Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ lúa Đông Xuân nhưng dịch vụ máy cắt lúa thiếu trầm trọng, khiến giá cả nhiều nơi tăng chóng mặt.
Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ lúa Đông Xuân nhưng dịch vụ máy cắt lúa thiếu trầm trọng, khiến giá cả nhiều nơi tăng chóng mặt.
Lúa đổ ngã, giá thu hoạch bằng máy lên 400.000đ/công. Trong ảnh: Máy gặt đập liên hợp của anh Cao Minh Hiển thu hoạch tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp).
Mất tiền vì… thu hoạch chậm
Cánh đồng xã Thạnh Quới (Long Hồ- Vĩnh Long) có tổng diện tích gần 800ha, thời điểm này lúa Đông Xuân đã được thu hoạch dứt điểm. Tuy nhiên, nhiều nông dân tỏ ra không vui, vì trước đó do tình trạng thiếu máy gặt lúa nên họ buộc phải thu hoạch chậm hơn kế hoạch và bán lúa với giá thấp.
Anh Đặng Văn Tuấn (xã Thạnh Quới- Long Hồ) vừa thu hoạch xong chục công ruộng cho biết: Vừa ăn tết xong, cả nhà lật đật kêu máy gặt, nhưng không có máy. Sợ lúa chín rục ngoài đồng nên nhận cọc chừng nào thu hoạch được thì bán lúa tươi luôn.
Lúc nhận cọc giá chỉ 4.300 đ/kg (tương đương 86.000 đ/giạ), cả tuần sau mới kêu được máy, thu hoạch xong thì lúa đã lên đến 4.600 đ/kg (92.000 đ/giạ). “Mất tới 6.000 đ/giạ chớ có ít đâu”- anh Tuấn buồn hiu.
Cũng tại xã Thạnh Quới, bà Năm Lùng cho biết: Giá gặt máy là 240.000 đ/công nhưng do thu hoạch rộ nên kêu máy rất khó. Nhiều ruộng lúa đã tới thời điểm thu hoạch nhưng phải nằm chờ máy gặt, có người không đợi được phải kêu nhân công cắt tay, giá đắt hơn mà phải tìm đỏ mắt.
Giá nhân công gặt lúa là 260.000 đ/công; làm ngày bao luôn ăn, uống là 120.000 đ/người/ngày. “Đó là chưa kể phải chạy đôn chạy đáo thuê đường cộ lúa về nhà, tốn thêm tới 10.000đ mỗi công chứ đâu ít”- bà Năm Lùng lo rầu.
Ông Đinh Văn Tuấn- quyền Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới cho biết: Do năm nay xuống giống lúa đồng loạt, thu hoạch cùng lúc nên nhu cầu sử dụng máy gặt lúa tại địa phương tăng rất cao, dẫn đến khan hiếm máy. Toàn xã hiện có trên 24 máy gặt đập liên hợp, cộng với lượng máy nơi khác đến nhưng đáp ứng chỉ khoảng 50% nhu cầu.
Anh Dương Văn Tiến (xã An Khánh- huyện Châu Thành- Đồng Tháp) cũng cho biết: Do thiếu máy gặt nên năm nay, nhiều hộ ở xã anh phải chờ đến nỗi lúa chín rụng ngoài đồng. Riêng 6 công lúa nhà anh cũng phải thu hoạch đêm, giá bán chỉ 4.100 đ/kg.
Sốt giá thu hoạch lúa
Tại hội nghị bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản ở ĐBSCL, tình trạng khan hiếm máy gặt đập liên hợp trở thành là mối quan tâm lớn của nhiều địa phương.
Một đại biểu tỉnh Hậu Giang cho biết: Vụ Đông Xuân này, toàn tỉnh xuống giống được hơn 80.000ha. Như những năm trước, lịch xuống giống chia làm 3 đợt, nhưng năm nay do lũ nhỏ, nông dân xuống giống tập trung và thu hoạch đồng loạt nên xảy ra khan hiếm máy gặt trầm trọng.
Trong tổng số khoảng 138 máy gặt đập liên hợp mà địa phương hiện có, cộng với lượng máy từ các nơi “chạy đồng” tới khoảng 40 máy thì cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải thu hoạch bằng thủ công.
Giá thu hoạch lúa thủ công cũng tăng theo. Ảnh minh họa.
Cũng theo vị đại biểu này, để giải quyết khó khăn, tỉnh đang yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt danh sách đăng ký của người dân có nhu cầu mua máy gặt đập liên hợp để ngân hàng sớm tiến hành thẩm định thủ tục cho vay mua máy, giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch.
Khan hiếm máy gặt lúa dẫn đến giá cả thu hoạch lúa cũng đội lên khá cao. Tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), theo anh Cao Minh Hiển- Chủ máy gặt đập liên hợp cho biết, do khan hiếm máy nên nhiều hộ phải chấp nhận thu hoạch cả ban đêm, lúa bị ướt do sương xuống nhiều, dẫn đến tỷ lệ lúa bị thất thoát lớn.
Hiện giá thu hoạch lúa tại đây là 350.000 đ/công; lúa đổ ngã lên đến 400.000 đ/công. Còn tại Nông trường Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) giá thu hoạch lúa đổ ngã đã lên tới 500.000 đ/công, tăng khoảng 5- 10% so năm trước.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, đến nay cả ĐBSCL có trên 7.000 máy gặt đập liên hợp và trên 3.500 máy gặt xếp dãy. Dự kiến đến năm 2015, số lượng máy gặt đập liên hợp toàn vùng sẽ tăng lên 15.000 máy, thì toàn bộ diện tích sẽ được thu hoạch bằng cơ giới.
Tuy nhiên, để làm được điều này, nhiều địa phương kiến nghị cần có cơ chế, chính sách thiết thực hơn nữa, tránh những thủ tục phiền hà, gây cho người nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm máy nông nghiệp của Chính phủ như trong thời gian qua.
Bài, ảnh: TRUNG THÀNH - TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin