Tam Bình hướng đến sản xuất lúa chất lượng VietGAP

07:09, 04/09/2012

Mô hình CĐML đang triển khai đáp ứng xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng Nông thôn mới. Từ mô hình CĐML đạt hiệu quả, trong những năm tiếp theo, huyện Tam Bình xây dựng lộ trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.


Cơ giới hóa thu hoạch để giảm tổn thất năng suất, thời gian, lao động.

Mô hình CĐML từ khi đi vào ứng dụng thí điểm đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết tốt vai trò phát triển khách quan của quy trình sản xuất lúa hiện đại. Chỉ hơn một năm hình thành, phát triển mô hình CĐML đã bộc lộ hàng loạt ưu điểm như: bảo đảm lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt theo từng vùng, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng thực hành tốt (GAP) trên cơ sở các kỹ thuật đã được ứng dụng rộng như “3 giảm, 3 tăng” (giảm: lượng giống gieo sạ, phân đạm, thuốc trừ sâu; tăng: năng suất, chất lượng, hiệu quả) hay “1 phải, 5 giảm” (phải: dùng hạt giống xác nhận, giảm: ngoài ba giảm trên còn giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát thu hoạch), ghi chép nhật ký đồng ruộng cùng tiến trình kiểm soát sát sao của các kỹ sư nông nghiệp và đặc biệt là áp dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch, giảm tổn thất sau thu hoạch, phơi sấy đúng quy trình, bảo đảm lượng gạo hàng hóa nhiều, ổn định từ đó xây dựng được thương hiệu hàng hóa cho hạt gạo Việt Nam. Một vấn đề khác cũng cần phải nhắc đến là vấn đề thu nhập cho lao động nông thôn cũng tăng cao.

Làm lúa thời VietGAP

Vụ lá Thu Đông năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Đen ở ấp Lung Đồng, xã Phú Lộc mạnh dạn sử dụng toàn bộ diện tích (20 công) đất trồng lúa để sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và xác nhận. Anh Đen cho biết, đây là vụ lúa đầu tiên sản xuất lúa giống và được Công ty TNHH Nông Tiến tại huyện Long Hồ ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Cùng với anh Đen còn có 17 hộ trong tổ hợp tác sản xuất số 2, ấp Lung Đồng (xã Phú Lộc) tham gia với tổng diện tích được bao tiêu sản phẩm là 13ha. Để đảm bảo năng suất, chất lượng hạt lúa giống, các thành viên tổ hợp tác sản xuất thực hiện đúng quy trình quản lý 4 khâu về giống, thủy lợi, lịch thời vụ, quản lý sâu bệnh. Toàn bộ diện tích chỉ áp dụng 2 loại giống chủ lực OM 4900 và OM 5451, áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa, “1 phải– 5 giảm” và xuống giống đồng loạt, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Các thành viên tổ hợp tác sản xuất lúa giống số 2 cho biết: Công ty TNHH Nông Tiến nhận bao tiêu sản phẩm giống OM 4900 với giá 7.000 đ/kg và giống OM 5451 giá 6.500 đ/kg. Nếu vụ Thu Đông năng suất đạt 5 tấn/ha thì nông dân sẽ thu lợi nhuận trên 40%, tương đương 20.000.000 đ/ha/vụ. Tổ hợp tác sản xuất lúa giống số 2 ấp Lung Đồng đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong 5 năm (2012– 2017). Đây là cơ hội để nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang cánh đồng mẫu lớn (CĐML), chuyển đổi hình thức sản xuất cá thể sang hình thức làm ăn tập thể cùng có lợi theo bộ tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn mới.

Mặn mà với cánh đồng mẫu lớn

Mô hình CĐML đã và đang được triển khai tại xã Mỹ Lộc, là một trong những hướng đi bền vững trong phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, hiện đại. Tuy nhiên, để có thể phát triển, nhân rộng mô hình CĐML lớn theo đúng định hướng, nhằm đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, cần nhìn nhận lại và có bước đi phù hợp. 

Ông Nguyễn Văn Thả - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Bình cho biết: “Diện tích trồng lúa mỗi năm trên 45.000 ha, với tổng sản lượng đạt trên 200.000 tấn, nông dân đã dần tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm chủ kỹ thuật trên đồng ruộng. Tuy nhiên, chi phí sản xuất còn quá lớn và thu nhập thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà từng nông hộ khó chủ động giải quyết được. Làm thế nào để cải thiện thu nhập cho người nông dân, sản xuất lúa với chi phí thấp và bán được sản phẩm có giá trị cao hơn, vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp”.

Trong vụ Đông Xuân 2011-2012, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Bình triển khai cho 162 hộ nông dân tại Ấp 9, xã Mỹ Lộc thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng CĐML với tổng diện tích gần 105ha. Trong đó, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ 50% tiền mua giống lúa, đầu tư xây dựng cơ bản, cơ giới hóa đồng ruộng, tập huấn kỹ thuật sản xuất, hướng dẫn ghi chép sổ tay cho nông dân. Đây là mô hình điểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiến bộ và cơ giới hóa đồng ruộng; từng bước tiến đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn và đạt chứng nhận VietGAP, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Nhiều nông dân ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình) phấn khởi : Mô hình CĐML đã thay đổi tập quán sản xuất cho nông dân. Ruộng nơi đây không còn cảnh sạ chay, dưỡng chét, mạnh ai nấy làm mà thay vào đó là 100% đất được cày sâu, xới kỹ, xuống giống đồng loạt, hình thức sạ tay được thay hẳn bằng sạ thưa (100 kg/ha) với máy sạ hàng. Nhờ vậy mà hạn chế tối đa cỏ dại, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp dễ dàng, lúa trúng mùa đạt 7-8 tấn/ha, cá biệt có hộ trên 9 tấn/ha, cao hơn so với trước đây gần 2 tấn. Khi thu hoạch được thương lái mua tại ruộng, khỏi tốn công vận chuyển về nhà”.

Đến vụ Hè Thu năm 2012, mô hình tiếp tục duy trì với gần 105ha, nông dân tham gia dự án thực hiện tốt khâu làm đất cày chiếm 77% diện tích, còn lại là xới khô. Mô hình chỉ sản xuất 2 giống chủ lực chất lượng cao là: OM4900 chiếm 60% diện tích, còn lại là giống OM 7347.


Khi thật cần thiết mới phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh.

Mặc dù không được quy hoạch xây dựng mô hình CĐML, nhưng hàng chục hộ dân ở Ấp 4, xã Phú Lộc đã tự nguyện thành lập nhóm thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với gần 100ha. Mô hình này được các kỹ sư nông nghiệp thuộc đội FF (Bạn của nhà nông) của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang nhiệt tình hướng dẫn quy trình sản xuất qua 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu đạt hiệu quả khá cao và được sự đồng thuận của nông dân.

Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Tam Bình chỉ đạo mỗi xã xây dựng ít nhất một mô hình “Cộng đồng dân cư sản xuất lúa bền vững” với diện tích mỗi mô hình từ 5ha trở lên để nhân rộng. Kết quả có trên 70 ấp thuộc 16 xã đã xây dựng được mô hình với trên 4.600ha. Đặc biệt, huyện cũng chọn xã Hậu Lộc xây dựng thí điểm mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tiến đến xây dựng thương hiệu lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, CĐML còn hướng đến xây dựng một vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung có chất lượng tốt và thông qua liên kết 4 nhà để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Mô hình CĐML đang triển khai đáp ứng xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng Nông thôn mới. Từ mô hình CĐML đạt hiệu quả, trong những năm tiếp theo, huyện Tam Bình xây dựng lộ trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Huyện Tam Bình đã đề nghị tỉnh hỗ trợ nông dân mua 10 máy phun thuốc, 2 máy cày, 1 thiết bị làm sạch hạt giống (gần 780 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 163 triệu đồng). Ngoài ra, phòng đã kết hợp với địa phương xây dựng 6 điểm thu gom rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chuẩn bị xây lò thiêu hủy, tổ chức ra quân vệ sinh đồng ruộng, khai thông dòng chảy ở các kinh nội đồng.

Bài, ảnh: SÁU DÀNH (Tam Bình)

 



 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh