Còn không đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2013, thời điểm này, các xã vùng ven TP Vĩnh Long đã đưa hương tết, bởi dưa hấu, dưa lê, vạn thọ, cải làm dưa… đang xanh um xen giữa những ruộng vườn.
Còn không đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2013, thời điểm này, các xã vùng ven TP Vĩnh Long đã đưa hương tết, bởi dưa hấu, dưa lê, vạn thọ, cải làm dưa… đang xanh um xen giữa những ruộng vườn.
Nhiều nông dân đang tất bật trồng hoa bán tết.
|
Nhộn nhịp xuống giống
Mùa hoa màu tết năm nay, xã Tân Hội có hơn 50 hộ trồng khoảng 3ha hoa vạn thọ, cẩm chướng, hướng dương, thược dược… Ngoài ra, còn có 5ha trồng dưa hấu, vài trăm hộ trồng cải làm dưa. Đặc biệt có 70- 80 hộ xử lý trên 100ha cam sành cho trái bán tết. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Ái Hữu, so năm ngoái, diện tích trồng hoa và dưa của Tân Hội đều tăng do đã hoàn chỉnh hệ thống đê bao cộng với thời tiết vụ Đông Xuân thuận lợi. “Hiện giá cam sành đang ở mức cao, khoảng 15.000 đ/kg nên nhiều hộ dự đoán: giá tết sẽ cỡ 20.000 đ/kg”.
Bên cạnh, Tân Hòa có khoảng 9,6ha trồng dưa lê, dưa hấu. Tân Ngãi cũng có khoảng 9,8ha rau màu, trong đó dưa hấu khoảng 4ha, hoa cúc- vạn thọ 2ha, còn lại là dưa leo, cải làm dưa, khổ qua, bầu bí… Ngoài ra, năm nay một số hộ ở Tân Ngãi còn trồng thêm củ sắn và xà lách xoong. Còn ở Trường An, có 7 hộ trồng hoa, riêng diện tích trồng dưa giảm mạnh (từ 25ha, xuống còn 3,5ha).
Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các hộ trồng dưa hấu, dưa lê là dân từ nơi khác đến thuê đất (chủ yếu là ở Gò Công Tây- Tiền Giang) theo kiểu “xong một mùa rồi đi”. Theo ông Văn Ái Hữu, các hộ này thường thuê diện tích lớn, lại thường đổi đất liên tục quanh 4 xã nông thôn nên diện tích trồng của xã cũng biến động theo.
Anh Huỳnh Văn Đúng- một nông dân chuyên “chạy đồng dưa” quê ở Gò Công Tây (Tiền Giang)- đang thuê hơn 100 công đất trồng dưa lê ở Tân Hòa và Trường An cho biết: “Tui thuê đất làm dưa quanh năm suốt tháng. Riêng vụ tết thường trở lại Vĩnh Long. 19/10 âl hàng năm bắt đầu xuống giống, 2 tháng sau là thu hoạch. Dưa trồng theo hợp đồng, đảm bảo đầu ra với giá 9.000 đ/kg (dưa đạt yêu cầu)”. Anh Đúng cho biết thêm, ngoài Vĩnh Long, tết này anh thuê tổng cộng vài chục hecta ở Gò Công Tây và Lai Vung (Đồng Tháp), giá thuê khoảng 20- 30 triệu đồng/mẫu (10.000m2).
Là chủ cho thuê 3 mẫu đất trồng dưa lê, anh Nguyễn Văn Tỏ (Tân Nhơn- Tân Hòa) còn tranh thủ trồng nửa công màu và tưới dưa thuê. Quệt mồ hôi trên trán sau khi tưới xong ruộng dưa, anh vui vẻ: “3 năm nay, tui cho thuê đất vụ Đông Xuân và trồng thêm màu bán tết. Nhờ vậy, không chỉ có khoản thu nhập “ăn chắc” từ đất cho thuê còn có thêm khoản thu nhập từ tiền bán rau ở chợ mỗi ngày nên ăn tết “khỏe”!
Nôn nao ra chợ tết
Dịp tết này, chị Võ Thị Tuyết Hà (Mỹ Phú- Tân Hội) trồng 700 giỏ vạn thọ và 1 thiên “hoa đất” (trồng xuống đất- PV), 500 gốc cải làm dưa và 200 cải bó xôi, cải ngọt… Chị hớn hở: “Năm nay tôi trồng nhiều hơn do muốn kiếm thêm lời ăn tết. Hiện đang nhanh tay cho mớ hoa này vô giỏ, mớ kia ghim xuống đất. Trông nhanh tới tết để đem ra chợ bán”. Lần đầu tiên trồng màu với hơn 600 gốc cải, chị Lê Thị Huyền Oanh (cũng ở Tân Hội) vui vẻ: “Cải này chỉ khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch, vừa xong thì sẽ trồng ngay lứa mới. Với lại, tui đang lên liếp trồng vài thiên vạn thọ tết”.
Sau nhiều lần trồng màu bán tết, năm nay, anh Ngô Văn Kiệt (Châu Thành- Đồng Tháp) tiếp tục cùng người thân hùn hạp thuê 1 mẫu đất ở Tân Hòa để tranh thủ 3 mùa lúa, 1 mùa dưa… cận tết. Hiện đám dưa của anh đang cho trái, chừng 1 tháng nữa thì đến ngày thu hoạch. Anh nhẩm tính “nếu giá trên 5.000 đ/kg thì sẽ lời chừng 20 triệu đồng”. Ngoài trồng dưa hấu, anh còn tận dụng đất trồng thêm 1.000 gốc bông vạn thọ. Múc nước tưới đám vạn thọ non, anh nói: “Năm nào cũng nhờ đám vạn thọ này mà mấy anh em ăn tết thoải mái hơn. Bởi vậy, hễ gần tết là lại trồng và thay nhau chăm sóc, rồi cùng mang ra chợ bán”.
Giữa cái nắng trưa, chị Nguyễn Thị Nguyệt (ấp Mỹ Phú- Tân Hội) vẫn cặm cụi ngoài rẫy vun gốc, lót giỏ chuẩn bị cho khoảng 1.300 gốc hoa hướng dương, hải đường, thược dược, vạn thọ... Chị cho biết, đã gắn bó với nghề hoa tết này hơn 20 năm, cứ lối 25/9 âl là bắt tay vào mùa, khoảng giữa tháng 11 là vào mùa cao điểm phải bắt sâu, xới gốc, lãi chèo (bỏ nhánh thừa),… 24 đến 29 tết thì đem ra chợ bán. Trừ chi phí, lời khoảng 5- 6 triệu đồng. Cũng theo chị Nguyệt, thường giá vạn thọ hơn 30.000 đ/cặp thì người trồng có lời. “Năm rồi hoa hút hàng, được giá: thược dược 50.000 đ/cặp, hướng dương 50.000- 70.000 đ/cặp, vạn thọ Pháp cao 40.000- 60.000đ/cặp… Năm nay, giá cả phân giống tăng hơn nên theo dự đoán, giá bán sẽ tăng”- chị nói.
Theo ông Văn Ái Hữu, thị trường tiêu thụ hoa màu của các hộ vùng ven chủ yếu là bán lẻ ở chợ nhỏ như: Mỹ Thuận, Cái Đôi, Trường An, Phước Thọ, Phường 9… số ít cũng ra Công viên Sông Tiền nhưng không bán giỏ mà chủ yếu bó thành từng bó nhỏ, bán “hoa đất” vậy mà nhẹ công.
Theo các nông dân, giá cả còn tùy vào “sức mua của chợ”, hút hàng thì giá cao, dội chợ thì giá rẻ nên “lỗ hay lời vẫn chưa chắc chắn”. Chỉ biết, nhiều người bán riết “đâm ghiền” nên cứ tết gần về, lại thấy nôn nao: muốn nhanh nhanh thấy hoa nở trong vườn, rồi nhanh nhanh mang ra chợ bán!
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin