Thủy sản chuẩn toàn cầu

09:10, 09/10/2012

Chưa tròn năm, một ngành có đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn là sản xuất và nuôi trồng thủy sản lần lượt đón nhận 2 chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Với tiêu chuẩn toàn cầu này, thủy sản Vĩnh Long đã có thể tự tin thâm nhập các kênh phân phối khó tính nhất của thế giới.

Chưa tròn năm, một ngành có đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn là sản xuất và nuôi trồng thủy sản lần lượt đón nhận 2 chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Với tiêu chuẩn toàn cầu này, thủy sản Vĩnh Long đã có thể tự tin thâm nhập các kênh phân phối khó tính nhất của thế giới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lĩnh vực này cũng cảnh báo: Được cấp chứng nhận GlobalGAP đã là chuyện khó nhưng giữ được lâu dài hay không là chuyện càng khó hơn.


GlobalGAP là con đường đưa sản phẩm thủy sản “xuất ngoại”.


Sạch từ vùng nuôi tới bàn ăn

Ngày 26/9 vừa qua, Trại Giống thủy sản tỉnh Vĩnh Long đón nhận tin vui khi được Công ty TNHH Intertek Việt Nam trao giấy chứng nhận GlobalGAP sau hơn 1 năm đầu tư xây dựng. Đây là cơ sở sản xuất giống thủy sản đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn này trên diện tích 3,2ha mặt nước tại ấp Tân Hạnh (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long). Từ đây, trại giống có thể cung ứng những sản phẩm giống đạt tiêu chuẩn toàn cầu, truy xuất được nguồn gốc cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Chia sẻ quá trình để được cấp chứng nhận, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết: Từ tháng 7/2011, trại giống được đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng theo quy định như đường đan, hố sát trùng, ao lắng nước cung cấp cho các ao ương. Đồng thời, thuê tư vấn xây dựng tiêu chuẩn và trung tâm giống trực tiếp biên soạn tài liệu theo đúng quy trình,… với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng.

Bà Trần Thị Cúc- Trưởng Trại Giống thủy sản Vĩnh Long cho biết: Khả năng cung ứng giống những năm qua không ngừng tăng. Nếu năm 2010, sản lượng cá tra bột của trại giống chỉ đạt khoảng 183 triệu con thì đến năm 2011 tăng lên 231,6 triệu con. Và 8 tháng đầu năm nay, đạt gần 300 triệu con, ước giá bán tăng khoảng 10%. “Được chứng nhận GlobalGAP đồng nghĩa với việc chất lượng giống cá tra được nâng cao, cung cấp giống chất lượng cho người nuôi, tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc về giống của sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu”- bà Trần Thị Cúc nói.

Trước đó, ngày 23/2/2012, Tổ chức quốc tế Bureau Veritas cũng đã cấp giấy chứng nhận GlobalGAP cho trại nuôi cá tra của Công ty TNHH Biofeed, trên diện tích 10ha tại ấp Đông Hậu (xã Ngãi Tứ- Tam Bình).

Ông Trương Thanh Phương- Giám đốc Công ty TNHH Biofeed cho biết: Thủy sản sạch từ vùng nuôi đến bàn ăn là tiêu chuẩn bắt buộc để ngành thủy sản ĐBSCL phát triển bền vững. “Vé thông hành GlobalGAP đã tạo cho công ty nhiều hợp đồng xuất khẩu quan trọng, đặc biệt là các thị trường ở Châu Âu”- ông Trương Thanh Phương phấn khởi.

Cần giữ GlobalGAP “sống lâu”

Tại hầu hết các buổi cấp giấy chứng nhận, các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản đều chung nhận định, chứng nhận thương hiệu là con đường duy nhất để ngành thủy sản Việt Nam hội nhập, khẳng định vị thế vững chắc, ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lĩnh vực này cũng không khỏi cảnh báo trong việc cần duy trì và phát huy thế mạnh của thương hiệu trong sản xuất. Bởi, thực tế không ít nơi được cấp nhận nhưng một thời gian thì “mất” thương hiệu do không đủ tiềm lực tài chính để tái chứng nhận.

Đại diện Công ty TNHH Intertek Việt Nam cho biết: Hiện khách hàng Châu Âu rất chú trọng nguồn gốc của sản phẩm thủy sản. Họ muốn biết trong quá trình nuôi cá tra, sử dụng thuốc, thức ăn có để lại dư lượng trên sản phẩm hay không mà nuôi thông thường thì khó xâm nhập vào thị trường này. Vì vậy, giữ được thương hiệu GlobalGAP để có sản phẩm an toàn là những lợi thế mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo kế hoạch, sau khi được chứng nhận, dự kiến đến năm 2013, Trại Giống thủy sản tỉnh Vĩnh Long sẽ đạt sản lượng cung cấp 500 triệu cá tra bột và lợi nhuận mỗi năm tăng thêm ước khoảng 72 triệu đồng; tạo việc làm cho khoảng 500 lao động. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định sẽ quyết tâm thực hiện duy trì và mở rộng diện tích được công nhận trong những năm tới.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn từ năm 2012- 2015 với tổng kinh phí trên 27 tỷ đồng, tỉnh sẽ đầu tư chuyển giao kỹ thuật tại 10 mô hình sản xuất giống cá tra chất lượng cao, hỗ trợ 30% chi phí sản xuất giống, 100% chi phí tư vấn xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP và chi phí đánh giá cấp giấy chứng nhận GlobalGAP lần đầu. Phấn đấu đến năm 2015, sản lượng đạt từ 67,5- 90 triệu con giống, đáp ứng 20- 25% nhu cầu giống nuôi.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh