Mua tạm trữ, giá lúa vẫn còn thấp

07:02, 26/02/2013

Sau 6 ngày (kể từ 20/2/2013) Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng giá lúa ở ĐBSCL vẫn ở mức thấp.

Sau 6 ngày (kể từ 20/2/2013) Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng giá lúa ở ĐBSCL vẫn ở mức thấp.


Vụ lúa năm nay được đánh giá trúng mùa nhưng rớt giá.

Tính đến ngày 25/2/2013 đã có hàng trăm ngàn hecta lúa Đông Xuân ở các tỉnh ĐBSCL thu hoạch. Thế nhưng, như Báo Vĩnh Long từng phản ánh, nhiều nông dân vẫn gặp khó tiêu thụ lúa sau thu hoạch dù giá cả thấp. Tại một số nơi trong tỉnh Vĩnh Long và An Giang, nông dân thu hoạch lúa rồi chất đống trên bờ kinh chờ giá.

Giá lúa chưa khả quan

Dọc theo tuyến kinh ở xã Vọng Thê, Vọng Đông (Thoại Sơn- An Giang) thời điểm này, các cánh đồng lúa chín vàng ươm, có nơi đã thu hoạch xong. Lão nông Cao Văn Bến vừa thu hoạch hơn 20 công ruộng ở xã Vọng Đông cho biết: Thương lái mua lúa tại ruộng chỉ 4.300 đ/kg. “Với giá này chỉ huề vốn chứ không có ăn. Còn những ai thuê đất sản xuất thì coi như không còn lời”.

Theo ông Bến, thông thường vào đầu mỗi vụ, lúa thường bán được giá, do sản lượng ít nhưng năm nay thì trái ngược. Một nghịch lý xảy ra tại đây là một số giống lúa chất lượng cao như OM4900 thì thương lái hạn chế mua.

Xuất khẩu gạo sẽ gặp khó

Đó là dự báo của VFA trong năm nay, do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu sụt giảm. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh sẽ gay gắt giữa các nguồn cung cấp gồm: Thái Lan, Việt Nam , Ấn Độ, Pakistan Myanmar .

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đặt ra chỉ tiêu sản xuất năm 2013 là giữ ổn định diện tích các vụ lúa, tăng năng suất lúa bình quân trong toàn vùng và tăng sản lượng cả năm.

Trong khi đó, tại Vĩnh Long, lúa Đông Xuân cũng bước vào thu hoạch chính vụ. Tại nhiều nơi, thương lái kết hợp “cò” lúa mua lúa cho nông dân ngay tại đồng nhưng giá từ đầu vụ đến nay vẫn ổn định ở mức thấp, dao động từ 4.300- 4.400 đ/kg.

Anh Tống Minh Châu- nông dân xã Tân Phú (Tam Bình- Vĩnh Long) vừa bán lúa tươi tại ruộng giá 4.500 đ/kg, vừa mừng vừa lo vì: “Nhờ tui lấy tiền cọc trước tết mới bán được giá đó chứ hiện lúa rớt giá dữ lắm”.
 
Đáng lo nhất là những ruộng lúa gieo sạ lúa phẩm cấp thấp như IR50404 bán lúa tươi tại ruộng chỉ với giá 4.200 đ/kg, giảm từ 100- 200 đ/kg so với đầu vụ, nông dân chỉ huề vốn. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 15.000/64.000ha xuống giống, năng suất bình quân 7 tấn/ha.

Khó lời 30%

Theo VFA, từ ngày 20/2- 30/3, 120 đầu mối được phân bổ sẽ thu mua 2 triệu tấn lúa tạm trữ, nhằm đảm bảo giữ giá lúa khô, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu không thấp hơn 5.000 đ/kg.

Mức giá này cân đối từ giá thành sản xuất lúa đã được Bộ Tài chính công bố khoảng 3.616 đ/kg. Tuy nhiên, theo tính toán của nông dân (tùy từng địa phương) giá thành sản xuất lúa từ mức 3.700- 4.700 đ/kg.

Trong khi đó, giá lúa tươi tại ruộng được các thương lái thu mua chỉ khoảng từ 4.100- 4.600 đ/kg; lúa khô khoảng 5.200 đ/kg, tùy giống. Với mức giá mà VFA thu mua, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thì nông dân không thể lời 30%.  


Thương lái mua lúa ở xã Vọng Thê (Thoại Sơn- An Giang).

Anh Nguyễn Minh Đức (xã Tân Phú- Tam Bình) tính toán: Hiện giá thành sản xuất khoảng 3.700 đ/kg, với giá bán lúa tươi hiện từ 4.200- 4.300 đ/kg, sau trừ các chi phí như phân, thuốc, giống, nhân công thu hoạch,… thì nhà nông không thể có lời 30%, còn ai thuê đất làm thì trắng tay.

Một thương lái ở An Giang cho biết, dù có quyết định tạm trữ những ngày qua nhưng giá lúa tại địa phương vẫn không tăng. Còn theo thừa nhận của một doanh nghiệp, giá lúa giảm mạnh một phần là do các doanh nghiệp đang chờ hưởng lợi chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Trong khi nông dân thì cần tiền thanh toán nợ vật tư nông nghiệp nên đành phải bán lúa giá thấp.

Ông Lê Tuấn- Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long thừa nhận: Sau khi có quyết định mua tạm trữ, giá lúa có tăng trong những ngày qua nhưng không cao. Đến nay, công ty đã thu mua được khoảng 3.000/15.000 tấn lúa mà VFA giao chỉ tiêu. “Giá lúa có tăng thêm nữa không thì rất khó đoán vì còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu”- ông Lê Tuấn cho biết thêm.

Điều đáng ghi nhận là sau quyết định mua tạm trữ, các doanh nghiệp được phân bổ đã chủ động triển khai thu mua. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng của nông dân hiện nay là giá lúa tuy có nhích lên nhưng vẫn còn thấp, chưa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân như cam kết.

Bài, ảnh: TRUNG THÀNH


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh