Cá lóc nuôi vèo

08:12, 13/12/2012

Về xứ cù lao Mây, nếu hỏi mô hình nuôi cá lóc trong ao, vèo tại ấp Mái Dầm (xã Phú Thành- Trà Ôn) thì có nhiều người biết. Tổ hợp tác Nuôi cá lóc Mái Dầm đã tạo được đầu ra ổn định cho người dân nơi đây- nơi cồn bãi xứ cù lao Mây vốn có tiếng cây ăn trái và hoa màu trên đất rẫy.

Về xứ cù lao Mây, nếu hỏi mô hình nuôi cá lóc trong ao, vèo tại ấp Mái Dầm (xã Phú Thành- Trà Ôn) thì có nhiều người biết. Tổ hợp tác Nuôi cá lóc Mái Dầm đã tạo được đầu ra ổn định cho người dân nơi đây- nơi cồn bãi xứ cù lao Mây vốn có tiếng cây ăn trái và hoa màu trên đất rẫy.

Tận dụng cá lăng hơ để nuôi cá lóc ở Phú Thành.


Từ 2 hộ nuôi thử…

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành Ngô Công Khanh cho hay, nuôi cá lóc trong vèo (hoặc ao) tại hộ gia đình ở ấp Mái Dầm hình thành cách đây khoảng 10 năm. Khi đó, người ta bắt cá lăng hơ từ dàn đáy dưới sông bán nhiều và rẻ lắm. Thấy vậy, hộ ông Lê Văn Bự (Út Xị) và ông Tám Rem tận dụng nguồn cá này để làm mồi nuôi thử con cá lóc.

Ban đầu, kỹ thuật nuôi không có, họ tự mày mò chăm sóc nên cá thường bị bệnh, bán từ lỗ đến huề vốn. Dần dà, họ biết tận dụng nguồn nước tự nhiên dọc sông Hậu, cộng với việc tham khảo học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nên con cá lóc đã trụ được ở đây. Không những tận dụng được nguồn cá tự nhiên, điều kiện nuôi thuận lợi vùng sông nước, mà cá ngon hơn, dẻ thịt hơn nên dễ bán cho thương lái, nhất là cá lóc đầu nhím.

Không lâu sau, thấy nuôi thử mà thành ra… nuôi thiệt, nhiều người dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư nuôi. Và đến nay có khoảng 40 hộ nuôi cá lóc, mỗi hộ từ một đến vài ao, vèo. Hiện mùa nuôi này, tổng lượng cá con các hộ gia đình trong ấp thả nuôi đạt gần 230.000 con.

Bắt đầu nuôi thương phẩm được 3- 4 năm nay, chú Trương Hoài Danh (Sáu Danh) nói “thu nhập từ mô hình này tưởng phụ mà chính, từ thả nuôi đến xuất bán, nếu được giá, thì làm 4 công vườn không bằng”. “Mới tháng 10 rồi tui xuất hơn 3 tấn cá thương phẩm với giá 45.000 đ/kg, trừ chi phí cũng còn lời khá. Vì mê cá lóc nên theo dõi nó suốt ngày”- chú Sáu Danh tâm sự. Tương tự, đầu năm nay, chú Nguyễn Văn Lược (Hai Lược) cho biết đã xuất bán 8 tấn cá lóc, lời gần 70 triệu đồng.

Chú Sáu Danh chia sẻ: “Dân bây giờ người ta nuôi cá cũng “canh me” kỹ lắm. Thường thì mỗi năm thả nuôi một lần, khoảng 4 tháng rưỡi đến 5 tháng thì xuất bán”. “Thời điểm các hộ gia đình nơi đây xuất cá bán vào khoảng từ tháng 3 đến đầu tháng 6 âl, trước khi con nước triều cường hàng năm và cá tự nhiên từ vùng thượng nguồn đổ về, khi ấy cá sẽ có giá hơn...” – cán bộ nông nghiệp xã Phú Thành Nguyễn Chí Cường giải thích.

… Đến thành lập tổ hợp tác

Tháng 10/2012, Tổ hợp tác Nuôi cá lóc ấp Mái Dầm thành lập với 13 hộ tham gia.

Theo chú Sáu Danh– Tổ trưởng, có 2 chi tiết làm cho nhiều hộ gia đình ở Mái Dầm này khá yên tâm với mô hình nuôi cá lóc trong vèo là việc đã thành lập được tổ hợp tác và có ký hợp đồng tạo đầu ra cho sản phẩm. Metro Cần Thơ là địa chỉ ký hợp đồng đầu ra cho con cá lóc vèo ở địa phương này. Tổ cũng đã tạo điều kiện tốt để các tổ viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật lẫn nhau để nuôi cá đạt hiệu quả.

Nhiều chủ nuôi cá ở đây cho biết, lúc trước chưa ký hợp đồng đầu ra, cá đến lứa xuất bán cho lái khắp nơi, giá thường bị “ép” vài ba ngàn đồng một ký. Nay tới mùa xuất cá, giá bán hợp đồng thường cao hơn thị trường 3.000- 4.000 đ/kg.

Chú Hai Lược cũng cho biết: Qua quy trình nuôi cá do đối tác cung cấp, mình sẽ kiểm soát tốt các khâu từ thả nuôi, chăm sóc cho đến xuất cá. Hàng tuần, bên Metro qua để kiểm tra, hướng dẫn cho ăn, xử lý ao, kỹ thuật nuôi, ghi nhật ký ao nuôi.

Theo chú Sáu Danh, hướng tới tổ hợp tác sẽ liên hệ với các cơ sở, xí nghiệp ở Đồng Tháp, Sài Gòn chuyên chế biến cá lóc thương phẩm để ký hợp đồng bán cá lóc làm khô xuất khẩu.

Khó khăn hiện nay, theo anh Ngô Công Khanh là nguồn thức ăn từ cá trong tự nhiên không đủ cung ứng vì số lượng hộ nuôi tăng lên khá nhiều. Các hộ nuôi cá đều đặt hàng thêm nguồn thức ăn từ các hộ nuôi cá tra- sử dụng cá tra chết để cho ăn. “Chúng tôi lúc nào cũng “thủ” thức ăn viên để vỗ cá, nhưng nếu “lạm dụng” bà con còn lời ít”- chú Hai Lược nói. Bên cạnh đó, để chủ động con giống, các hộ ở đây nhiều lần thử nghiệm sinh sản nhưng chưa thành công, tất cả đều phải mua cá con từ Đồng Tháp, Hậu Giang,… Nhiều hộ nuôi cũng chia sẻ: “Nuôi con cá này sợ nhất là bệnh ghẻ. Nếu dân tay ngang nuôi là coi chừng bị lỗ như chơi. Bởi những người có kinh nghiệm thì nhìn con cá ăn, coi con cá bơi là sẽ đoán được bệnh để phòng trị. Tuy vậy, người đã có kinh nghiệm cũng có khi lỗ nặng bởi cá bệnh mà trị không kịp thời”.

“Chuyện con giống, vốn liếng, kỹ thuật nuôi,... chúng tôi rất cần hỗ trợ từ các ngành chức năng để phát triển quy mô mô hình này, tạo thu nhập ổn định cho bà con nơi đặc thù vùng sông nước”, mấy bác nông dân 5- 7 năm, chục năm trong nghề này ở đây mong mỏi.

Bài, ảnh: MINH THÁI – TẤN ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh