Chủ động sản xuất vụ đông xuân

07:01, 21/01/2013

Vụ đông xuân 2012-2013 được dự báo sẽ hết sức khó khăn về nguồn nước, nhất là vùng núi phía bắc và trung du Bắc Bộ. Hiện các địa phương trong vùng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp hữu hiệu, sẵn sáng ứng phó diễn biến khắc nghiệt của thời tiết; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, quyết tâm giành vụ sản xuất đông xuân thắng lợi.

 
Nông dân xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) thu hoạch bắp cải vụ đông. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Vụ đông xuân 2012-2013 được dự báo sẽ hết sức khó khăn về nguồn nước, nhất là vùng núi phía bắc và trung du Bắc Bộ. Hiện các địa phương trong vùng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp hữu hiệu, sẵn sáng ứng phó diễn biến khắc nghiệt của thời tiết; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, quyết tâm giành vụ sản xuất đông xuân thắng lợi. 

Chống hạn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước

Những năm gần đây, vụ đông xuân thường rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và vụ đông xuân 2012-2013 này cũng không ngoại lệ. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Ðặng Duy Hiển, vụ đông xuân năm nay lượng nước ở hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn trung bình nhiều năm, trong đó các tháng cuối mùa cạn (tháng 3, 4) sẽ thiếu hụt khoảng 10-15%.

Do các hồ chứa lớn đều tích nước sớm, cho nên trong tháng 10, tháng 11, mực nước hạ du sông Hồng, sông Thái Bình xuống nhanh. Tại Hà Nội mực nước thấp nhất trong tháng 10 là 1,22 m, đạt trị số thấp nhất lịch sử. Mặt khác, trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình mùa cạn (từ tháng 11-2012 đến tháng 4-2013) chỉ ở mức 750-1.200 m3/giây (TBNN là 1.180 m3/giây).

Mực nước thấp nhất tại Trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,3-0,5 m và xuất hiện vào tháng 2, tháng 3. Các tháng cuối mùa cạn (tháng 3, 4-2013) sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nước khoảng 10-15%, cho nên dự báo trong các tháng chính vụ đông xuân có khả năng xảy ra tình trạng hạn cục bộ và thiếu nước tại một số nơi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân này, các tỉnh phía bắc gieo cấy khoảng 1 triệu 145 nghìn ha, giảm khoảng 13 nghìn ha so vụ đông xuân năm ngoái.

Trong đó, tại 12 tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ có kế hoạch gieo cấy khoảng 640 nghìn ha, chiếm hơn một phần năm diện tích vụ đông xuân cả nước và chiếm từ 60 đến 70% sản lượng lương thực cả năm của toàn vùng. Dự kiến có khoảng 636.700 ha đất nông nghiệp cần cung cấp nước để sản xuất trong vụ đông xuân.

Chia sẻ về những khó khăn trong vụ đông xuân 2012-2013, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc Nguyễn Gia Thành cho biết, ngay từ cuối năm 2012, các công ty trong tỉnh đã kiểm tra, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ, đập để xây dựng phương án sản xuất cây trồng vụ đông, chủ động phòng, chống hạn, nhất là các giải pháp đưa nước đổ ải, gieo cấy và dự phòng nguồn nước tưới dưỡng lúa vụ đông xuân. Ðến nay, lượng nước ở mười hồ chứa lớn trong tỉnh còn đến hơn 80% dung tích thiết kế.

Ðây là nguồn nước quan trọng để tưới dưỡng lúa vào những tháng đầu vụ. Ngoài ra, trong các đợt xả nước của Tập đoàn Ðiện lực, các trạm bơm lớn ven sông như Bạch Hạc, Ðại Ðịnh, Liễu Trì, Liễn Sơn sẽ vận hành hết công suất để lấy nước nhanh trên toàn hệ thống vừa đưa nước đổ ải, vừa chứa vào các ao, hồ, phục vụ chống hạn khi cần thiết.

 Trên cánh đồng thôn Ðạm Xuyên, xã Tiền Châu, Phúc Yên (Vĩnh Phúc), bà Ngô Thị Dộc cho biết, vụ đông xuân này, phòng nông nghiệp huyện đã chỉ đạo chỉ gieo cấy giống lúa ngắn ngày nhằm tránh hạn giữa vụ và phòng trừ sâu bệnh.

Hiện nay người dân trong thôn đã nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy sẵn sàng trữ nước xả của các hồ thủy điện. Tuy nhiên, bà Dộc vẫn băn khoăn vì thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại kéo dài có khả năng ảnh hưởng năng suất lúa.

Cũng giống như Vĩnh Phúc, nhiều tháng nay hai công ty khai thác thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình (Thái Bình) và các huyện đã chủ động hoàn thành công tác tu bổ, sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm cống đập, giải phóng dòng chảy; nạo vét sông trục, đào đắp bờ vùng, bờ thửa bảo đảm phục vụ công tác đổ ải.

Những ngày này, khi thời điểm xả nước đợt 1 đang đến gần, ngược lên cánh đồng thôn An Ðoài, xã An Bồi, huyện Kiến Xương, trước mắt chúng tôi là hàng nghìn người dân đang hối hả vỡ đất, khơi thông dòng chảy. Trên thửa ruộng mới đổ ải xâm xấp nước, chân tay lấm lem bùn đất, lão nông Nguyễn Văn Ân vui vẻ cho biết, vụ đông xuân này bà con nông dân không có gì phải lo lắng cả. Bởi từ ngày tỉnh xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ giới hóa, giao thông thủy lợi nội đồng, cho nên sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi. Năm nay gia đình ông Ân cấy 1,4 mẫu, phần lớn là giống lúa ngắn ngày BC15. Ông hy vọng một mùa bội thu.

Ngừng tay làm đất, cô Vũ Thị Tiến cùng thôn cho biết thêm, tuy công tác giải phóng dòng chảy ở địa phương được thực hiện khá tốt, sông trục thông thoáng hơn những năm trước, nhưng tình trạng lấn chiếm kênh mương vẫn xảy ra cho nên ách tắc dòng chảy dẫn tới một số hộ thời gian đổ ải bị kéo dài...

 Cần chủ động và linh hoạt

 Nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân, khắc phục những diễn biến bất thường của thời tiết, theo Cục Trồng trọt, phương án tối ưu nhất kể cả trước mắt cũng như lâu dài là tập trung cho trà xuân muộn (gieo cấy sau lập xuân).

Căn cứ vào tình hình thực tế của thời tiết, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc cần bố trí lịch gieo cấy phù hợp để lúa trỗ từ ngày 1 đến 20-5. Tuy nhiên, năm nay cây vụ đông bị ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua, cho nên thu hoạch muộn, đồng thời lập xuân cũng muộn hơn nên các địa phương sản xuất trà xuân muộn chiếm từ 85 đến 90%.

Mặt khác, cũng cần mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày có năng suất cao. Ngoài ra, có kế hoạch chuẩn bị dự phòng khoảng 10% giống bằng những giống lúa ngắn và cực ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi. Kinh nghiệm nhiều năm trước cho thấy, các địa phương cấy trà xuân muộn (cấy sau Tết), thường tránh được những diễn biến bất thường của thời tiết.

Chính vì vậy, Cục Trồng trọt khuyến cáo cần tập trung gieo cấy lúa trà xuân muộn và cấy từ ngày 28-2. Ðồng thời theo dõi sát sao diễn biến bất thường của thời tiết, tổ chức đi kiểm tra tình hình đổ ải và chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân tại các địa phương khó khăn như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nghệ An...

Mặt khác, trong thời gian các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang điều tiết tăng lượng xả qua phát điện, để bảo đảm các trạm bơm, cống, đập điều tiết... có đủ điều kiện lấy nước trong đợt xả này, Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết ở địa phương và điều chỉnh hợp lý việc lấy nước của các công trình; vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi để lấy nước, cấp nước và trữ nước; áp dụng các biện pháp sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. 

Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo giải pháp lấy nước, cấp nước đối với những diện tích tưới tiêu khó khăn, nhất là vùng tưới bằng bơm điện.
 
Tiến hành đôn đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi và các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành thử công trình thủy lợi; tổ chức lắp đặt các trạm bơm dã chiến điện, dầu lớn, nhỏ ở những nơi cần thiết; tiếp tục nạo vét cửa cống, bể hút trạm bơm, hệ thống kênh lớn và thủy lợi nội đồng, hoàn thành xong trước ngày 23-1 để bảo đảm tiến độ, điều kiện lấy nước đổ ải trong đợt 1.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Ðặng Duy Hiển chia sẻ thêm, vụ xuân 2013 dự kiến có khoảng 650 nghìn ha lúa cần lấy nước, trong đó có 100 nghìn ha diện tích tưới nước từ hồ thủy lợi được bảo đảm, chỉ còn khoảng 450 nghìn ha cần lấy nước ở các sông Hồng, sông Thái Bình... gặp khó khăn bởi lòng sông biến đổi do hiện tượng khai thác cát.
 
Vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là tận dụng triệt để thủy triều và sử dụng giải pháp hồ thủy điện xả nước thật cao để bảo đảm lợi ích cho toàn vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ.

Vụ đông xuân 2012-2013 diễn ra trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, mưa, rét đậm ngay những ngày đầu vụ; mực nước trên các sông thấp, những tháng đầu vụ có thể xảy ra hạn hán, nước cho khâu làm đất sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, giá vật tư, phân bón, xăng, dầu biến động mạnh và ở mức cao sẽ gây trở ngại cho việc đầu tư, thâm canh sản xuất của các địa phương... Tuy nhiên, với những biện pháp quyết liệt, cũng như kinh nghiệm sản xuất lâu đời và sự hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng của Nhà nước, hy vọng vụ đông xuân 2012-2013 lại cho thêm mùa vàng bội thu.

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh