Xuất hiện trên đồng xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) hơn 10 năm, đến nay giống lúa thơm Jasmine 85 vẫn chiếm được cảm tình của nhiều nông dân do có năng suất và chất lượng rất cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiễm rầy nâu cộng với sự bấp bênh đầu ra nên diện tích lúa ngày càng “teo” dần.
Ông Bảy Buôl khẳng định: “Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ quay lại gieo sạ giống lúa thơm”.
Xuất hiện trên đồng xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) hơn 10 năm, đến nay giống lúa thơm Jasmine 85 vẫn chiếm được cảm tình của nhiều nông dân do có năng suất và chất lượng rất cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiễm rầy nâu cộng với sự bấp bênh đầu ra nên diện tích lúa ngày càng “teo” dần.
Khá lên nhờ lúa thơm
Thiện Mỹ là địa phương đầu tiên ở Vĩnh Long gieo sạ lúa thơm Jasmine 85. Nhớ lại những vụ đầu hỗ trợ giống cho nông dân, ông Phan Thanh Lâm- Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ hớn hở: “Lúc đó nông dân phấn khởi lắm, bởi nghe nói năng suất rất cao”.
Vụ Đông Xuân năm 2002, Phòng Nông nghiệp và PTNT Trà Ôn mua từ An Giang và Trường Đại học Cần Thơ về 2 giống lúa thơm Jasmine 85 và T91 để chuyển giao cho nông dân gieo sạ nhằm thay thế một số giống lúa có phẩm chất thấp.
Sau thu hoạch, trong khi giống T91 “bị loại” từ đầu do dài ngày thì giống lúa thơm Jasmine 85 đã phát huy nhiều ưu thế, năng suất đạt từ 7- 8 tấn/ha, mỗi ký lúa giá bán cao hơn giống khác đến vài trăm đồng.
Thế là, những vụ sau đó không chỉ nông dân trong xã mà nông dân ở các xã lân cận cũng đến liên hệ mua giống. “Giai đoạn 2006- 2008 giống này chiếm tới 30% diện tích đất trồng lúa của xã. Trong khi vụ đầu chỉ vài hecta thì những vụ tiếp theo có thời điểm tăng lên đến 40ha”- ông Phan Thanh Lâm nói.
Ông Bùi Văn Lễ (Bảy Buôl, ấp Giồng Thanh Bạch) là một trong những người đầu tiên chọn giống lúa thơm, gieo sạ tới 15 công. Vụ đầu, ruộng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất đạt gần 8 tấn/ha. “Hàng chục thương lái nằm đợi sẵn từ mấy bữa trước để tranh mua, khi lúa cắt xong chưa tới nhà là bán sạch, giá cả ngon lành nên ăn tết khỏe!”
Cùng thời điểm đó, anh Bùi Văn Ngon (ấp Mỹ Hòa) cũng gieo sạ 10 công lúa thơm nói: “Lúa gieo sạ chừng nửa tháng đi trên bờ ranh là bay mùi thơm nồng, còn khi nấu cơm cả xóm đều biết!” Nhờ bội thu liên tiếp nhiều vụ lúa thơm nên không chỉ riêng gia đình anh mà trong ấp còn hàng chục gia đình khác như hộ anh Huỳnh Trung Thịnh, Bùi Văn Biết có tiền cất lại nhà cửa khang trang và có của ăn của để.
Diện tích “teo” dần
Sau khi kết thúc vụ lúa Đông Xuân năm 2009, chính quyền địa phương có kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp quy hoạch vùng trồng, thành lập tổ hợp tác sản xuất nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu cho giống lúa này.
Tuy nhiên, “sự cố” đã xảy ra khi liên tục những vụ sau lúa thơm bị nhiễm rầy nặng, đẩy giá thành sản xuất lên cao trong khi lúa làm ra giá bán lại không cao mấy so giống khác nên người dân chán nản chuyển qua tìm giống mới gieo sạ. Diện tích lúa thơm đã “teo” dần, mà theo Chủ tịch UBND xã- Phan Thanh Lâm hiện toàn xã còn chỉ khoảng 5ha, chủ yếu ở 2 ấp Giồng Thanh Bạch và Cây Điệp.
Để hiểu rõ thực tế, chúng tôi theo chân ông Bảy Buôl ra thăm cánh đồng hàng trăm hecta ở ấp Giồng Thanh Bạch mà khoảng năm 2007 giống lúa thơm chiếm gần như toàn bộ diện tích nhưng hiện đã được thay thế bởi nhiều giống lúa khác.
Có kinh nghiệm làm ruộng hàng chục năm, ông Bảy Buôl nói chắc nịch: “Chưa thấy giống nào có chất lượng như lúa thơm”. Không bỏ cuộc, sau khi rầy nâu tấn công, những vụ sau đó, ông Bảy Buôl vẫn tiếp tục gieo sạ với hy vọng có thể “sống được” với lúa thơm nhưng tất cả đều vô vọng. “Hiện một vài hộ còn gieo sạ giống này do tìm được nguồn giống tốt.
Mặc dù thời điểm đó tôi áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật, phun xịt nhiều loại thuốc nhằm khống chế rầy để có thể giữ lại giống lúa chất lượng này nhưng cũng đành thua!”.
Thực tế cho thấy, Thiện Mỹ là địa phương rất có tiềm năng trong việc phát triển lúa thơm Jasmine nhưng nguồn giống chưa bảo đảm và dịch bệnh bùng phát mạnh những năm gần đây đã khiến diện tích ngày càng thu hẹp.
Theo ông Bảy Buôl, một nguyên nhân khác là giá lúa thơm không cao nhiều so với các giống khác trong khi sâu bệnh nhiều hơn.
Vì vậy, khi nói về triển vọng, ông Trần Văn Phúc- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Trà Ôn khẳng định: “Rất khó khăn, do rủi ro thị trường tiêu thụ, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái”.
Chủ tịch UBND xã- Phan Thanh Lâm cho biết: Trước đây có một số công ty ở TP Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề thu mua lúa thơm nhưng thời điểm đó diện tích giảm mạnh, nông dân không sản xuất theo quy trình nên họ cũng rút lui.
Vì vậy, để lúa thơm có thể “sống” lâu và mở rộng được diện tích, trước mắt ngoài việc phát triển những mô hình liên kết trong sản xuất, tạo vùng nguyên liệu để đáp ứng số lượng lớn thì rất cần sự hỗ trợ, kêu gọi những doanh nghiệp “đỡ đầu” cho hạt lúa.
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin