Đìu hiu mùa nhãn

10:11, 20/11/2012

Cách đây vài năm, khi nhãn vào mùa, xứ cù lao Minh vui như ngày hội, kẻ mua người bán nhộn nhịp. Nhưng giờ đây, dịch bệnh chổi rồng đang tàn phá vườn nhãn. Nhà vườn thu hoạch nhãn trong cảnh đìu hiu vắng lặng.

Cách đây vài năm, khi nhãn vào mùa, xứ cù lao Minh vui như ngày hội, kẻ mua người bán nhộn nhịp. Nhưng giờ đây, dịch bệnh chổi rồng đang tàn phá vườn nhãn. Nhà vườn thu hoạch nhãn trong cảnh đìu hiu vắng lặng.

Một mùa nhãn lỗ lã

Những vườn nhãn xanh tốt ngày nào giờ xơ xác, suy kiệt, năng suất giảm đáng kể và cây nhãn chết dần. Qua khảo sát, có đến 100% vườn nhãn đều thất mùa và có nhiều vườn thất trắng. Anh Bùi Văn Nghi (Hòa Ninh) thở dài: 6 công nhãn da bò, mùa này xử lý thuốc ra hoa và phân bón tốn gần 2 triệu đồng, nhưng ra được vài bông, đọt xù nhìn mà xót cả lòng. Vụ nhãn này không có trái nào bán lấy vốn lại, mà còn thuê người dọn đọt cũng tốn thêm vài triệu đồng nữa… Cũng như anh Nghi, ở cù lao Minh rất nhiều vườn thất trắng, lỗ vốn và công chăm sóc. Anh Huỳnh Văn Chính (An Bình) chỉ lên cây nhãn lắc đầu: Chổi rồng như vầy làm sao có trái nổi. Nhãn xử lý ra hoa, đậu vài trái khi lớn lên thì cũng rụng hết. Vườn nào đậu trái được 5- 10% là mừng lắm rồi… Anh Chính, có gần chục công nhãn da bò, trước thu hoạch từ 10- 12 tấn, thất lắm cũng không dưới 5 tấn trái. Vụ nhãn năm nay anh Chính dự đoán 10 công nhãn thu hoạch khoảng… 500kg. Trong khi đó “đầu tư vụ này gần 10 triệu đồng”. Hiện giá nhãn từ 9.000- 10.000 đ/kg thì anh Chính lỗ chừng 5 triệu, chưa kể thuê nhân công dọn dẹp lại vườn chuẩn bị cho mùa sau…


Nhà vườn thu hoạch nhãn trong tâm trạng buồn do thất mùa.


Chị Nguyễn Thị Thảnh có 5 công nhãn da bò vừa thu hoạch gần 1 tấn trái mà mừng ra mặt: Vườn tui vầy thuộc hàng trúng nhất rồi đó. Ở đây nhiều vườn bỏ luôn vì thuê nhân công hái trái sẽ lỗ thêm. Anh Nguyễn Văn Chốp- thương lái mua nhãn có thâm niên. Trước đây, anh Chốp thu gom nhãn bằng ghe lớn, vào vụ vận chuyển không kịp phải thuê thêm ghe, trung bình mỗi ngày anh mua hàng chục tấn. Nhưng mùa nhãn này, anh đi mua bằng xe gắn máy vì: Ít vườn nào hái được số lượng nhiều. Đi bằng xe gắn máy lòn lách vào vườn, chỗ vài giỏ, suốt ngày kiếm chừng 1 tấn trái là nhiều rồi. Lượng nhãn ít, nhiều lò sơ chế biến nhãn ở cù lao Minh thiếu hàng để làm, nên cũng ngưng hoạt động.

Đốn nhãn bán củi

Phần lớn người dân ở cù lao Minh sống chủ yếu bằng cây nhãn da bò. Nhưng thời điểm này, khắp cù lao Minh hiếm gặp những vườn sai trái, mùi thơm của nhãn chín, mà thay vào đó là tiếng máy cưa nhãn nghe mà xót cả lòng. Anh Nguyễn Minh Thảo (xã An Bình) đắn đo nhiều ngày rồi cũng đành gọi thợ để cưa 10 công nhãn trên 10 năm tuổi. Anh Thảo thở dài: “Nhiễm bệnh, xơ xác hết rồi, đốn trồng cây khác thì tiếc, nhưng để lại nhãn thất mùa cuộc sống sẽ gặp khó khăn hơn…”. Cũng như anh Thảo, gia đình anh Bảy (An Bình) cũng “bình địa” hơn 5 công nhãn, được 27m củi. Anh Bảy cho biết: Nhãn bị nhiễm bệnh không còn hồi phục nữa, thất mùa liên tục. Đốn nhãn trồng lại cây khác ít nhất 3 năm sau mới có huê lợi, nhưng phải chịu thôi và thời gian này, gia đình phải vất vả trồng cây ngắn ngày để xoay xở cuộc sống…

Nhà vườn đốn nhãn bán củi.

Bà Nguyễn Thị Ba nói giọng buồn: Một năm chỉ chờ đến mùa nhãn, nhưng thất mùa, cuộc sống gia đình đảo lộn. Tuy Nhà nước có hỗ trợ thuốc điều trị và tiền, nhưng điều quan trọng là khắc phục được bệnh.

Ở thời điểm này, thợ cưa củi rất “đắt sô”. Anh Nguyễn Văn Tài (Hòa Ninh) thợ cưa, cũng là thương lái mua củi nhãn, cho biết: Bà con gọi đốn nhãn cưa không kịp, phải thuê người phụ và trung bình mỗi ngày anh cưa hàng chục mét củi nhãn… Còn nhóm anh Nguyễn Văn Giang (An Bình) khoảng 4 người cưa thuê cho các thương lái củi ở Hậu Giang. Gần tháng nay, ngày nào nhóm của anh Giang cũng cưa hàng hecta nhãn. Hiện giá củi tương đối khá cao, trên 400 ngàn đồng/m (đoạn 0,5m, bằng cổ tay trở lên) tùy đường xa hay gần. Một công nhãn có thể cưa ra 5m củi, bán đủ tiền mua cây giống trồng lại. Tất cả củi nhãn chở xuống Hậu Giang, Sóc Trăng bán cho các lò hầm than.

Hiện nhà vườn ở cù lao Minh đang lo lắng trước dịch bệnh đang hoành hành. Bên cạnh đó một số nhà vườn đốn nhãn, đất trống nhưng còn phân vân chưa biết trồng lại cây gì cho phù hợp. Đây là vấn đề đau đầu của người dân cù lao Minh nên rất cần các ngành chuyên môn “tư vấn”.

Bài, ảnh: NGỌC THUẬN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh