Nông dân đồng bằng nhiều trăn trở

10:12, 11/12/2012

Diễn đàn nông dân ĐBSCL lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL- MDEC Tiền Giang 2012. Qua đó, những trăn trở của nông dân cũng như doanh nghiệp đã được nêu lên. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới việc xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với nông dân, nông nghiệp trong vùng.

Diễn đàn nông dân ĐBSCL lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL- MDEC Tiền Giang 2012. Qua đó, những trăn trở của nông dân cũng như doanh nghiệp đã được nêu lên. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới việc xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với nông dân, nông nghiệp trong vùng.

Nông dân ĐBSCL đối mặt nhiều khó khăn với điệp khúc được mùa rớt giá.


“Đầu vào” chưa đồng hành “đầu ra”

Là một nông dân khá thành công trong việc trồng cam sành nhưng ông Nguyễn Mười Anh (Tam Bình- Vĩnh Long) nhận thấy hiện nay chi phí đầu tư cho cây cam sành là rất cao, nhiều rủi ro dịch bệnh, chưa kể nông dân sản xuất còn manh mún nên giá cả thường không ổn định.

Ông Đỗ Thành Thưởng, nông dân trồng dừa (Giồng Trôm- Bến Tre) cho rằng: Hiện giá dừa quá thấp làm cho nhiều hộ trồng dừa khốn đốn nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời. Ông Thưởng đặt vấn đề: Trong khi dừa dội hàng thì vì sao các nhà máy ép dầu bỗng ngưng hoạt động, người dân không còn sấy dừa để vựa lại khi giá dừa xuống quá thấp? Nên chăng cần tính toán đến việc đầu tư cho các ngành sản xuất dầu dừa, chế biến xà phòng, dầu thực phẩm, mỹ phẩm,… để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này, đồng thời cứu vườn dừa, nông dân trồng dừa?

Theo ông Trần Văn Lợt, nhà vườn trồng chôm chôm (Chợ Lách- Bến Tre), tuy ông đã áp dụng thành công việc xử lý chôm chôm vụ nghịch và sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng hiện ông cũng đang gặp khó như nguồn tiêu thụ không ổn định, sản phẩm làm ra đôi lúc ế hàng, dội chợ. Trong khi giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, nông dân chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất.

Không chỉ hộ nông dân riêng lẻ gặp khó trong sản xuất, theo ông Cao Thanh Sơn- Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Công (Càng Long- Trà Vinh) thì hợp tác xã cũng đang gặp không ít khó khăn khi nguồn vốn hạn hẹp, gặp lúc thất mùa do thiên tai, dịch bệnh thì rất khó thu hồi vốn từ nông dân, do đó nguồn vốn tái đầu tư cho vụ sau còn hạn chế. Trong khi việc tiếp cận các nguồn tín dụng quá nhiêu khê vì hợp tác xã không có tài sản, muốn vay được vốn phải dùng tài sản cá nhân để thế chấp. Bên cạnh, trình độ quản lý, kinh doanh của ban chủ nhiệm còn thấp nên gặp không ít trở ngại trong quá trình quản lý, điều hành cũng như thực hiện các hợp đồng kinh tế.

Ông Nguyễn Sơn Tùng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ- nêu bật trăn trở của nông dân khi cho rằng ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, nơi cung cấp thủy sản lớn nhất nước, nhưng nhiều năm qua đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh, giá vật tư tăng,... “Đầu vào” chưa đồng hành cùng “đầu ra”, nên con cá tra phải hứng chịu nghịch lý bị những nhà thương mại nước ngoài ép giá, trong thời gian dài giá cả liên tục xuống thấp khiến cả ngành chế biến, xuất khẩu cá tra lâm vào cảnh khốn khó. Nhà vườn luôn gặp khó khăn về đầu ra trái cây và khó cạnh tranh với trái cây ngoại, nhiều nông dân làm vườn thua lỗ nặng. Các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo hầu hết không mua trực tiếp từ nông dân mà chủ yếu qua thương lái, nông dân không được hưởng lợi từ chính sách.

Trông chờ ở chính sách

Là một doanh nghiệp trực thuộc của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, mỗi năm, Công ty Lương thực Sông Hậu xuất khẩu 200.000 tấn gạo các loại, góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ lúa gạo trong dân. Theo ông Lê Minh Trượng- Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cái khó hiện nay là hạ tầng giao thông chưa phát triển xứng tầm, cần nạo vét các luồng cho tàu lớn và hệ thống cảng nhằm phát huy những nguồn lực tại cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ, cảng Trà Nóc,… tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, tăng hiệu quả kinh tế.

Bà Nguyễn Hồng Lý- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ cho người trồng lúa, khuyến nông, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất để giảm tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ cho sản xuất giống cá tra, tạm trữ lúa gạo… Nhìn chung, các chính sách này đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ĐBSCL với vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực và tạo việc làm cho gần 70% lao động nông thôn thì những chính sách trên chưa thể phát huy được thế mạnh của vùng. Trong đó phải kể đến việc đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi để vận chuyển hàng hóa nông sản chưa tương xứng đã làm hạn chế đến việc phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Một điểm đáng lưu ý là hiện nay trong vùng chưa có tổ chức và cơ chế điều hành hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán; chưa có cơ chế quản lý của Nhà nước về giá thức ăn chăn nuôi nên giá thức ăn luôn biến động tăng khi nhu cầu tăng. Chưa kể, chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay ưu đãi cho những hộ nuôi cá tra hiện nay còn nhiều bất cập, chưa thật sự thông thoáng để người nuôi cá được tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng. Qua đó, cho thấy quyết sách khá đồng bộ, có hệ thống nhất quán ở tầm vĩ mô nhưng thực thi ở tầm vi mô còn bất cập, chưa thật sự đi vào đời sống.

Để khắc phục những hạn chế, ông Dương Quốc Xuân- Phó Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiến hành rà soát các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Qua đó, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng chất lượng và bền vững cho vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh