Để xây dựng được vùng lúa chất lượng cao

07:10, 24/10/2012

Một vụ lúa Thu Đông nữa sắp kết thúc. Lướt qua thị trường lúa từ đầu vụ đến nay cho thấy, những nơi nông dân gieo sạ lúa chất lượng cao giá bán chỉ nhỉnh hơn so với lúa thường một ít, thậm chí có thời điểm còn gặp khó trong khâu tiêu thụ.

Một vụ lúa Thu Đông nữa sắp kết thúc. Lướt qua thị trường lúa từ đầu vụ đến nay cho thấy, những nơi nông dân gieo sạ lúa chất lượng cao giá bán chỉ nhỉnh hơn so với lúa thường một ít, thậm chí có thời điểm còn gặp khó trong khâu tiêu thụ.


Hệ thống cung ứng giống từ các tổ hợp tác, hợp tác xã khá dồi dào.

Giống chất lượng chưa thu hút nông dân

Ông Tống Minh Châu (xã Tân Phú- Tam Bình) cho biết: Vụ lúa Thu Đông vừa qua, khi nghe báo, đài khuyến cáo gieo sạ lúa chất lượng cao nên làm theo. Toàn bộ 16 công ruộng những vụ trước sử dụng giống IR50404 thì vụ này ông Châu chuyển sang mua giống cấp xác nhận (OM5451) với giá 11.000 đ/kg về gieo sạ. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, năng suất chỉ tương đương giống IR50404, khoảng 6,5 tấn/ha. Thương lái mua lúa tươi tại ruộng giá 5.000 đ/kg, trong khi lúa IR50404 giá thấp hơn chỉ khoảng 150 đ/kg. “Chi phí vụ này đã tăng thêm mỗi công cả trăm ngàn đồng, biết vậy sạ giống kia cho khỏe”- ông Châu nói.

Không riêng ông Châu, mà khu vực này còn có rất nhiều nông dân khác cũng tỏ ra ngán ngại chọn giống chất lượng cao gieo sạ. Theo nhiều nông dân, làm lúa chất lượng cao chi phí mỗi công tăng thêm từ 100- 150 ngàn đồng tiền mua giống và phân thuốc. Mặt khác, các giống lúa chất lượng cao thời gian thu hoạch chậm hơn từ 7- 10 ngày so lúa cấp thấp. Đó là chưa kể lúa chất lượng cao dễ bị nhiễm sâu rầy hơn.


Không ít nông dân có thói quen lấy “lúa thịt” làm giống.

Anh Nguyễn Văn Thắng (ấp Phú Yên, xã Tân Phú- Tam Bình) nhận xét: “Lúa IR50404 năng suất cao 1- 2 tấn/ha so lúa chất lượng cao, trong khi chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp. Nếu khi thu hoạch bán giá thấp hơn khoảng 200 đ/kg thì tính ra vẫn có lời”.

Anh Nguyễn Minh Dũng- thương lái mua lúa ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL tính toán: Trong khi 20kg lúa IR50404 khi xay ra cho khoảng 15,5kg gạo thì lúa hạt dài chỉ khoảng 14,8kg gạo nên xét về mặt kinh tế, lúa IR50404 vẫn cho giá trị cao hơn. Hơn nữa, khi doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu gạo 15% hay 25% tấm, họ sẽ đẩy mạnh việc thu mua gạo IR 50404 để trộn với gạo hạt dài để tăng lợi nhuận. Đây là lý do khiến lúa cấp thấp vẫn tiêu thụ được.

Lúa IR50404 không được vượt quá 20%

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2012- 2013. Theo đó, tăng cường gieo sạ các giống lúa chất lượng cao; giống IR50404 gieo sạ không được vượt quá 20% diện tích và vụ Hè Thu không quá 15%. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đặt hàng và bao tiêu cho nông dân, chứ không nói “suông” như những năm trước.


Đảm bảo đầu ra mới thuyết phục được nông dân

Đầu mỗi vụ lúa, ngành nông nghiệp thường khuyến cáo nông dân hạn chế gieo sạ giống lúa phẩm cấp thấp, nhất là IR50404. Nhưng thực tế ở nhiều tỉnh ĐBSCL, những năm qua tỷ lệ giống này vẫn luôn ở mức cao. Còn nhớ trong buổi tổng kết vụ lúa Đông Xuân 2012 ở Nam Bộ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Sẽ xử lý nghiêm nếu tỉnh nào để tình trạng gieo sạ giống IR50404 vượt quá 20% diện tích”. Nhiều ý kiến cho rằng, chính nhu cầu tiêu thụ gạo cấp thấp dễ dàng là nguyên nhân khiến nông dân chuộng gieo sạ loại lúa này.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2011 xuất khẩu gạo cấp thấp và trung bình của Việt Nam chiếm trên 61% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, gạo chất lượng cao chỉ 18% và gạo thơm khoảng 6,6%. Để thúc đẩy nông dân tăng cường gieo sạ lúa chất lượng cao, nhiều ý kiến cho rằng, liên kết “4 nhà” trong chuỗi sản xuất là vai trò hết sức cần thiết hiện nay. Bởi thực tế, nơi nào có doanh nghiệp đầu tư và đảm bảo tiêu thụ hết lúa thì nơi đó có tỷ lệ giống chất lượng rất cao và thu hút được nhiều nông dân tham gia.


Lúa chất lượng cao cần đầu ra ổn định.

Ông Nguyễn Văn Đen (xã Phú Lộc, Tam Bình) thừa nhận: Trước đây, tại địa phương giống IR50404 chiếm diện tích rất lớn nhưng kể từ vụ lúa Thu Đông này, hàng chục nông dân có diện tích gần kề tiến hành gieo sạ lúa chất lượng cao là OM4900 và OM5451 và được Công ty TNHH Nông Tiến ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với giá 7.000 đ/kg nên người dân rất phấn khởi. Gia đình ông Đen cũng ký hợp đồng sản xuất tới 2ha và bán được toàn bộ lúa sau khi thu hoạch khá dễ dàng.

Ông Nguyễn Việt Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc thừa nhận: “Do đảm bảo tốt đầu ra nên khi khuyến cáo sử dụng giống chất lượng cao nông dân rất đồng tình. Địa phương có kế hoạch nhân rộng diện tích lên khoảng 100ha thay vì 13ha hiện nay và tiến tới xây dựng vùng lúa chất lượng cao những năm tới”.

Vĩnh Long đang triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, với mục tiêu đến năm 2015 có trên 80% diện tích lúa sử dụng giống từ cấp xác nhận. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp cần chứng minh cho nông dân thấy ưu thế của giống chất lượng cao so lúa cấp thấp bằng việc đảm bảo giá cả và tìm đầu ra ổn định; tránh tình trạng khuyến cáo rồi “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các ngành, để rồi lúa cấp thấp lại tràn đồng.

“Xong dự án nông dân quay lại sản xuất thường”

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long từng cho biết như vậy khi đề cập vì sao nông dân không “mặn” việc sử dụng giống chất lượng cao.

Theo ông, những năm gần đây tỉnh đã đầu tư rất nhiều dự án xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao. Nông dân tham gia mô hình tuân thủ rất tốt quy trình, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao nên năng suất thường cao hơn những ruộng ngoài mô hình. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc thì nông dân thường không tiếp tục làm theo quy trình hướng dẫn nữa mà thường quay lại sử dụng giống phẩm chất thấp nên tỷ lệ hàng năm vẫn tăng.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG


Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh