Cần tạo dựng môi trường sản xuất ít ô nhiễm

12:05, 16/05/2013

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề xuất vấn đề trên tại hội nghị chuyên ngành “giải pháp dinh dưỡng tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi và giá trị cá tra Việt Nam” và cho rằng đây là một trong những khó khăn lớn mà ngành sản xuất cá tra đang đối mặt.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề xuất vấn đề trên tại hội nghị chuyên ngành “giải pháp dinh dưỡng tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi và giá trị cá tra Việt Nam” và cho rằng đây là một trong những khó khăn lớn mà ngành sản xuất cá tra đang đối mặt.

Giải pháp dinh dưỡng thay cho việc dùng hóa chất và kháng sinh nhằm đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra.


Cũng theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, nền tảng sản xuất của ngành cá tra là rất tốt nhưng đang ở trong giai đoạn đầy khó khăn. Thị trường cá tra vững chắc, vẫn còn khả năng mở rộng sản xuất nhưng tốc độ sẽ chậm hơn.

Các nhà chế biến, xuất khẩu là người dẫn dắt ngành và cần thay đổi chiến lược kinh doanh, hệ thống quản trị vì thách thức lớn nhất đến từ bên trong nội bộ ngành và trong mỗi phân khúc.

Sự đổi thay phải có sự ủng hộ từ chính sách và chính sách phải hỗ trợ cho việc tạo dựng lại môi trường sản xuất ít ô nhiễm, chi phí thấp, đồng thời cung cấp thông tin, hình thành cụm ngành và hỗ trợ chiến lược tăng trưởng bền vững.
 
Vấn đề hiện nay là phải cân đối lại khả năng cung- cầu, tuy nhiên, để xác định lượng cá thực tế có trong dân còn bao nhiêu là điều rất khó, đòi hỏi ngành nông nghiệp các địa phương phải thống kê một cách nghiêm túc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, trọng điểm phát triển bền vững của ngành cá tra hiện nay là cân đối cung- cầu, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, kiểm soát bệnh cá và siết chặt các quy định về sử dụng hóa chất và kháng sinh, phát triển nguồn giống, tăng cường hiệu quả sử dụng thức ăn, kiểm soát chi phí, quản lý nước thải và bảo vệ môi trường,...

Giải pháp hiện nay cần tăng cường các mối liên kết để thực thi sáng kiến thủy sản bền vững toàn cầu, thống nhất các tiêu chuẩn phát triển như GlobalGAP, ACC, ASC và chủ động xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc tế duy nhất cho cá tra Việt Nam.

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cũng chỉ ra một số thách thức trong sản xuất và xuất khẩu đối với mặt hàng này như việc quy hoạch vùng nuôi và kiểm soát chất lượng nuôi, việc tiếp cận vốn và cung ứng vốn cho người nuôi và doanh nghiệp, các quy định về dư lượng hóa chất kháng sinh, truy xuất nguồn gốc, xu hướng cạnh tranh và giảm giá trên thị trường quốc tế…

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra, Tiến sĩ Từ Thanh Dung- giảng viên Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ khuyến cáo cần xây dựng hệ thống miễn dịch tự nhiên khỏe mạnh cho cá bằng giải pháp dinh dưỡng thay cho việc dùng hóa chất và kháng sinh nhằm đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho cá tra phù hợp các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Hội nghị chuyên ngành “Giải pháp dinh dưỡng tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi và giá trị cá tra Việt Nam” là sáng kiến của Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam. Đây là diễn đàn của những người nuôi cá, các doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản, chế biến cá tra xuất khẩu với các nhà khoa học nhằm tìm ra chuỗi giá trị liên kết bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra, góp phần xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, với sản phẩm thức ăn chăn nuôi sử dụng từ nguyên liệu cám gạo được thu mua tại ĐBSCL, Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam đã góp phần làm giảm áp lực về giá thức ăn chăn nuôi do những nguyên liệu đầu vào nhập khẩu với giá cao như hiện nay.


Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh