Toàn bộ gia cầm bị tiêu hủy do nhiễm cúm A/H5N1, các hộ chăn nuôi thở dài buồn bã. Đó là ghi nhận của chúng tôi tại vùng có dịch bùng phát thuộc ấp Hiếu Liên (Hiếu Thành- Vũng Liêm) vào ngày 8/6/2013. Đây là đợt nhiễm cúm A/H5N1 thứ 2 trong năm 2013.
Toàn bộ gia cầm bị tiêu hủy do nhiễm cúm A/H5N1, các hộ chăn nuôi thở dài buồn bã. Đó là ghi nhận của chúng tôi tại vùng có dịch bùng phát thuộc ấp Hiếu Liên (Hiếu Thành- Vũng Liêm) vào ngày 8/6/2013. Đây là đợt nhiễm cúm A/H5N1 thứ 2 trong năm 2013.
Đứt vốn vì đàn gia cầm nhiễm cúm
Những hộ có đàn vịt bị tiêu hủy là Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Văn Hai và Nguyễn Văn Dũng. Trước đó, tổng đàn vịt của các hộ này là 1.400 con (loại vịt siêu ngỗng), trong đó nuôi nhiều nhất là hộ Nguyễn Thị Hai với 900 con. Khoảng 1 tuần trước, đàn vịt của các hộ này có biểu hiện nóng sốt, lủi đầu nên các hộ tự mua thuốc về điều trị nhưng vài ngày sau đàn vịt cứ “rơi rụng” dần.
Toàn bộ số gia cầm đã được tiêu hủy.
|
Chính quyền địa phương và ngành thú ý đến kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi qua Cơ quan Thú y Vùng VII xét nghiệm. Kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Chi cục Thú y tỉnh và chính quyền địa phương nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số vịt còn lại.
Đàn vịt 900 con bị nhiễm bệnh chết dần, chỉ còn 550 con nhưng anh Huỳnh Văn Bỉ còn dùng dằng chưa chịu để lực lượng chức năng tiêu hủy vịt. Anh nói: “Tui nuôi vịt 20 năm nay, hễ vịt bệnh tui mua thuốc trị là ngay trân, hết bệnh liền. Riêng đàn vịt này, hổm rày trị hết cả chục triệu đồng rồi, dù có chết nhiều nhưng số còn lại bây giờ đã... khỏe”.
Vợ anh Bỉ rầu rĩ: “Vốn liếng đổ vô đàn vịt này nhiều quá, nào là tiền thức ăn, con giống, thuốc men hết 60- 70 triệu đồng. Mà có phải tiền nhà đâu, chỉ toàn vay mượn. Mấy ngày trước, đã có lái đến định đặt cọc, tới ngày gả chuồng sẽ cân nhưng tui chưa đồng ý- chờ mùng 5 tháng 5 giá vịt tăng cao thêm mới bán. Ai dè bây giờ vịt nhiễm cúm phải tiêu hủy hết trơn”.
Sau một hồi nghe giải thích, anh Bỉ đã ký tên chấp nhận tiêu hủy vịt. Anh gạt nước mắt cho biết, nhà không có ruộng, mướn 1 công rưỡi đất, nợ nần chăn nuôi chắc khó mà trả nổi. Hình ảnh người nông dân da rám nắng, nói giọng nghẹn ngào vì gia tài lớn nhất của gia đình anh sắp bị tiêu hủy khiến ai cũng phải mủi lòng…
Tương tự, đàn vịt 250 con của hộ Nguyễn Văn Hai chỉ còn 50 con- chuẩn bị đem đi tiêu hủy. Anh chua xót nói: “Tui mới đi làm mướn, chắt chiu được đàn vịt đầu tiên, định bán đợt này kiếm mớ tiền. Ai ngờ nó bị như vầy, đứt hơn chục triệu đồng. Qua đợt này chắc là tui đi làm mướn tiếp”. Anh Nguyễn Văn Dũng cũng thở dài vì “mất trắng cả chục triệu đồng”.
Có mặt tại đây, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Thành- Lê Vinh An khuyên các hộ hãy để ngành chức năng tiêu hủy vịt bệnh, tránh ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm: “Tôi đã gọi điện xin ý kiến của UBND huyện về việc hỗ trợ các hộ này”.
Cần chủ động phòng chống dịch
Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long- Lê Thanh Tùng cho biết: Hiện toàn tỉnh đã tiêm vaccine cúm A/H5N1 cho 80% đàn vịt và 50% đàn gà. Thời điểm vào mùa, vịt chạy đồng nhiều nên cần cẩn trọng bởi nguy cơ cúm gia cầm có thể tái phát lại bất cứ lúc nào.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng, khoanh vùng ổ dịch.
|
Riêng về các hộ có gia cầm nhiễm cúm A/H5N1 trong đợt này, ông Lê Thanh Tùng nói: Dù ngành thú y có triển khai nhưng rất tiếc các hộ này không tiêm phòng bởi hộ thì nói nuôi ngắn đời quá, hộ thì vịt mới ra lông, bệnh mới hết...
Từ sự việc trên, ông lưu ý hộ chăn nuôi cần chủ động hơn trong công tác tiêm phòng: Hiện nếu hộ nào chưa tiêm vaccine cúm A/H5N1 thì hãy chủ động liên lạc, đăng ký với tổ thú y để tiêm phòng ngay.
Hiện ngành thú y cùng chính quyền địa phương đã khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số vịt bệnh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, khoanh vùng ổ dịch, đóng đồng trong 3 tuần, để ngăn ngừa dịch lây lan diện rộng.
Ông Phạm Thành Mốt- Trưởng ấp Hiếu Liên cho biết: Hiện trong ấp có khoảng 10.000 vịt chạy đồng. Qua kiểm tra đều có tiêm vaccine cúm A/H5N1. Anh Nguyễn Văn Dũng (Cầu Kè, Trà Vinh)- vừa chạy đồng sang đây vài ngày nói: “Bầy vịt đẻ 6 tháng tuổi của tui đã chích H5N1 3 lần”.
Còn chú Trương Văn Mướt (ấp Hiếu Liên) có đàn vịt 550 con hơn 20 ngày tuổi đã tiêm vaccine cúm A/H5N1 và các bệnh khác. Chú cho biết: “Cả xóm này ai cũng nuôi vịt quanh năm, hiện nhiều hộ đang lo lắng lắm. Ngay cả đàn vịt của tui đã tiêm rồi mà sáng nào cũng phải ra thăm chuồng, thấy vịt khỏe mạnh thì mới yên tâm”.
Ông Huỳnh Thanh Văn- Trung Tâm Y tế huyện Vũng Liêm khuyến cáo: Các hộ nuôi gia cầm cần duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ (thường xuyên rửa tay xà phòng, ăn thức ăn nấu chín kỹ, uống nước sạch); hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh.
Ngoài ra, chỉ giết mổ gia cầm khỏe (đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ, rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ, nên có 2 thớt riêng biệt cho thịt sống và thịt chín). Đặc biệt, cần đến ngay trạm y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời khi có biểu hiện sốt cao, khó thở, mệt mỏi...
Để phòng tránh dịch lây lan diện rộng, ngành thú y cần tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, đồng thời tích cực vận động người dân tiêm vaccine cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm. Hộ chăn nuôi cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng.
Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long- Lê Thanh Tùng cho biết: Hiện toàn tỉnh đã tiêm vaccine cúm A/H5N1 cho 80% đàn vịt và 50% đàn gà. Thời điểm vào mùa, vịt chạy đồng nhiều nên cần cẩn trọng bởi nguy cơ cúm gia cầm có thể tái phát lại bất cứ lúc nào.
|
Bài, ảnh: THẾ QUÂN- NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin