Nông dân “xuất hành” đầu năm

07:02, 19/02/2013

Sau những ngày tết, nông dân bắt đầu trở lại công việc đồng áng. Nhiều gia đình còn dành mớ bánh, mớ trái cây hoặc khá hơn thì gà, vịt để cúng “thượng điền” cầu mong một năm làm ăn suôn sẻ, an lành.

Sau những ngày tết, nông dân bắt đầu trở lại công việc đồng áng. Nhiều gia đình còn dành mớ bánh, mớ trái cây hoặc khá hơn thì gà, vịt để cúng “thượng điền” cầu mong một năm làm ăn suôn sẻ, an lành.


“Xuất hành” đầu năm phơi lúa làm gạo xuất khẩu.Ảnh: DƯƠNG THU

Chọn ngày ra đồng

Mùng 3 tết, bác Cao Văn Trấn (Ba Trấn) ở huyện Chợ Mới- An Giang đã thức dậy từ sáng sớm, lọ mọ mần con gà để chuẩn bị cúng đất đai, ông bà “xuất hành” ngày đẹp đầu năm. Gia đình bác Ba Trấn làm hơn 50 công ruộng.

Những năm trước, khi tết chưa hạ nêu là phải chạy đôn, chạy đáo tìm thợ gặt lúa. Nhưng năm nay thì khác, bác Ba vừa bỏ ra trên 500 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp vừa làm lúa nhà vừa có thể “chạy đồng” lân cận. Độ mùng 2 tết, nhiều cánh đồng lúa miệt Lai Vung (Đồng Tháp) đã chín rục, hàng chục máy gặt đập làm cũng không xuể, nên “sau khi cúng bái xuất hành xong sẽ chuyển máy sang qua đó làm, lấy ngày luôn”- bác Ba cho biết.

Dọc Đường tỉnh 909 thuộc xã Mỹ Lộc (Tam Bình- Vĩnh Long) những ngày này lúa đã chín “khòm lưng”. Dượng Ba Keo ngồi uống trà sáng trong nhà với mấy ông hàng xóm nhìn ruộng lúa vàng om tươi cười, khoe: “Năm nay lúa êm lắm nghen. Tui bấm mấy bông, ước tính không dưới 40 giạ một công đâu.” Ăn ba hột cơm nguội, dượng Ba Keo lại tất tả lội ra đồng thăm lúa, sẵn tiện có máy gặt kêu luôn để ra tết là bắt tay thu hoạch.

Thím Ba, lục đục trong bếp, mần gà cúng mùng 3 nói theo, dặn dò: “Nhớ lựa máy gặt êm êm nghe, cắt kỹ để ít sót lúa chứ mùa trước hao hụt quá trời”. Gia đình dượng Ba làm hơn chục công ruộng. Mấy năm gần đây nhờ máy gặt đập liên hợp nên tới mùa không phải chạy vạy ngược xuôi kêu thợ cắt lúa như những năm trước. “Nhưng ổng quen rồi, năm nào tới mùa cắt lúa cũng muốn ra đồng thăm lúa thiệt sớm”- dì Ba xởi lởi.

Do đây là vụ lúa có năng suất, chất lượng và giá bán thường cao nhất trong năm nên phần lớn nông dân đều rất phấn khởi. Nhờ thời tiết khô ráo nên máy gặt đập liên hợp, máy gặt xếp dãy nhiều hơn mọi năm, giá thu hoạch trên dưới mức 300.000 đ/công. Tuy nhiên theo ông Ba Xuyên- chủ máy gặt đập liên hợp ở ấp Phú Thọ (Tân Phú- Tam Bình): “Do diện tích lúa sập ở địa phương khá nhiều nên việc thu hoạch lúa chưa ngon lắm và đây cũng là nguyên nhân khiến giá công cắt có tăng chút đỉnh so lúa thường”.

Giá lúa thấp nên kém vui

So với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2013, hiện giá lúa gạo tại một số tỉnh ĐBSCL vẫn dao động ở mức thấp, dù chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ đã cận kề (20/2).


Giá lúa thấp, nông dân huyện Lai Vung- Đồng Tháp thuê ghe vận chuyển lúa về nhà dự trữ chờ giá. Ảnh: TRUNG THÀNH

Sáng 14/2, tại cánh đồng lúa xã Hòa Long (Lai Vung- Đồng Tháp) hàng trăm hecta lúa Đông Xuân đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân vẫn neo lại chờ giá. Nhiều ruộng thu hoạch xong nhiều ngày qua, lúa được vận chuyển ra kinh nhưng vẫn chưa bán được.
 
Nhiều người phải tốn thêm chi phí thuê ghe vận chuyển lúa về nhà. Ông Nguyễn Văn Hải vừa thu hoạch xong 3ha lúa ở xã Hòa Long cho biết: Thương lái mua tại ruộng chỉ 4.300- 4.350 đ/kg. “Với giá này chỉ huề vốn chứ khó có lời. Còn những ai thuê đất sản xuất thì coi như lỗ trắng tay”. Nhiều nông dân ở An Giang dù mới bắt đầu thu hoạch nhưng một số nơi việc tiêu thụ hết sức khó khăn.

Còn tại một số nơi trong tỉnh Vĩnh Long cũng đang vào mùa thu hoạch lúa Đông Xuân sớm, diện tích hơn 9.000ha, năng suất trung bình đạt đến 7- 8 tấn/ ha. Khâu thu hoạch được cơ giới hóa nên đạt tiến độ rất nhanh và đảm bảo chất lượng hạt tốt. Nhưng giá lúa hiện không cao, khiến người trồng lúa hết sức lo lắng.

Theo tính toán của một cán bộ xã Ngãi Tứ (Tam Bình): Hiện giá thành hạt lúa mà nông dân làm ra từ hơn 3.600- 4.000 đ/kg. Nếu bán lúa giá như hiện nay thì người nông dân khó có lời được 30%. Mặt khác, hiện nay đa số nông dân có thói quen bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch, nên không chuẩn bị kho chứa chu đáo. Vì thế, khi tồn trữ lại để chờ giá lên để bán sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Hầu hết bà con đều vô bao chứa tại nhà, dễ làm cho hạt lúa bị biến chất, giảm giá trị thương phẩm. Ngoài ra còn bị hao hụt một khối lượng đáng kể do lúa bị chuột và sâu mọt phá hại. Đây cũng là yếu tố làm cho bà con nông dân thêm phần thiệt hại khi hạt lúa làm ra bán không được giá.

Anh Nguyễn Minh Dũng- thương lái mua lúa ở Tam Bình lý giải: “Thời điểm này thương lái hạn chế thu mua, vì còn vài ngày nữa chương trình mua tạm trữ sẽ bắt đầu nên hầu hết thương lái ngóng xem giá cả doanh nghiệp xuất khẩu mua vào lúc đó thế nào mới triển khai đi mua từ nông dân”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 1 cả nước xuất khẩu hơn 300.000 tấn gạo, hợp đồng ký đến cuối tháng đạt 1,1 triệu tấn, nếu tính hợp đồng ký năm 2012 chuyển sang là 700.000 tấn gạo. Đến nay số lượng hợp đồng gạo xuất khẩu đã ký đạt 1,8 triệu tấn, vì vậy, nhiều nông dân hy vọng, quyết định của Chính phủ cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa từ ngày 20/2- 31/3/2013 sẽ kích cầu giá lúa tăng trở lại trong những ngày tới.

TRUNG THÀNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh