Bảo vệ vườn cam mùa lũ

09:10, 25/10/2012

Đến thăm vườn cam sành nằm giữa đồng nước nổi mênh mông, được bảo vệ bằng tấm bạt chạy dài xung quanh, tôi được anh Nguyễn Quang Thường- một trong những nông dân áp dụng thành công mô hình đưa cam sành xuống ruộng tại xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) cho biết: “Vụ rồi, 7 công cam cho trái chiếng, tui bán trên 200 triệu đồng vừa đủ để hoàn vốn đầu tư.

Đến thăm vườn cam sành nằm giữa đồng nước nổi mênh mông, được bảo vệ bằng tấm bạt chạy dài xung quanh, tôi được anh Nguyễn Quang Thường- một trong những nông dân áp dụng thành công mô hình đưa cam sành xuống ruộng tại xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) cho biết: “Vụ rồi, 7 công cam cho trái chiếng, tui bán trên 200 triệu đồng vừa đủ để hoàn vốn đầu tư. Hiện, tui đang xử lý ra trái mùa nghịch, dự kiến qua tết sẽ cho giá cao, năng suất cũng sẽ tăng gấp 3 lần. Từ hiệu quả bước đầu, tui đang trồng tiếp 3,5 công nữa…”

Nhờ bao bọc vườn cam bởi tấm bạt chạy dài mà dù ngoài đồng nước nổi, vườn cam của anh Thường vẫn khô ráo thế này.


Qua tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả tại các huyện và tỉnh bạn, anh đã mạnh dạn chuyển trồng rẫy sang trồng cam. Đây cũng là một trong những quyết định táo bạo bởi chi phí đầu tư cao, yêu cầu kỹ thuật cao, mà rủi ro cũng cao vì mỗi năm chỉ thu hoạch một lần, nếu “dội chợ” sẽ rớt giá. Mặt khác, vườn cam được trồng giữa đồng nước nổi, nếu chăm sóc không tốt sẽ không đạt yêu cầu về năng suất.

Đứng trên bờ đê được lót đan thẳng tắp băng qua cánh đồng (khoảng 25 công), trải dài đến tận vườn cam, ông Võ Văn Lộc- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Nghĩa cho biết: Con đê này được anh Thường vận động các chủ ruộng cùng đầu tư để dễ dàng chở lúa, chở cam từ ruộng vào nhà. Trước đây, anh là một trong những hộ đi đầu trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây màu xuống ruộng cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, anh là một trong 7 hộ tại địa phương đưa cây cam xuống ruộng trên 6,7ha. Về giá trị kinh tế, hiện chưa có loại cây ăn trái nào “qua mặt” được cam. Thu nhập năm đầu tiên bình quân của các vườn gần 400 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 150 triệu đồng/ha.

Để vườn cây ăn trái không bị ngập nước trong mùa lũ, anh chuẩn bị máy bơm sẵn sàng “ứng chiến” và dùng tấm bạt dài bao bọc xung quanh vườn cam. “Năm nay triều cường lên cao nên tui kéo tấm bạt cao hơn năm rồi 3 tấc. Khâu quan trọng khi áp dụng mô hình này là giữ bờ bao để cây không bị ngập nước”- anh Thường nói.

Trước đây, vợ chồng anh ra riêng chỉ có 3 công đất. Nhờ chí thú làm ăn nên anh mua dần hơn chục công và thường góp công, góp của xây dựng giao thông nông thôn tại địa phương. “Khi không có điều kiện thì thôi, đến khi kinh tế phát triển, tui mong muốn đóng góp cho xã hội, xây dựng quê hương”- anh Thường nói.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh