Chỉ cần thỏa thuận giá, hẹn ngày thu hoạch là thương lái sẽ đến nhà đặt cọc và ra tận ruộng mua lúa còn đứng trên đồng. Trong vụ lúa Thu Đông, khi thu hoạch thường gặp thời tiết bất lợi thì hình thức thu mua mới này là một giải pháp nâng chất lượng hạt gạo.
Chỉ cần thỏa thuận giá, hẹn ngày thu hoạch là thương lái sẽ đến nhà đặt cọc và ra tận ruộng mua lúa còn đứng trên đồng. Trong vụ lúa Thu Đông, khi thu hoạch thường gặp thời tiết bất lợi thì hình thức thu mua mới này là một giải pháp nâng chất lượng hạt gạo.
Thương lái đến tận ruộng mua lúa của nông dân.
|
“Cò” mua lúa tươi
Ông Nguyễn Văn Kề- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Hòa (Trà Ôn) cho biết: Nếu trước đây, sau khi lúa thu hoạch xong phải đem về nhà và mất nhiều thời gian để phơi phóng (hoặc sấy), sau đó dự trữ chờ được giá để bán, thì khoảng 3 vụ lúa gần đây tình hình tiêu thụ lúa của nông dân tại địa phương có phần thuận lợi hơn, nhờ thương lái đến tận ruộng mua lúa tươi khi cây lúa còn đứng trên đồng. Cụ thể, thời điểm này trong khi lúa Thu Đông sớm đang bắt đầu thu hoạch rộ nhưng dọc các tuyến đường về xã rất ít thấy cảnh nông dân che lều, dựng bạt trữ lúa phơi như những vụ trước.
Ông Nguyễn Văn Kề cho biết: Do quen vụ nên thương lái thường “canh me” lúa ngoài đồng còn khoảng tuần lễ thu hoạch thì bắt đầu neo ghe ở các tuyến sông đợi mua lúa. Lúc này, thương lái sẽ liên hệ cùng với “cò” (dân địa phương- PV) đến từng ruộng xem lúa đứng rồi thỏa thuận giá cả, nếu hai bên đồng ý chủ ruộng sẽ thông báo thời điểm thu hoạch, khi đó thương lái sẽ cho phương tiện đến ngay tại ruộng và cân lúa tính tiền. “Cò” có nhiệm vụ đi tìm “ruộng” để mua. Nếu được, thương lái sẽ trả với giá khoảng từ 30.000- 40.000 đ/công, tùy vụ và giá lúa trên thị trường. “Tùy chất lượng, giống lúa và đường vận chuyển xa hay gần mà thương lái mua giá cả có thể tương đương hoặc rẻ hơn vài trăm đồng mỗi ký so thị trường”- ông Nguyễn Văn Kề nói.
Hôm chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Lép (ấp Tường Thịnh- xã Thới Hòa) đang cặm cụi lo sân bãi để phơi hơn 40 giạ lúa của gia đình dành lại. Còn trước đó, khoảng 5 tấn lúa thu hoạch trong vụ Thu Đông đã được ông Lép bán tươi ngay tại ruộng giá 5.500 đ/kg, lời hàng chục triệu đồng. “Bây giờ làm ruộng sướng lắm, khỏi lo bị chê lúa ướt, lúa ngã. Thu hoạch 9 công ruộng mà chỉ có mình tôi, chủ yếu tính toán cân lúa, rồi ôm tiền về nhà!”- ông Lép phấn khởi.
Xã Tân Mỹ có cách làm cũng khá bài bản. Ông Trần Quốc Danh- cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Thương lái sẽ hợp đồng luôn với chủ máy gặt. Khi chủ ruộng định ngày thu hoạch thì thương lái sẽ đưa máy gặt đến. “Nhân công thu hoạch hoàn toàn của chủ máy, chủ ruộng chỉ việc ngồi coi, đợi gặt lúa xong cân ký, tính tiền”- ông Danh nói.
Còn tại huyện Vũng Liêm, tuy thương lái không mua “lúa đứng” như các nơi khác nhưng khi người dân thu hoạch lúa, họ sẽ đến tận ruộng hỏi mua lúa ướt với giá chỉ thấp hơn giá thị trường từ 200- 300 đ/kg.
Hình thành quy trình khép kín
Theo anh Nguyễn Minh Dũng, một hàng xáo chuyên mua lúa tươi ở Tam Bình: Sau khi thu hoạch lúa, không phải ai cũng có điều kiện đem đến nhà máy sấy và không phải máy sấy nào cũng đạt yêu cầu. Trong khi đó, lúa sau 3 ngày thu hoạch nếu không được bảo quản, xử lý kịp thời hạt gạo sẽ ngả vàng, giảm chất lượng. Vì vậy, trực tiếp ra đồng mua lúa đứng, “ngắt” bớt nhiều khâu trung gian là cách để nâng cao chất lượng hạt gạo. Bên cạnh, cũng theo tính toán của anh Dũng, nếu mua lúa tươi và làm theo quy trình, sấy đúng thời gian, đủ độ thì tỷ lệ gạo thường đạt cao do đồng nhất. Còn nếu mua rải rác, ẩm độ không đồng đều phẩm chất gạo thường rất kém.
Theo ông Trần Quốc Danh, lúa Thu Đông sau khi phơi khô thường “nhót” từ 15- 20%, đó là chưa kể lúa đổ ngã, phơi không “đặng nắng” gây kém phẩm chất hạt gạo, thương lái chê. Vì vậy “tuy bán lúa tươi tại ruộng giá thấp hơn lúa khô từ 300- 400 đ/kg nhưng nông dân vẫn vui vì tính ra vẫn không thiệt!”.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), do yếu kém trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch nên hàng năm ở ĐBSCL lượng lúa bị thất thoát là hơn 3 triệu tấn, tương đương 760 triệu USD. Trong khi đó, số lượng và năng lực các lò sấy hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Vì vậy, thu mua lúa tươi, “ngắt” bớt khâu trung gian mà nhiều nơi áp dụng hiện nay được xem là cách làm mới, bước đầu tạo được quy trình khép kín trong việc tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 8.000ha lúa Thu Đông, năng suất bình quân tại huyện Bình Tân là 6,2 tấn/ha, huyện Trà Ôn 5,42 tấn/ha. Hiện còn hơn 31.180ha đòng trổ , 20.110ha trổ chín và hơn 2.380ha đẻ nhánh.
|
Bài, ảnh: N.HOÀNG- N.THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin