SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NĂM 2013:

Còn nhiều việc cần làm

Cập nhật, 08:17, Thứ Ba, 22/01/2013 (GMT+7)

Năm 2012, tuy giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng hơn 3% nhưng chỉ tiêu tăng trưởng đã không đạt 5% như đề ra. Điều này đòi hỏi trong năm 2013 cần có sự nỗ lực hơn nữa để đưa nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế.

Giá trị sản xuất tăng

Năm 2012, tuy chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, giá nông sản giảm thấp nhưng giá trị sản xuất nông lâm- thủy sản của tỉnh vẫn đạt trên 6.550 tỷ đồng, tăng 3,1% so năm trước. Trong đó nông nghiệp tăng 3,3%.

Trong năm, nhờ xây dựng thời vụ hợp lý, thường xuyên theo dõi sâu bệnh trên đồng ruộng nên sản xuất lúa tiếp tục đạt nhiều thắng lợi.

Tổng diện tích trồng lúa cả năm đạt 185.830ha, tăng 2,3% so cùng kỳ, năng suất ước đạt 5,79 tấn/ha; sản lượng ước đạt 1.075.726 tấn, vượt 4% kế hoạch. Riêng vụ Đông Xuân năng suất đạt 6,8 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Cây lúa phát triển ổn định.


Đối với cây màu, chuyển dịch cây trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, mô hình trồng củ sắn ở Trà Ôn, trồng khoai lang, hành lá ở Bình Tân,… thu nhập trung bình từ 130- 160 triệu đồng/ha.

Cây lâu năm vẫn phát triển ổn định với tổng diện tích là 47.700ha. Trong đó, diện tích vườn cây thu huê lợi là trên 40.403ha, tăng 0,2%. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi tuy diễn biến phức tạp nhưng nhờ làm tốt công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh nên tình hình chăn nuôi vẫn ổn định.

Trong khi đàn heo đã giảm 4,38% so cùng kỳ với số lượng 306 ngàn con thì đàn bò lại tăng 1,5% với số lượng 69 ngàn con; đàn gia cầm 6 triệu con, tăng 13,2%. Đáng chú ý là chăn nuôi hình thức trang trại đang được phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 115 trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung với nhiều loại gia súc- gia cầm.

Chương trình thực hiện các dự án sự nghiệp nông nghiệp như: chương trình giống, cánh đồng mẫu lớn cũng được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm đầu tư và bước đầu mang lại nhiều kết quả.

Năm 2013, kinh tế thế giới và nước ta vẫn chưa hết khó khăn. Ở Vĩnh Long, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi giá cả thức ăn tăng trong khi giá bán sản phẩm thấp và khó tiêu thụ.

Giá một số nông sản như giá heo hơi, gia cầm có thể tăng nhưng giá cá tra, giá khoai lang sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Còn nhiều việc cần làm

Tại hội nghị tổng kết công tác sản xuất ngành nông nghiệp năm 2012, triển khai kế hoạch năm 2013 diễn ra mới đây, nhiều đại biểu đưa ra nhiều băn khoăn, cần khắc phục để sớm ổn định sản xuất.

Ông Hồ Công Nguyên– Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm băn khoăn giải pháp nào giải quyết đầu ra cho cánh đồng mẫu lớn. Bởi theo ông, mặc dù cánh đồng mẫu lớn đã cho hiệu quả bước đầu nhưng vấn đề liên kết “4 nhà” vẫn còn khá lỏng lẻo.

Tiêu thụ lúa gặp khó khăn đã khiến nông dân không mặn mà tham gia, dẫn tới việc khó nhân rộng được mô hình.

Đồng ý kiến, nhưng ông Lê Tuấn- Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long cho hay: Hiện chúng ta đang thiếu gạo chất lượng cao để xuất khẩu trong khi gạo phẩm cấp đã thừa nhiều.

Vì vậy, ông kiến nghị ngành nông nghiệp cần mạnh dạn hơn nữa trong cơ cấu giống chất lượng cao vào gieo sạ, đặc biệt tại các mô hình cánh đồng mẫu lớn để không chỉ đảm bảo đầu ra tốt mà còn tăng thu nhập cho nông dân.

Một thông tin liên quan đến cánh đồng mẫu lớn mà theo ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cũng đáng lo ngại là nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trị bệnh.

Điều này gây lãng phí và không an toàn môi trường. Vì vậy, ngành liên quan cần theo dõi để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Liên quan dịch chổi rồng trên nhãn và công tác dập dịch còn nhiều khó khăn, nhiều đại biểu cho rằng nên thay đổi giống nhãn trồng hoặc đốn bỏ chuyển hẳn sang trồng cây khác.

Tuy nhiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Hồ- Võ Thị Xuân Mỹ lưu ý, không nên thay đổi vì tại địa phương nhãn da bò hiện được xem là cây chủ lực, dễ canh tác, ít chi phí, thu nhập cao.

Trong khi nếu thay nhãn da bò bằng giống nhãn xuồng cơm vàng dù giá cao nhưng thị trường tiêu thụ ít, năng suất lại thấp. Bà Võ Thị Xuân Mỹ cho rằng, để công tác dập dịch diễn ra nhanh, hiệu quả thì cần sự phối hợp kiên quyết hơn nữa giữa các ngành và đặc biệt là sự hợp tác phía người dân.

Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Mang Thít thì cho hay: Do sản xuất gạch gốm gặp khó khăn nên nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, khó khăn nhất là khâu quản lý vệ sinh môi trường, cấp phép chăn nuôi và kiểm soát giết mổ, dịch chuyển, cấp sổ còn nhiều lúng túng. Mang Thít hiện có 5 lò giết mổ nhưng hiện đã xuống cấp do thiếu đầu tư. Cán bộ kiểm soát giết mổ mỏng chưa kiểm tra hết.

Trước nhiều khó khăn, thách thức mà dự báo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- ông Phan Anh Vũ chỉ đạo: Ngành nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất thật chặt chẽ.

Thường xuyên kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tuyên truyền người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt phấn đấu xây dựng cho được một vài thương hiệu mới cho hàng nông sản, vì theo ông đây là việc làm cần thiết trong định hướng phát triển bền vững lâu dài cho hàng nông sản.

Bài, ảnh: THẢO LY- NGUYỄN HOÀNG