Để vựa lúa đồng bằng mạnh thêm

08:02, 10/02/2013

Lẽ ra lâu nay nông dân đồng bằng phải giàu, phải mạnh, đằng này những ông chủ vựa lúa luôn “nằm kèo dưới”, thua thiệt đủ đường. Giờ đây, việc xây dựng hệ thống kho lương thực, tăng sức chứa, tạo điều kiện tiêu thụ tốt lúa gạo cho nông dân đang tiếp thêm nguồn năng lượng mới giúp cho vựa lúa đồng bằng thực sự mạnh vì gạo.

Lẽ ra lâu nay nông dân đồng bằng phải giàu, phải mạnh, đằng này những ông chủ vựa lúa luôn “nằm kèo dưới”, thua thiệt đủ đường. Giờ đây, việc xây dựng hệ thống kho lương thực, tăng sức chứa, tạo điều kiện tiêu thụ tốt lúa gạo cho nông dân đang tiếp thêm nguồn năng lượng mới giúp cho vựa lúa đồng bằng thực sự mạnh vì gạo.

Xây kho dự trữ lúa

Tháng 10/2012, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam) khai trương Xí nghiệp Chế biến lương thực Cà Mau tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm).

Đầu tư hệ thống kho lương thực nhằm tiêu thụ lúa kịp thời và chủ động nguồn hàng xuất khẩu. Trong ảnh: Khai trương Xí nghiệp Chế biến lương thực Cà Mau tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm).

Xí nghiệp có sức chứa 15.000 tấn lúa, năng lực thu mua, chế biến xuất khẩu khoảng 60.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 68 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2011, Công ty Lương thực Vĩnh Long xây dựng Kho Lương thực Trà Ôn tại xã Xuân Hiệp (Trà Ôn). Đây là một trong những dự án lớn của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đầu tư tại ĐBSCL với tổng vốn trên 168 tỷ đồng.

Kho Lương thực Trà Ôn có khả năng quay vòng sản xuất 120.000- 140.000 tấn gạo xuất khẩu mỗi năm. Nhà kho có sức chứa 45.000- 50.000 tấn, năng lực thu mua trên 200.000 tấn lúa mỗi năm, góp phần tiêu thụ lúa trực tiếp cho 5 huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Bình Minh, Long Hồ, các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh.

Trước đó, Công ty CP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long cũng đã khai trương Xí nghiệp Lương thực Tam Bình ở xã Tường Lộc (Tam Bình), có sức chứa gạo các loại là 12.000 tấn, khả năng chế biến gạo trên 70.000 tấn/năm, với tổng kinh phí đầu tư là 19,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Phước Cương- Giám đốc Xí nghiệp Lương thực Tam Bình, cho biết: Xí nghiệp nằm ở vị trí trung tâm lúa Tam Bình và tuyến sông Mang Thít, là đầu mối giải quyết đầu ra của lúa cho các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm, Long Hồ và các vùng lân cận.

Do nằm trên tuyến giao thông thủy huyết mạch từ các tỉnh phía Nam sông Hậu đi TP Hồ Chí Minh nên xí nghiệp có lợi thế trong việc thu mua lượng lớn gạo hàng hóa từ các tỉnh: Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau...

Cũng theo ông Cương, nhờ có vị trí thuận lợi giao thông thủy, trong tương lai, khả năng các nhà máy lau bóng gạo mọc lên dọc tuyến sông này là rất lớn.

Công ty CP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long hiện có hệ thống kho với sức chứa 90.000 tấn đặt tại Vĩnh Long và các vùng nguyên liệu trọng điểm ở ĐBSCL như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp. Hàng năm, công ty có khả năng sản xuất, cung cấp sản lượng gạo xuất khẩu và nội địa từ 400.000– 500.000 tấn gạo chất lượng cao.

Ông Nguyễn Thọ Trí- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, cho rằng: Vĩnh Long có nhiều thuận lợi về giao thông thủy, bộ nên trong tương lai, tổng công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm các kho lớn trên địa bàn.

Dự trữ lương thực giúp nông dân an tâm sản xuất.

Sắp tới đây, tổng công ty sẽ triển khai dự án xây dựng kho lương thực ở xã Bình Ninh (Tam Bình) trên diện tích 3ha với sức chứa 20.000- 30.000 tấn và tại đây sẽ được xây dựng nhà máy xay xát, chế biến lương thực. Hiện tổng công ty đang khởi công nhanh những công trình nhằm đưa hệ thống kho vào hoạt động, tăng sức chứa, tạo điều kiện tiêu thụ tốt lúa gạo ở ĐBSCL.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhu cầu kho trữ lúa gạo cho ĐBSCL khoảng 4 triệu tấn. Tuy nhiên, các kho trữ lúa gạo trong vùng chỉ mới đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu. Hiện tổng lượng kho xây mới tại ĐBSCL chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Kho chứa lúa ở ĐBSCL vừa thiếu lại vừa yếu, nhiều kho chứa không đảm bảo yêu cầu bảo quản chất lượng.
 

 

Ảnh Vinh Hiển

Hệ thống kho chứa lâu nay yếu kém do doanh nghiệp (DN) khi nào có hợp đồng xuất khẩu mới tập trung mua lúa trong dân. Vì vậy, khi giá xuống thấp họ không mua mà để dân tự tồn trữ bằng cách chất đống quanh nhà làm giảm chất lượng hạt lúa, thất thoát nhiều.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, cả nước hiện có hơn 200 DN xuất khẩu gạo nhưng nhiều DN không có vùng nguyên liệu, không nhà máy xay xát, không có kho tàng tồn trữ gạo.

Nhiều DN còn làm ăn theo kiểu mua đầu này bán lại cho đầu kia, không mua lúa mà chỉ mua gạo rồi xuất khẩu. DN mua gạo, trong khi đó nông dân cần bán lúa. Việc tiêu thụ lúa của nông dân còn phụ thuộc vào mạng lưới trung gian là các thương lái nên nhiều lúc còn bị thiệt thòi về giá.

Trong khi đó, chương trình xây dựng 4 triệu tấn kho chứa lúa gạo (1,5 triệu tấn kho chứa cũ và 2,5 triệu tấn kho sẽ xây dựng mới) đến nay tiến độ xây dựng vẫn còn chậm.
 
Lý giải việc này, VFA cho rằng hầu hết DN sau khi được phê duyệt dự án không tiếp cận được nguồn vốn vay. Hiện Chính phủ đã có văn bản đồng ý kéo dài thời hạn hoàn thành đến hết năm 2013.

Theo đề án quy hoạch của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, hệ thống kho chứa lương thực tại khu vực ĐBSCL sẽ được đầu tư với 43 kho có sức chứa 975.000 tấn, tổng vốn đầu tư 2.780 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, tổng sức chứa của hệ thống kho tồn trữ lên hơn 1,7 triệu tấn. Việc đầu tư xây dựng kho chứa với quy mô lớn sẽ góp phần tạo nên sự phát triển bền vững, tăng lợi thế cho hạt gạo, là nguồn năng lượng mới giúp cho vựa lúa đồng bằng thêm mạnh.

Bài, ảnh: THANH LIÊM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh