TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam vừa khảo sát tình hình bệnh “lạ” đang gây hại trên vườn thanh long tại Long An khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Bệnh “lạ” này tấn công làm thối trái, hư cành với mức độ lây lan rất nhanh, khó điều trị, nguy cơ thiệt hại lớn trên nhiều vùng trồng thanh long.
TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam vừa khảo sát tình hình bệnh “lạ” đang gây hại trên vườn thanh long tại Long An khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Bệnh “lạ” này tấn công làm thối trái, hư cành với mức độ lây lan rất nhanh, khó điều trị, nguy cơ thiệt hại lớn trên nhiều vùng trồng thanh long.
Lây nhanh theo gió ,nguồn nước…
KS. Lê Văn Hoàng (Trung tâm BVTV Nam bộ, Viện BVTV) cho biết, bệnh “lạ” này xuất hiện trước đây nhưng nông dân không chú ý, tuy nhiên gần đây mức độ phát tán nhanh hơn. Bệnh gây hại rất nguy hiểm, chẳng những gây thối trái mà có khả năng làm hại cây.
Điều đáng lưu ý là bệnh có thể lây lan nhanh trong vườn thông qua nguồn nước, gió, ốc bò từ cây bệnh sang cây lành, qua con người và động vật…
Bệnh xuất hiện ban đầu là chấm trắng nhỏ, sau đó chuyển sang nâu đỏ, liên kết lại thành khối hư, phá hủy cây thanh long. Bệnh gây hại trên trái, dù không làm hư hại bên trong nhưng làm vỏ trái mất thẩm mỹ, không thể bán xuất khẩu, thương lái “chê” không thu mua.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, tổ trưởng Tổ thanh long VietGAP Long Trì cho biết, vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Nha (ấp Long Thành, xã Long Trì) vừa thu hoạch 3 tấn trái nhưng chỉ bán được 1,5 tấn, số còn lại bị loại ra vì xuất hiện vết bệnh.
Hiện nhiều nhà vườn trồng thanh long rất lo lắng, bệnh không chỉ tấn công cây mà còn cả trên trái, nhất là trái chín sắp thu hoạch nên rất khó bán, chỉ bán “hàng dạt” với giá rẻ bèo.
Theo chị Lê Thị Điểu, Trạm BVTV huyện Châu Thành, nông dân có đem mẫu bệnh nhờ tìm hiểu nhưng đến nay chưa xác định chính xác nguyên nhân.
Có những vườn nông dân phun quá nhiều thuốc BVTV, ra tược non là phun nhưng sau đó giảm lại thì bệnh hết dần. Do vậy cũng đặt ra nghi ngờ do “sinh lý” hoặc cũng có khả năng do nấm. Theo một số tài liệu, triệu chứng bệnh này không chỉ gây hại trên thanh long mà còn gây hại trên xoài.
“Bắt” bệnh sớm để phòng ngừa
Ông Phan Nghĩa Đại, Trung tâm khuyến nông Long An cho biết, qua theo dõi tại các vườn thanh long cho thấy, vết bệnh đã xuất hiện từ năm 2010, sau đó gởi mẫu tìm nguyên nhân nhưng nhiều nơi không xác định được.
Một thời gian sau đó bệnh tự nhiên giảm, đến nay thì có nguy cơ bùng phát trở lại. Điều đáng lưu ý là khả năng phát tán bệnh rất nhanh, ngay cả trụ trên gió bị bệnh thì trụ dưới gió cũng bị lây. Chặt bỏ cành bệnh khỏi trụ nhưng vết bệnh vẫn phát triển.
Bệnh xuất hiện cả trên thanh long ruột đỏ (nhưng ít làm hư trái hơn). Quan sát ban đầu trên cành thấy xuất hiện chấm nhỏ, hơi lõm trên bề mặt cành, sau đó sưng lên, nhiều vết bệnh liên kết và gây thối.
Thường bệnh xuất hiện nhiều ở vườn thanh long vệ sinh kém (hoa, cành cắt bỏ vứt đầy vườn), vườn chưa tỉa cành thông thoáng, sử dụng phân gà tươi (bị bệnh nặng hơn), phun thuốc hóa học nhiều và phun nhiều loại.
Ông Đại khuyến cáo, khi tỉa cành, nhất là cành bệnh, nông dân thu gom hết ra khỏi vườn, không bỏ xuống mương nước vì bệnh tiếp tục phát tán. Tăng cường đề kháng cho cây, hạn chế phun quá nhiều loại thuốc hay bón phân đạm trong giai đoạn bệnh.
TS. Võ Mai cho rằng, bệnh “lạ” mà nông dân quen gọi đã xuất hiện cả trên vùng thanh long Bình Thuận, Long An. Tại Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia cũng xuất hiện bệnh này.
Bước đầu phân tích của Viện BVTV cho biết, tên khoa học của loại nấm bệnh được gọi là Neoscytalidium dimidiatum, tạm gọi là bệnh “đốm nâu”.
Trong lúc chờ các cơ quan khoa học giám định nguyên nhân và cách phòng trị, nông dân theo dõi thường xuyên vườn thanh long, nhất là vườn cận kề có bệnh.
Khi phát hiện bệnh thì chặt bỏ và tiêu hủy ngay, vệ sinh sạch sẽ vườn, bón vôi quanh gốc. Nguy cơ bệnh lây lan và thiệt hại rất lớn làm ảnh hưởng đến vùng thanh long xuất khẩu, các cơ quan khoa học đang vào cuộc, nông dân chủ động phòng ngừa, tránh để bệnh phát tán rộng thêm.
Theo Khoa học phổ thông
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin