Cần đảm bảo tiêu thụ cho cánh đồng mẫu lớn

09:10, 02/10/2012

Năng suất lúa bình quân đạt từ 7- 8 tấn/ha, cao hơn bình quân của tỉnh (6,73 tấn/ha); lợi nhuận tăng thêm 2- 3 triệu đồng/ha sau khi áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết như vậy tại hội thảo sơ kết vừa diễn ra.

Năng suất lúa bình quân đạt từ 7- 8 tấn/ha, cao hơn bình quân của tỉnh (6,73 tấn/ha); lợi nhuận tăng thêm 2- 3 triệu đồng/ha sau khi áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết như vậy tại hội thảo sơ kết vừa diễn ra.

Tuy nhiên tìm đầu ra ổn định cho lúa gạo vẫn còn khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp là mấu chốt quan trọng để cùng giải quyết khó khăn này.

Cần liên kết doanh nghiệp để ổn định đầu ra lúa gạo.


Thành công bước đầu

Sau khi Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long phát động xây dựng mô hình CĐML đầu tiên vào tháng 9/2011 trong vụ Đông Xuân đã có 710,18ha với 1.012 hộ nông dân tại 7 huyện tham gia. Nhận định bước đầu cho thấy mô hình phát huy hiệu quả như: tăng năng suất, chất lượng lúa gạo và giảm chi phí. Đặc biệt, CĐML tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm), Mỹ Thuận (Bình Tân) và Mỹ Lộc (Tam Bình) còn được Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang cử cán bộ FF (kỹ sư cùng nông dân ra đồng) hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm cho nông dân.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, đây là hướng đi tất yếu, cũng là giải pháp thiết thực nhất để tiến tới nền sản xuất lúa hàng hóa lớn hiện nay và trong tương lai. Từ đó, theo kế hoạch, trong vụ Đông Xuân 2012- 2013, 7 huyện sẽ mở rộng diện tích các CĐML đạt 1.650ha và đến năm 2015 đạt từ 2.500- 3.000ha (mỗi huyện khoảng 400ha).

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Quản lý dự án CĐML cho biết: Vụ lúa Đông Xuân tới thay vì mỗi huyện chỉ tăng thêm 100ha, dự án sẽ chọn 2 cánh đồng ở xã Tân Long (Mang Thít), Mỹ Lộc (Tam Bình) tăng bổ sung thêm 200ha; xã Đông Thạnh (Bình Minh) tăng 50ha nhằm tạo những mô hình sớm đạt kiểu mẫu, để tiến tới xây dựng lúa đạt chứng nhận VietGAP.

Trong kế hoạch vụ Đông Xuân tới, theo ông Nguyễn Văn Liêm, nông dân tham gia CĐML vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ 40% kinh phí mua giống xác nhận, với định mức là 100 kg/ha.

Cần đảm bảo tiêu thụ lúa gạo

Tại hội thảo, tất cả đại biểu đều cho rằng, cần thiết phải có những biện pháp cấp bách ổn định việc tiêu thụ lúa để thu hút nông dân tham gia và mở rộng diện tích những năm tới. Trong đó, biện pháp được đưa ra là liên kết, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp về sử dụng giống, giá sàn cũng như chất lượng lúa gạo để khuyến cáo nông dân thực hiện hiệu quả.

Ông Lưu Xuân Bá- Phó Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long cho biết: Hiện công ty sẵn sàng đưa giá sàn thu mua lúa cho nông dân cao hơn giá thị trường khoảng 200 đ/kg, nhưng với điều kiện phải tập hợp vận chuyển tới kho. Theo ông Lưu Xuân Bá, trước nay do việc thu mua lúa phải qua khâu thương lái nên nông dân thường không được hưởng lợi, trong khi phía công ty hiện không chủ động được khâu vận chuyển. “Nếu địa phương nào trong CĐML thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển công ty sẵn sàng thu mua toàn bộ lúa tươi lẫn lúa khô cho nông dân”- ông Lưu Xuân Bá nói.

Liên quan đến chất lượng gạo và sử dụng giống gì, ông Lưu Xuân Bá cho biết, chỉ cần giống lúa hạt dài và trong. Riêng việc đưa ra cố định loại giống gì để gieo sạ thì rất khó, bởi còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường…

Đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Long cũng cho biết, đang gặp khó trong khâu thu gom. Để “đón đầu” thu mua, đặc biệt trong mô hình CĐML, công ty đang xây dựng một kho dự trữ với sức chứa hàng chục ngàn tấn tại xã Xuân Hiệp (Trà Ôn), dự kiến đưa vào cuối năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Liêm khẳng định, sẽ tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho lúa gạo trong vụ lúa Đông Xuân tới. Đồng thời, phối hợp các đại lý vật tư nông nghiệp tham gia đầu tư phân thuốc với hình thức trả chậm để nông dân giảm bớt khó khăn trong sản xuất.

Bài, ảnh: H.MINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh