“Đeo” cá điêu hồng, vẫn... sống được

01:09, 05/09/2012

Nuôi cá điêu hồng trong lồng bè phù hợp cho các hộ đầu tư vốn nhỏ và thị trường tiêu thụ trong nước khá ổn định. Cái khó hiện nay chính là giá cả và chất lượng thức ăn làm cho nhiều hộ yếu vốn, thiếu kinh nghiệm phải nhiều phen điêu đứng.

Nuôi cá điêu hồng trong lồng bè phù hợp cho các hộ đầu tư vốn nhỏ và thị trường tiêu thụ trong nước khá ổn định. Cái khó hiện nay chính là giá cả và chất lượng thức ăn làm cho nhiều hộ yếu vốn, thiếu kinh nghiệm phải nhiều phen điêu đứng.

Bất an vì… giá thức ăn

Dạo quanh các xã cù lao của huyện Long Hồ thời gian này sẽ thấy không khí mua bán ở những bè cá khá yên ắng. Những hộ nuôi nhỏ lẻ, ít vốn không cầm cự được với sự dao động của thị trường đành “treo bè” hoặc chấp nhận bán với giá thấp để bù lỗ, còn những hộ có quy mô lớn hơn thì cố gắng cầm cự. Nguyên nhân do giá thức ăn trong thời gian qua có chiều hướng tăng, trong khi giá thành cá thương phẩm vẫn ở mức “huề vốn”.

Dù có khó, nhưng chủ bè này vẫn “đập vốn” tăng lượng con giống nuôi lên gấp đôi.

Sau khi “vượt ải” tin đồn nhiễm chất cấm- Trifluralin và “ăn cá bị bệnh”, thời gian qua giá cá điêu hồng đã có chiều hướng tăng và hiện bình ổn ở mức từ 25.000- 26.000 đ/kg. Nhưng theo một số hộ nuôi cá, trong tuần qua, giá thức ăn đã tăng khoảng 400 đ/kg, khiến họ không yên tâm. Anh Vui nuôi cá điêu hồng và cũng là thương lái thu mua cá nhiều năm nay tại xã An Bình (Long Hồ) cho biết: Trung bình thì chi phí con giống, thức ăn và thuốc cho mỗi ký cá điêu hồng đã khoảng 23.500đ, ngoài ra còn có các chi phí khác như nhân công, vận chuyển… nên với giá bán khoảng 25.000- 26.000 đ/kg như hiện nay, người nuôi rất khó có lời.

Vừa bán xong hơn 1,5 tấn cá với giá 25.000 đ/kg, được hơn 40 triệu đồng, ông Ba Sơn cũng không được vui. Ông cho biết: còn phải trả nào tiền con giống, tiền thuốc, thức ăn… rồi phải tu sửa lại bè, nhiều khoản chi nhưng thu nhập bấp bênh như thế này muốn đầu tư nuôi tiếp cũng rất khó khăn. “Tiền đang cầm trong tay đó chứ vài ngày là hết sạch, nhiều khi phải đi vay tiếp mới có vốn đầu tư cho vụ sau, giá thức ăn tăng cao quá, nông dân khó kham nổi”- ông Ba Sơn lo lắng.

Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Vui cho biết: Thường thì hàng năm cứ vào thời điểm này đến Tết Nguyên đán sẽ có nhiều hộ “treo bè”. Do đây là lúc lũ về nên nếu ai không có kinh nghiệm cùng với nguồn vốn mạnh sẽ không dám mạo hiểm nuôi lại. Lượng cá giảm có thể giá thành sẽ tăng lên, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay nhiều hộ sẽ rất khó có thể đầu tư tiếp vụ sau, nhất là những hộ nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Do đó, ai có kinh nghiệm, có vốn khá có thể thắng lớn trong thời điểm này.

Nhưng “đeo” điêu hồng vẫn… sống được

Một ngày theo ghe anh Vui đi cân cá giáp bên cù lao An Bình, qua đến chợ Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang), ghe vừa cặp bến là nghe chủ cá “than như bộng”, mà hình như ai cũng đang “đập vốn” mở rộng quy mô lên gấp đôi, gấp ba. Bên cạnh các lồng bè của ông Ba Sơn, có khoảng 5 chủ bè khác mới vừa thả xuống mấy chục ký cá giống. Ông Ba Sơn cho biết: “Nước đổ mạnh sẽ có một số hộ ở những nơi thiếu an toàn treo lồng. Ngược lại, đây là mùa thuận để thả cá, do nước chảy mạnh nên mật độ cá có thể thả gấp đôi, cá rất khỏe. Ai cũng hy vọng vào mùa cá tháng 10 tới nên đầu tư mạnh đón đầu”. Đã có những lúc, giá điêu hồng lên trên 30.000 đ/kg thì người nuôi sẽ rủng rỉnh túi đầu tư tiếp cho những lứa sau. Dù sao, nuôi cá điêu hồng phù hợp cho những người ít vốn, chỉ cần từ vài chục triệu đến vài trăm triệu là có thể ra lồng được rồi. Mà độ rủi ro cũng thấp.

Anh Vui khá giàu lên nhờ cá điêu hồng. Trong ảnh: Nhân công cân cá cho bạn hàng.


Cũng “đeo” theo cá điêu hồng, nhưng làm theo cách của anh Vui thì có thể vươn lên khá giàu được. Bởi anh vừa nuôi cá, vừa đi thu mua cá ở cù lao rồi bỏ mối lại cho bạn hàng ở bến cá Vĩnh Long. Từ chỗ làm ăn thất bại, nợ nần tứ giăng, giờ đây anh Vui đã là một ông chủ trẻ với 2 ghe đi thu mua xoay vòng, quanh năm chỉ nghỉ được đêm 30 tết và mấy ngày rằm lớn. Cũng theo anh Vui, những người nuôi cá, mua bán cá hướng tới thị trường nội địa như anh hiện sống khá ổn định. Mặc dù không có những đợt cá thắng đậm bất ngờ như nuôi cá xuất khẩu, nhưng giá cả, đầu ra rất ổn định, không phải lo nợ tiền, chiếm dụng vốn.

Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 13 giờ là đi thu gom cá ở các lồng bè. Đến khoảng 19 giờ ghe có mặt tại bến cá cân cho bạn hàng. Anh Vui cho biết: “Khi ghe cặp bến thì chủ ghe không phải lo gì cả. Tất cả công việc vớt cá, gánh cá thì có anh em trong công đoàn lo. Còn việc cân cá, tính tiền… tất cả từ A đến Z thì đều có đại lý lo, họ tự làm việc, tính tiền với bạn hàng. Chủ ghe cứ việc… ngồi chơi hay nằm ngủ, cứ yên tâm, sáng ra là đại lý chồng đủ tiền cái cụp, không mất một xu”. Tất cả lượng cá tại bến cá này hay tại chợ cá đều phải thông qua đại lý hoặc các chủ vựa, cứ mỗi ký cá hưởng 700đ, bất kể giá cả lên xuống. Tuy nhiên, các chủ ghe cá rất hài lòng, vì nhờ có các đại lý họ không phải lo bị cân thiếu, không lo khâu đầu ra, còn tiền thì nhận rất sòng phẳng. Sau khi lên hàng khoảng 2/3 lượng cá, anh Vui chạy ghe về chợ cá Vĩnh Long, tiếp tục cân lẻ cho các bạn hàng tại chợ, người vài chục ký. Ở đây vì số lượng ít nên có sẵn một đội ngũ xe gắn máy “chuyên dụng” để vận chuyển cá. Lúc này cũng đã khoảng gần 12 giờ khuya rồi. Cuộc mua bán lai rai như vậy diễn ra cho đến sáng.

Theo anh Vui, dù có khó khăn nhưng chịu “đeo” theo con cá điêu hồng là sống được. Bởi không như cá tra lúc “lên voi” khi “xuống chó”, con cá điêu hồng lên xuống trong biên độ hẹp, nên dù không lời nhiều, nhưng nếu thị trường có xuống thì lỗ không bao nhiêu. Vấn đề ở chỗ giá cả thức ăn thôi, họ nhóng lên hoài thì khó cho người dân, mà chất lượng bên trong thì không biết có bị “rút ruột” không, chớ thấy trước đây 1kg cá tốn 1,5kg thức ăn, giờ đã tăng lên 1,7kg- 1,8kg rồi. Kiểm soát được giá và chất lượng thức ăn thì nghề nuôi cá điêu hồng sống được.

Bài, ảnh: Q.THUẦN- NG.THỊNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh