Vốn ban đầu chỉ có 2 cặp thỏ nuôi lấy thịt, kinh tế chủ yếu từ vườn rau chưa đầy 1.500 m2, khó khăn bộn bề. Đến nay, với chuồng thỏ thịt cộng với thuận lợi từ trồng rau đem lại, gia đình anh Phan Đình Thám ở ấp 1, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) trở thành hộ khá giả.
Vốn ban đầu chỉ có 2 cặp thỏ nuôi lấy thịt, kinh tế chủ yếu từ vườn rau chưa đầy 1.500 m2, khó khăn bộn bề. Đến nay, với chuồng thỏ thịt cộng với thuận lợi từ trồng rau đem lại, gia đình anh Phan Đình Thám ở ấp 1, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) trở thành hộ khá giả.
Trại thỏ của anh Thám |
Cơ duyên... với thỏ
Chỉ cần vào khu vực này hỏi gia đình nào nuôi thỏ thì ai cũng rành rành chỉ một lèo tới tận cổng mà không cần nói tên. Làm vườn vừa ngớt, tôi tự xưng là phóng viên xuống tìm hiểu mô hình nuôi thỏ thịt, anh Thám vui vẻ tiếp. Chuồng thỏ của anh rộng chừng 15 m2, hơn 30 lồng với 100 con.
Những con thỏ nhà có thể dễ dàng nhận biết bởi màu lông trắng đen, còn với những chú thỏ rừng thì có một màu xám đặc thù. Anh kể: “Con này là thỏ rừng duy nhất được bắt về nuôi ở đây. Mới đầu cũng sợ khó nuôi, nhưng về sau thì dễ dàng hơn nhiều”.
Thỏ rừng cho giao phối với thỏ nhà, mỗi kỳ đẻ ít thì cũng 6 - 7 con, nhiều thì 11 - 12 con. Toàn bộ số thỏ đều khỏe mạnh, tháng nữa sẽ có thể tiếp tục cho lứa mới. Mới đầu anh cũng chỉ nuôi vui vài cặp thỏ lấy thịt như một số người bạn cùng ấp. Nhưng càng về sau, chúng sinh sản càng nhiều hơn, số lượng ngày càng đáng kể, buộc anh phải đưa vào chuồng nuôi riêng và chăm sóc kỹ hơn.
Từ 2 cặp thỏ năm 2006, chỉ hơn 1 năm sau, anh đã có gần 100 con thỏ thịt, thu về gần 40 triệu. Anh vui mừng kể: “Mới đầu là nuôi vui, nhưng thấy nuôi thỏ "bình an" quá, không phải vất vả gì, nên cứ bình thường, đến bây giờ nó phát triển, trở thành nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.
Là nông dân chất phát, anh chưa được học hay chỉ dẫn bài bản về nuôi thỏ thịt, chủ yếu là anh tự mày mò, theo kinh nghiệm bản thân, rồi theo dõi nên thành công ngoài mong đợi. Chỉ mới cách đây hơn 1 năm, dịch bệnh trên thỏ bùng phát, các nhà nuôi lớn tại ấp như nhà anh Lê Đình Phước bị chết sạch. Các trại thỏ ở ấp trên nuôi quy mô nhưng cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, riêng chuồng nhà anh thì vẫn bình an vô sự.
Kinh nghiệm
Kể về sự việc trên, anh bồi hồi: “Năm đó, đàn thỏ nhà anh Lê Đình Phước bị đầu tiên, ban đầu mấy con có triệu chứng đau bụng, lăn ra chết, sau đó vài trăm con cũng đồng loạt đi theo. Lại nghe tin từ trại thỏ ở ấp trên cũng chết sạch, rồi lần lượt một số hộ nhỏ lẻ khác trong ấp cũng trong tình cảnh tương tự. May mắn sao, chuồng thỏ nhà tôi suốt năm đó đến giờ vẫn mạnh khỏe”.
Theo kinh nghiệm của anh, đối với thỏ thì bệnh nguy hiểm nhất là đau bụng. Nguyên nhân chủ yếu là do vệ sinh chuồng trại không tốt, làm chuồng tầng, chất thải không được rửa sạch, thức ăn không đảm bảo vệ sinh dẫn đến nhiễm trùng trong ruột gây chết.
Vườn rau của gia đình anh hơn 1.500 m2, chủ yếu là những thứ thiết yếu như cải xanh, cải ngọt, rau dền... Anh hào hứng khoe một vụ rau vừa rồi hết sức thành công. Rau trồng có thể làm thức ăn cho thỏ, ngược lại phân thỏ đem ủ 1 đến 2 ngày lại có thể bón cho cây, tiện lợi mà ít tốn kém... |
Để phòng tránh, anh làm những chiếc máng đựng chất thải với độ dốc vừa phải, vừa không gây mùi hôi cho thỏ phía trên, vừa đảm bảo vệ sinh chuồng trại, dễ dọn dẹp. Những khay đựng thức ăn thì nên treo phía ngoài thay vì trong chuồng, hoặc làm từ những chiếc gáo dừa như gia đình anh, thỏ ăn xong thì rửa sạch đem cất, khi nào cho ăn thì lấy xuống, sẽ tốt hơn nhiều.
Đối với một số bệnh hay gặp như ghẻ, lở nhiệt, long móng chân, thì theo anh, do thỏ hay cào vào những tấm lưới thép tại lồng nên bị nhiễm khuẩn, cho nên tốt nhất nên làm bằng lồng tre vừa sạch sẽ, vừa mát, và nhất là không nên làm chuồng tầng mà đóng thành những chuồng riêng lẻ, thỏ sẽ đỡ bị ngộp hơn.
Thỏ ăn trung bình một ngày khoảng 2 lần vào sáng sớm và tối. Thức ăn chủ yếu là cám để cho chắc thịt và rau xanh. Thỏ nếu ở một mình sẽ biếng ăn, nằm một chỗ, rất mau chết, vì vậy nên để thỏ ở chung.
Đối với thỏ mẹ trong mùa sinh sản, nên vệ sinh sạch sẽ khay ăn, cho uống nước sôi để nguội để lấy sữa cho con. Để vừa phát triển sinh sản, vừa đảm bảo sức khỏe cho thỏ lấy giống, nên giãn cách thời gian sinh từ 2,5 - 3 tháng/kỳ. Thời gian đó để thỏ con kịp lớn, bắt ra chuồng riêng.
Theo NNVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin