Kỳ vọng cánh đồng mẫu lớn

10:02, 18/02/2013

Ánh bình minh xua tan màn sương mù vào sáng sớm một ngày chớm xuân. Trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã thấp thoáng những người đi thăm đồng. Đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, nên dù ngày tết cổ truyền đã cận kề, nhưng nhịp độ lao động nơi đây vẫn không hề giảm.

Ánh bình minh xua tan màn sương mù vào sáng sớm một ngày chớm xuân. Trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã thấp thoáng những người đi thăm đồng. Đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, nên dù ngày tết cổ truyền đã cận kề, nhưng nhịp độ lao động nơi đây vẫn không hề giảm.

Bước tiến trên đồng ruộng

Mặt trời chưa lên khỏi đỉnh đầu, nhưng ông Nguyễn Văn Út, Chủ nhiệm HTX Vị Thanh, huyện Vị Thủy lần lượt thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bỏ vào hố bê tông.

Âm thanh từ chiếc máy phun thuốc dần tắt. Khom người, nhổ cây lúa độ tuổi đòng trổ, ông Út cho biết: “Vụ Đông xuân này, 22 xã viên, với diện tích 90ha của HTX trong CĐM đều gieo sạ giống OM4900 theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang”.

Chuyện chọn giống lúa xác nhận, có phẩm chất gạo tốt đối với ông Út trở nên quá quen thuộc, khi mà toàn bộ 394ha của CĐML hiện nay thuộc vùng quy hoạch lúa chất lượng cao của tỉnh trong mấy năm qua.

Điều làm ông bất ngờ là hầu hết các xã viên khi tham gia thực hiện mô hình CĐML đều ý thức xuống giống tập trung, né rầy bằng dụng cụ sạ hàng và đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Từ đó, bà con thu hoạch đồng loạt bằng máy gặt đập liên hợp để có đủ nguồn lúa nguyên liệu giao cho đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

 

Thực ra, vấn đề bơm nước, xuống giống tập trung vốn đã hình thành từ lâu trong ý thức của nhà nông Hậu Giang, nhất là vào vụ lúa Đông xuân hàng năm. Song, họ chưa thể thực hiện liên tục do điều kiện hạ tầng thủy lợi thiếu đồng bộ.

Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thanh Phạm Hoài Nam cho hay, sau khi được chọn làm điểm xây dựng CĐML của tỉnh, Vị Thanh được quan tâm đầu tư xây dựng 9 cống hở bê tông cốt thép kiên cố, cùng một trạm bơm điện nhằm đáp ứng mục tiêu chống hạn, chủ động tưới tiêu cho bà con suốt 3 vụ lúa trong năm, đặc biệt là đảm bảo yêu cầu cơ giới hóa trên đồng ruộng.

Đứng trên bờ đê, đồng thời cũng là đoạn đường giao thông nông thôn rộng 3,5m khép kín CĐML hơn 225ha của xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, anh Hà Minh Triều, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phước Trung, kể: “Mặc dù lịch thời vụ xuống giống tập trung kéo dài trong vòng 10 ngày, tuy nhiên chỉ trong vòng 3 ngày thì tất cả 66 xã viên HTX đồng loạt bơm nước xuống giống dứt điểm 90ha lúa Đông xuân năm 2012-2013 nằm trong CĐML của xã. Thời gian xuống giống nhanh chóng một phần là nhờ nước lũ năm nay về nhỏ, mà quan trọng là hệ thống kênh tạo nguồn, cống đập được nạo vét thông thoáng và nâng cấp hoàn chỉnh”.

 

Nhìn cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, dợn sóng hứa hẹn một mùa vàng bội thu, anh Triều tin tưởng vào tương lai của mô hình CĐML.

Mà đáng ghi nhận là trong suốt quá trình canh tác, bà con luôn mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sạ hàng, bón phân, phun thuốc theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, phương pháp “4 đúng”… Nhờ vậy, tiết kiệm chi phí mà đồng ruộng vẫn được chăm sóc tốt, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe dài lâu cho người trồng lúa.

Đột phá trong liên kết

HTX Vị Thanh ra đời đánh dấu sự đột phá trong việc sắp xếp, tổ chức lại sản xuất của người dân canh tác theo mô hình CĐML tại địa phương. Thực tế là thời gian qua, tuy mang tiếng là nằm trong vùng quy hoạch lúa chất lượng cao, nhưng nhà nông ở xã Vị Thanh chưa thể liên kết lại với nhau.

Ông Nguyễn Văn Út cho rằng, hạn chế lớn nhất trong quá trình sản xuất của người dân bao đời nay là tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, cần có HTX đảm nhận nhiệm vụ tập hợp các nhà nông trên cùng khu vực canh tác để cùng nhau sản xuất ra một lượng lớn sản phẩm có chất lượng đồng nhất đáp ứng yêu cầu thị trường.

Bởi mục tiêu cuối cùng của mô hình CĐML là hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô lớn và giải quyết “bài toán” về tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, trước hết phải thành lập một tổ chức sản xuất có khả năng thực hiện vai trò đầu mối gắn kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo.

Ông Út cho biết, toàn bộ diện tích 107ha trồng giống OM4900 trong cánh đồng mẫu lớn sẽ được HTX thu mua lúa tươi tại ruộng theo giá thị trường. Sau đó chuyển đến nhà máy xay xát trước khi giao cho Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang chế biến, đóng gói.

Với mong muốn hạt lúa có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá nên anh Kim Xà Phol, ở ấp 5, xã Vị Thanh không ngần ngại đăng ký tham gia và trở thành một trong số 127 hộ đầu tiên tiếp nhận hỗ trợ giống và hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Cầm phiếu mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dành cho những hộ canh tác trong CĐML Vị Thanh trên tay, anh Phol phấn khởi: “Trước khi vào vụ, tui được Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang hỗ trợ hàng trăm ký lúa giống xác nhận OM4900 để gieo sạ và đảm bảo bao tiêu hết diện tích gần 2ha lúa của gia đình. Ngoài ra, Công ty Bayer Việt Nam còn bán chịu thuốc BVTV bằng giá gốc không tính lãi trong vòng 4 tháng nên giờ đây tui chỉ lo chăm sóc đồng ruộng sao cho đạt năng suất cao nhất”.

Công ty Cổ phần BVTV An Giang cũng trực tiếp cung ứng thuốc BVTV theo giá gốc và phân bón thông qua hình thức hỗ trợ chi phí lãi suất thanh toán nợ cho người dân được thực hiện trên cơ sở “Dự án hỗ trợ CĐML nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo tỉnh Hậu Giang”.

Chỉ tay vào những bao phân chuẩn bị cấp phát cho các xã viên, anh Hà Minh Triều bộc bạch: “Cũng mua bằng giá thị trường, nhưng được cái là tiền lãi đóng cho đại lý, trung bình 50.000 đồng/bao phát sinh do người dân mua phân bón thiếu đến khi hết vụ mới chi trả sẽ được công ty thanh toán thay”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Đời khẳng định: Dự án hỗ trợ CĐML nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo nhằm liên kết lại sản xuất, nâng giá trị lợi nhuận cho nông dân bằng cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp để tiết kiệm chi phí đầu vào mà năng suất tăng cao.

Đồng thời, dựa trên các hình thức hợp tác, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp cung ứng phân, thuốc và thu mua lúa gạo có uy tín trong và ngoài địa bàn sẽ là “đòn bẩy” làm gia tăng chuỗi giá trị hạt gạo và thực sự mang lại lợi ích xứng đáng đúng như kỳ vọng của mọi người trồng lúa ở 2 CĐML điểm trong tỉnh.

Càng về cuối năm, không khí lao động hăng say trên khắp CĐM càng khẩn trương. Các trưởng nhóm kỹ thuật miệt mài bám sát ruộng đồng để kịp thời hỗ trợ kỹ thuật bón phân hợp lý, phun xịt phòng trừ dịch bệnh cho bà con.

Qua đó, giúp cho những người “một nắng hai sương” vất vả tạo ra “hạt ngọc đồng bằng” đạt được lợi nhuận cao nhất ngay trong vụ Đông xuân này, góp phần tạo nên thế đứng cho mô hình CĐML trong các vụ lúa tiếp theo.

Theo Hậu Giang Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh