Đó là khuyến cáo của ông Thái Thành Triều- Trưởng Phòng kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long sau thông tin có 2 nông dân tự điều trị thành công chổi rồng trên nhãn.
Đó là khuyến cáo của ông Thái Thành Triều- Trưởng Phòng kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long sau thông tin có 2 nông dân tự điều trị thành công chổi rồng trên nhãn.
Những vườn nhãn điều trị thành công nhãn chổi rồng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng thuốc tràn lan vừa gây tốn kém vừa ô nhiễm môi trường.
Sợ ô nhiễm môi trường
Tìm hiểu thực tế tại vườn nhãn ông Nguyễn Văn Phấn (Tám Phấn), ở ấp Phước Ngươn A (xã Long Phước- Long Hồ) cho thấy, để 4 công nhãn “sạch bệnh” chổi rồng, ông Tám Phấn đã tự pha chế và sử dụng rất nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc trừ sâu.
Nói về quy trình, ông Tám Phấn cho biết: Ban đầu, ông sử dụng phân (chủ yếu phân urê) bón vào gốc nhằm kích thích nhãn nhú đọt non. Sau đó, sử dụng 3 loại thuốc sâu đặc trị trộn lẫn vào nhau, cứ vài ngày phun xịt một lần mà theo lý giải của ông Tám Phấn là nhằm bảo vệ chồi tránh nhện lông nhung tấn công.
Liều lượng phân bón cũng như thuốc trừ sâu phải tăng theo tuổi thọ của vườn nhãn. Khi nhãn ra trái, lúc này lá nhãn già, khả năng tấn công của nhện hạn chế, tiếp tục bón trực tiếp vào gốc một số loại thuốc xử lý trái, tưới nước liên tục khoảng 3 ngày cho thuốc thấm.
Song song đó, cứ vài ngày tiến hành phun xịt thuốc một lần để ngăn nhện quay lại cho đến khi trái nhãn lớn. Tuy nhiên, khi hỏi tổng chi phí phòng trị, ông Tám Phấn thừa nhận “không tính hết được, bởi thấy nhãn có dấu hiệu xuất hiện chổi rồng là đi mua thuốc xịt ngăn chặn”.
“Ứng phó bệnh này phải chấp nhận tăng lượng thuốc thật mạnh, gấp 2- 3 lần so lúc trước, đặc biệt là bón phân kích thích để đọt non nhú nhanh, khi khoảng 1cm là xịt thuốc tiếp để chồi non vượt qua giai đoạn nhện dễ tấn công”- ông Tám Phấn cho biết thêm.
Còn theo anh Nguyễn Thanh Dũng ở ấp An Phú 2 (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) cũng khống chế hiệu quả vườn nhãn nhiễm chổi rồng. 15 công nhãn của anh Dũng hiện đang ra hoa đồng loạt, trong khi những vườn nhãn lân cận đều bị nhiễm bệnh chổi rồng.
Tuy nhiên, để có được vườn nhãn sạch bệnh, trước đó anh Dũng cũng đã sử dụng nhiều loại thuốc trộn lẫn vào nhau, trung bình từ 7- 10 ngày phun một lần nhằm khống chế nhện lông nhung trú ẩn. Chi phí phòng trị 15 công nhãn, theo anh Dũng tốn khoảng 100 triệu đồng.
Ông Thái Thành Triều cho biết: Hiện chi cục chưa đến trực tiếp để tìm hiểu những mô hình này nhưng qua báo chí cho thấy, nông dân còn sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trị. Phun xịt thuốc nhiều đợt có những đợt phù hợp và không phù hợp. Và tất nhiên, những đợt không phù hợp sẽ gây tốn kém và gây ô nhiễm môi trường; hơn nữa có thể gây lờn thuốc nếu sử dụng cùng một loại thuốc hoặc vụ trước sử dụng thuốc với nồng độ cao nhưng những vụ sau sử dụng với liều lượng thấp.
“Trung bình mỗi công nhãn thu hoạch khoảng 1 tấn trái, với giá hiện từ 7.000- 8.000 đ/kg, trong khi mức đầu tư phân thuốc một số hộ lên tới 6- 7 triệu đồng nên trừ chi phí nông dân không còn lời”- ông Triều quan ngại.
Nên tuân thủ quy trình
Ông Thái Thành Triều cho biết: Theo tài liệu mà Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã khuyến cáo cách sử dụng thuốc bảo vệ thực trong vùng dập dịch chổi rồng được chia làm 6 lần phun xịt.
Cụ thể, lần 1 được phun ngay sau khi tỉa các chồi đọt và bông bị nhiễm bệnh hoặc sau khi thu hoạch kết hợp phun phân bón lá; lần 2 phun xịt lúc cơi đọt 1 nhú ra từ 2- 3cm; lần 3 và 4 phun xịt khi cơi đọt 2 và 3 nhú ra từ 2- 3cm; lần thứ 5 lúc hoa vừa nhú ra và lần 6 sau lần 5 từ 5- 7 ngày. Bên cạnh, bà con cần tăng cường sử dụng phân bón NPK, đặc biệt là phân chuồng.
“Qua thí nghiệm, chi phí điều trị cho 1ha nhãn đúng quy trình từ 50- 60 triệu đồng, hiệu quả đạt từ 70- 80%, có vườn lên tới 90%”- ông nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phấn, những nhánh nhãn chổi rồng thế này, nếu phun thuốc liên tục kết hợp bón phân nhánh nhãn sẽ bị khô lại và đọt non sẽ nhú ra.
Một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng trị nhãn chổi rồng thời gian qua không mang hiệu quả cao, theo ông Thái Thành Triều do nông dân không tuân thủ theo quy trình. “Khuyến cáo phun xịt thuốc 6 lần nhưng có vườn chỉ phun xịt 2- 3 lần rồi ngưng hoặc phun đủ 6 lần nhưng không đúng thời điểm nên bệnh tái phát càng nặng hơn”.
Liên quan đến công dụng thuốc trừ sâu, ông Thái Thành Triều cho biết: Trong 22 loại thuốc mà Cục Bảo vệ thực vật mới công bố khuyến cáo sử dụng phòng trị nhãn chổi rồng thì không có thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, một số nơi nông dân đã sử dụng hiệu quả là điều đáng mừng nhưng cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, tránh sử dụng tràn lan, gây tốn kém không đáng.
Riêng việc có khuyến khích áp dụng nhân rộng mô hình này hay không, ông Thái Thành Triều cho biết: Chi cục đang cân nhắc, bởi nông dân ý thức phòng trị nhãn chổi rồng là rất đáng hoan nghênh nhưng xét về mặt kinh tế và môi trường thì đáng lo ngại do nông dân chưa hiểu quy trình nên còn lạm dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong điều trị.
|
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin