anh lỗ một, còn nông dân lỗ mười”.
Ông Bảy Rùm ở ấp Nhơn Trí (Nhơn Bình- Trà Ôn) nói, chuyện mưa gió thì đâu ai muốn, nhưng phải chi lúc hợp đồng, thời gian dài hơn. Còn chuyện hợp đồng với máy gặt này mà đưa vô máy gặt khác thì cắt sao kịp. Mấy bữa nắng ít, đòi lúa khô thật khô mới được cắt, chứ tự ý cắt là không thèm lấy.
Vạch đám lúa sập kế ruộng ông Bảy Rùm, cô Út buồn bã nói: “10 ngày trước lúa đứng, thương lái hợp đồng giá 75.000 đ/giạ. Nhưng khi mưa xuống, họ vô ruộng coi xong rồi nói sẽ bỏ ra mấy công không cân vì bị sập quá trời, thậm chí nói mai mưa nữa là họ không mua và lấy lại tiền cọc”.
Họp mặt bà con lại, thương lái nói, nếu mưa hoài, cắt máy không được thì cứ cắt tay, phơi khô, giá thị trường ở đây bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Nhưng “ai cũng chờ máy gặt chứ trả công cắt tay coi như huề”- chú Năm Gon than.
Anh Ba Giàu cùng ấp nói, tới lấp vụ tới, chắc phải nới rộng thời gian hợp đồng, rồi kêu nhiều máy hơn. Năm rồi, Hè Thu, lấp vụ cũng không gặp trường hợp này. Xui rủi là gặp ngay trời mưa. Ở Long Hồ, có ruộng lúa hư nặng quá, sợ không thu hoạch kịp nên kêu bán giá 1 triệu đồng/công để lấy lại tiền phân nhưng cũng… hổng ai dám mua.
Sốt nhân công thu hoạch lúa
Thu hoạch máy gặp khó nên nhân công lúa trở nên “sốt”, giá thuê gặt cũng tăng thêm 50.000 đ/công. Chị Vinh- một nhân công (Thạnh Quới- Long Hồ) cho biết: Đầu mùa giá chỉ 350.000 đ/công (gặt và bó lúa). Mấy ngày nay chạy mưa nên chủ đất tăng lên 400.000 đ/công. Có mấy chủ đất lại năn nỉ kêu công nữa nhưng nhiều quá nên không lãnh hết được.
|
Bài, ảnh: THẾ QUÂN-NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin