Nâng cao giá trị hạt lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi

10:02, 06/02/2013

Gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi (TNVL) là một trong hai loại gạo đặc sản của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Gạo TNVL đã có thương hiệu, vấn đề còn lại là làm thế nào để khẳng định uy tín loại gạo này trên thị trường.

Gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi (TNVL) là một trong hai loại gạo đặc sản của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Gạo TNVL đã có thương hiệu, vấn đề còn lại là làm thế nào để khẳng định uy tín loại gạo này trên thị trường.

Huyện Vĩnh Lợi có 9.303ha đất sản xuất lúa TNVL, chiếm trên 55% diện tích đất canh tác của huyện, tập trung ở các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Châu Thới, Châu Hưng A, Hưng Thành, Hưng Hội, Long Thạnh…

Tài nguyên là một loại gạo đặc sản truyền thống và nổi tiếng đã được nông dân Vĩnh Lợi gieo trồng cách đây hơn 30 năm. Lúa Tài nguyên được sản xuất trong điều kiện tự nhiên, có nhiều đặc tính khác biệt như khí hậu, đất đai, giống lúa, kỹ thuật canh tác…

Những điều kiện đó đã tạo cho hạt gạo TNVL có những đặc trưng riêng về chất lượng như dẻo, thơm, ngon cơm, không giống với các loại gạo khác.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa Tài nguyên. Ảnh: Đặng Quang Sanh

Năm 2010, với việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gạo TNVL, loại gạo này đã có chỗ đứng trên thị trường lúa gạo. Để quảng bá thương hiệu, giữ vững chất lượng loại gạo này, Hội sản xuất gạo TNVL đã ký kết hợp đồng với nông dân thu mua lúa đảm bảo chất lượng trước khi xuất bán.

Huyện Vĩnh Lợi cũng đã kết hợp với Viện lúa ĐBSCL phục tráng giống lúa TNVL nhằm tăng năng suất và chất lượng hạt gạo. Hiện nay, huyện đã nhận lúa giống Tài nguyên nguyên chủng để sản xuất lúa giống trình diễn ở 2 xã Châu Hưng A và Hưng Hội, mỗi xã 1ha.

Đồng thời giao cho các xã khác nhân giống nhằm đảm bảo đủ lúa giống cung cấp cho hơn 9.000ha đất sản xuất lúa TNVL.

Song, mặc dù đã có thương hiệu, nhưng nông dân vẫn phải “tự bơi” trong việc tiêu thụ lúa TNVL. Một số thương lái tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bến Lức, Long An xuống tận Bạc Liêu thu gom lúa TNVL để trộn với một số loại gạo thơm khác đem bán.

Từ đó, gạo TNVL lại mang nhãn mác của một số loại gạo thơm khác.

Để khắc phục tình trạng này, rất cần sự vào cuộc và hợp tác chặt chẽ của “4 nhà”. Trong đó, nhà doanh nghiệp - mà trực tiếp là Hội sản xuất gạo TNVL huyện.

Ông Huỳnh Văn Quậy, Chủ tịch Hội sản xuất gạo TNVL khẳng định: “Hội sẽ ký kết hợp đồng thu mua lúa, gạo TNVL của nông dân với giá cả hợp lý, đảm bảo hai bên đều có lợi. Trong đó, có quy định điều kiện là nông dân phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất lúa TNVL, đảm bảo chất lượng.

Hội sẽ đầu tư xây dựng kho bãi dự trữ lúa, đầu tư đổi mới công nghệ xay xát đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, xây dựng nhà máy lau bóng gạo và đóng gói bao bì sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng”.

Để gạo TNVL có chỗ đứng trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của huyện và Hội sản xuất gạo TNVL huyện, rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng cấp tỉnh. Có như thế, thương hiệu gạo này mới có vị thế trên thị trường và có đầu ra ổn định.

Theo Bạc Liêu Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh