Các nhà khoa học khẳng định quy trình đã được kiểm chứng

01:11, 27/11/2012

Tại cuộc họp sơ kết công tác dập dịch chổi rồng trên nhãn, nhiều địa phương cho rằng quy trình phòng trị hiện nay là chưa phù hợp. Vì thực tế có nhiều nông dân làm theo cách riêng nhưng hiệu quả rất cao trong khi nhiều vườn nhãn khác làm theo quy trình nhưng bệnh chổi rồng vẫn tái phát.

Tại cuộc họp sơ kết công tác dập dịch chổi rồng trên nhãn, nhiều địa phương cho rằng quy trình phòng trị hiện nay là chưa phù hợp. Vì thực tế có nhiều nông dân làm theo cách riêng nhưng hiệu quả rất cao trong khi nhiều vườn nhãn khác làm theo quy trình nhưng bệnh chổi rồng vẫn tái phát.

Vệ sinh vườn để hạn chế nhện lông nhung lưu trú.


Tuy nhiên, đại diện Cục Bảo vệ thực vật và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam khẳng định: quy trình có hiệu quả, đã phòng trị tại nhiều địa phương trước khi áp dụng ở Vĩnh Long.

Dập dịch chổi rồng còn chậm

Báo cáo công tác dập dịch sau 9 tháng kể từ khi UBND tỉnh Vĩnh Long công bố dịch chổi rồng trên nhãn, ông Võ Văn Quốc- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thừa nhận: “Tiến độ cắt tỉa và phun thuốc vẫn còn chậm so kế hoạch”. Tính đến đầu tháng 11/2012, toàn tỉnh đã cắt tỉa và phun thuốc được 4.666,8/8.760ha nhãn nhiễm bệnh, chiếm chỉ 55,44%. Riêng việc hỗ trợ kinh phí, đến nay 7 huyện và thành phố cũng đã nhận và cấp phát cho nông dân số tiền trên 30 tỷ đồng. Cũng theo ông Võ Văn Quốc, nguyên nhân công tác dập dịch còn chậm do thời điểm ra quân cắt tỉa rơi vào mùa mưa, triều cường lên cao; nhiều vườn giai đoạn đang ra bông và mang trái nên nông dân không chịu cắt tỉa...

Long Hồ là địa phương ra quân dập dịch đầu tiên trong tỉnh nhưng theo bà Võ Thị Xuân Mỹ- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì đã gặp không ít khó khăn trong việc vận động nông dân tham gia dập dịch. Toàn huyện có 4.040,3ha nhãn nhiễm chổi rồng nhưng đến nay chỉ có 1.355,6ha được cắt tỉa, đạt 33,68%. Bà cho biết thêm: Hiện có rất nhiều nông dân tự làm theo cách riêng là không cắt tỉa nhánh nhãn nhiễm bệnh mà chỉ phun thuốc đặc trị nhưng mang lại hiệu quả rất cao; trong khi những vườn khác làm theo quy trình nhưng vẫn xuất hiện chổi rồng khi ra cơi đọt 2 nên nhiều nhà vườn không muốn tiếp tục làm theo quy trình. “Cắt tỉa là khâu tốn nhiều thời gian và nhân công nhất nhưng xem ra không hiệu quả. Vì vậy nên chăng, nhà khoa học cần nghiên cứu bỏ khâu cắt tỉa mà chỉ khuyến cáo phun xịt thuốc theo đúng quy trình”- bà Võ Thị Xuân Mỹ nêu giải pháp.

Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Mang Thít Cao Thị Đẹp cũng thừa nhận: “Rất khó vận động nông dân nếu không có những mô hình mẫu hiệu quả để nông dân tin tưởng tham gia”.

Một vấn đề mới phát sinh cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dập dịch thời gian qua đã được Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho hay: Hiện có luồng thông tin cho rằng các loại thuốc đang phân phát cho nông dân sau khi phun xịt sẽ làm ảnh hưởng gia súc, gia cầm hay môi trường xung quanh nên nhiều nông dân không dám phun xịt mà đem ra các đại lý vật tư nông nghiệp đổi thuốc khác hoặc bán lại. Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Liêm khẳng định: “Đây chỉ là tin đồn thất thiệt, do sự cạnh tranh giữa các công ty thuốc bảo vệ thực vật với nhau trong quá trình đấu thầu, nông dân không nên tin để tránh tác động không tốt. Tôi đề nghị chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm nếu phát hiện những trường hợp tương tự xảy ra”.

Giải thích thêm, ông Lê Văn Thiệt- Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nói: “Các loại thuốc được khuyến cáo sử dụng phòng chống bệnh chổi rồng thuộc cấp độ 3- nhóm ít độc với thiên địch và môi trường. Tuy nhiên để an toàn, trong lúc phun xịt nhà vườn cần che chắn để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.”

Quy trình đã được kiểm chứng

Khẳng định quy trình mà Cục Bảo vệ thực vật và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam khuyến khích nông dân áp dụng phòng trị nhãn chổi rồng hiện là phù hợp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam còn giải thích thêm: Bệnh chổi rồng xuất hiện đầu tiên ở khu vực Đông Nam Bộ vào khoảng năm 2007. Qua nghiên cứu xác định, nhện lông nhung được xác định là môi giới truyền bệnh. Ngay sau đó, một quy trình phòng bệnh được đưa ra và áp dụng phòng chống rất thành công. Gần đây nhất, 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre áp dụng quy trình này phòng trị cũng mang hiệu quả. “Nông dân thường có tâm lý thấy dịch hại mới phun và phun thấy chết mới tin trong khi nhện lông nhung có kích thước rất nhỏ mà mắt thường không dễ dàng nhìn thấy, vì vậy, dẫn đến chuyện nông dân chán nản nên không tuân thủ theo đúng quy trình nữa”- Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa nói.

Nói về ý nghĩa việc cắt tỉa, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa vừa giúp cây nhãn gọn gàng vừa phòng tránh nhện lưu trú và hạn chế lượng thuốc phun xịt. “Nhiều vườn nhãn ở Vĩnh Long không cắt tỉa nhưng vẫn phòng trị được bệnh chổi rồng, rất có thể do thời gian qua mưa nhiều nhện không thể sống sót hoặc không phát triển được”.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuyết- Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cũng khẳng định: Quy trình đang áp dụng là phù hợp vì thời gian qua chi cục cũng triển khai làm 4 mô hình mẫu mang lại hiệu quả rất cao từ 70- 90%, trong khi tỷ lệ tái nhiễm chỉ khoảng 5%. “Tôi cho rằng các vườn nhãn tái bệnh do nông dân không làm đúng quy trình, xử lý không đúng đối tượng và thời điểm làm cho bệnh ngày càng nặng hơn”.

Để công tác dập dịch hoàn thành trước tháng 12/2012 tới như kế hoạch, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuyết kiến nghị: “Cả hệ thống chính trị cần chung tay đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia chứ không giao phó cho một mình ngành nông nghiệp đã làm như trong thời gian vừa qua”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh