Kinh nghiệm trị bệnh chổi rồng của 2 “bác sĩ chân đất”

11:11, 07/11/2012

Cây nhãn da bò từng một thời cho thu nhập kinh tế cao, giúp nhiều nhà vườn trở thành triệu phú, nhưng vài năm gần đây, dịch bệnh chổi rồng bùng phát làm cho nhà vườn lao đao...

Cây nhãn da bò từng một thời cho thu nhập kinh tế cao, giúp nhiều nhà vườn trở thành triệu phú, nhưng vài năm gần đây, dịch bệnh chổi rồng bùng phát làm cho nhà vườn lao đao...

Trước thực trạng trên, 2 “bác sĩ chân đất” tự mày mò tìm ra được “thuốc đặc trị” nhện lông nhung, tác nhân chính gây ra bệnh chổi rồng đem lại nhiều hy vọng.

Vườn nhãn da bò của bác Tám Phấn sạch bệnh, liên tục trúng mùa.


1. Lão nông Nguyễn Văn Phấn (Tám Phấn), ở ấp Phước Ngươn A (xã Long Phước- Long Hồ) qua kinh nghiệm bao năm làm vườn đã tìm ra cách khống chế được con nhện lông nhung, bảo vệ 4 công nhãn khỏi bệnh chổi rồng. Chú Tám tự pha chế các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phun theo cách riêng. Chú cho biết: Giai đoạn nhãn ra đọt non rất dễ bị nhện lông nhung tấn công nên phải phun nhiều loại thuốc trừ sâu trộn lại và tăng liều lượng gấp 2- 3 lần mới tiêu diệt được chúng. Trung bình phun từ 4- 5 lần (trong thời gian khoảng 1 tháng) đến khi lá nhãn ngã qua lụa, con nhện lông nhung không còn gây hại nữa. Song song đó, cần bón thêm nhiều phân urê, cây tốt sẽ kháng được bệnh. Nhờ cách làm này mà vài năm nay, vườn nhãn da bò của chú Tám Phấn “sạch” bệnh chổi rồng, cây xanh tốt. Tháng 8/2012 vừa qua, chú thu hoạch gần 8 tấn nhãn, giá thời điểm đó 11.000 đ/kg, thu 80 triệu đồng. Trong giai đoạn “cơn bão chổi rồng” đang hoành hành các vườn nhãn thì đây là khoản thu nhập mà nhiều nhà vườn ao ước.

2. Mới đây, anh Nguyễn Thanh Dũng ở ấp An Phú 2 (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) cũng điều trị hiệu quả bệnh chổi rồng. 15 công nhãn của anh Dũng xum xuê, xanh tốt không một đọt nào bị nhiễm bệnh và ra hoa đồng loạt, trong khi những vườn nhãn lân cận đều bị nhiễm bệnh chổi rồng. Anh Dũng cho biết: Trước đây, vườn nhãn da bò của anh cũng bị nhiễm bệnh chổi rồng và khoảng 2 năm trở lại đây thì bùng phát mạnh. “Đang có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm bỗng nhiên trắng tay, công sức và tâm huyết bao năm coi như vô ích. Lúc đó, có tài liệu hay buổi tập huấn phòng trị bệnh chổi rồng nào tui cũng tham gia để về áp dụng nhưng cũng không thấm thía gì...”- anh Dũng cho biết.

Không chịu thua “căn bệnh quái ác” này, anh Dũng đánh liều mua các loại phân, thuốc BVTV về “nghiên cứu” làm theo cách riêng. Anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Đầu tiên, cắt bỏ những cành nhãn bị nhiễm bệnh, sau đó bón thúc phân (chủ yếu là urê) kích thích cho nhãn ra rễ, đâm tượt mới. Thời điểm này, nhện lông nhung tấn công làm đọt non của nhãn bị xù, để ngăn chặn phải dùng nhiều loại thuốc (Pertox, Bạch tượng 64EC, Sec Saigon, Southsher 10EC…) trộn vào nhau để phun. Mỗi lần phun phải thay đổi thuốc để tránh cho nhện lông nhung bị kháng thuốc và phải theo định kỳ trung bình từ 7- 10 ngày không cho nhện lông nhung sinh trưởng, trú ẩn trong vườn. Khi phun cần kèm theo phân bón qua lá kích thích cây hấp thụ nhanh ra đọt non đồng loạt. “Phun thuốc tốt nhất là lúc thời tiết mát mẻ, nếu gặp mưa, thuốc bị rửa trôi thì hôm sau phun lại. Khi nhãn ra hoa đậu trái vẫn tiếp tục phun thuốc. Điều đặc biệt là xử lý nhãn da bò ra hoa mà không cần phải khất cành…”- anh Dũng chia sẻ.

Anh Dũng bật mí thêm: Trước hết phải tăng cường bón phân qua rễ và lá cho nhãn ra đọt đồng loạt, nhiều cơi (từ 3 cơi trở lên). Thuốc xử lý ra hoa nhãn có bán nhiều ở các đại lý vật tư nông nhiệp mua về phân chia tưới dưới gốc, trung bình khoảng 500g/cây. Nhãn không khất cành cây sẽ tốt hơn, bông dài, đậu trái sai…

Anh Dũng cho biết, chi phí phân bón, thuốc BVTV cho 15 công nhãn trên 100 triệu đồng. Hiện vườn nhãn của anh đang giai đoạn đậu trái non và từ đây cho đến thu hoạch còn phải tiêu tốn chi phí không nhỏ nữa. Theo dự đoán anh Dũng, mùa này sẽ thu hoạch khoảng 30 tấn trái, nếu vào khoảng cận Tết Nguyên đán, thường có giá 15.000- 20.000 đ/kg.

Cách làm của chú Tám Phấn và anh Dũng được nhiều nhà vườn đến tham khảo để áp dụng cho vườn nhãn của mình và hy vọng cây nhãn da bò sẽ được “cứu”. Tuy nhiên, cũng rất cần các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, để có kết luận chính thức cho nhà vườn yên lòng và cũng nhằm tránh tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, có thể gây hại cho môi trường hoặc sâu hại lờn thuốc.

Bài, ảnh: NGỌC THUẬN- TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh