Tháng 4/2012 vừa qua, thông tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm- Trifluralin đã khiến giá cá rớt thảm. Giờ đây, một lần nữa, người nuôi cá điêu hồng lại điêu đứng do tin đồn “ăn cá bị bệnh”. Mặc dù ngành chức năng đã khẳng định tin đồn thiếu cơ sở, nhưng người tiêu dùng vẫn hoang mang, gây thiệt hại cho người nuôi và cả ngành thủy sản.
Tháng 4/2012 vừa qua, thông tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm- Trifluralin đã khiến giá cá rớt thảm. Giờ đây, một lần nữa, người nuôi cá điêu hồng lại điêu đứng do tin đồn “ăn cá bị bệnh”. Mặc dù ngành chức năng đã khẳng định tin đồn thiếu cơ sở, nhưng người tiêu dùng vẫn hoang mang, gây thiệt hại cho người nuôi và cả ngành thủy sản.
Làng bè nuôi cá ven sông Tiền khá yên ắng.
Chúng tôi trở lại các xã cù lao huyện Long Hồ- nơi có hàng trăm hộ nuôi cá điêu hồng ven sông. Quang cảnh khá buồn tẻ, không còn cảnh mua bán cá nhộn nhịp như trước đây. Thỉnh thoảng xuất hiện vài chủ bè rải thức ăn cho cá. Nghe nói có nhà báo, nhiều hộ tỏ ra khá dè dặt khi cung cấp thông tin. Men theo bờ đê ngoằn ngoèo gần cây số, chúng tôi gặp một người tên Thúy, ở xã An Bình đồng ý cung cấp thông tin nhưng nhất định “không cho chụp hình, quay phim à nghe!” Chị Thúy cho biết, giá cá hiện chỉ còn 25.000 đ/kg, giảm khoảng 3.000 đ/kg so tháng trước.
Chị Thúy hiện có hàng chục bè cá đến thời điểm thu hoạch nhưng cả tuần nay không tìm được người mua. Thương lái cho biết thị trường cá điêu hồng hiện rất ế ẩm sau khi có thông tin “ăn cá bị bệnh” và thị trường TP Hồ Chí Minh “lơi” ăn cá điêu hồng. Hiện mỗi ngày, chục bè cá của chị Thúy “ngốn” gần tấn thức ăn, chi phí gần 10 triệu đồng.
Tại xã Đồng Phú, ông Nguyễn Văn Tấn (Ba Tấn- ấp Phú Mỹ) cho biết: Chưa tới thời điểm thu hoạch nhưng do cầm cự không nổi giá thức ăn tăng cao trong khi giá cả giảm mạnh nên đã bán cá trên 2 bè, hơn 2 tấn cá với giá chỉ 20.000 đ/kg. Trừ chi phí con giống, thuốc, thức ăn khoảng 600 triệu đồng thì lỗ gần 200 triệu đồng. “Trước đây, giá cá điêu hồng dao động từ 30.000- 32.000 đ/kg, nông dân có lời nên ai cũng ham, cố gắng đầu tư mở rộng lồng bè. Nay giá giảm mạnh, nông dân ai cũng chán nản.”- ông Ba Tấn than thở.
Gần nhà ông Ba Tấn, cả tháng nay gia đình ông Phan Văn Nhách “ôm” khoảng 2 tấn cá trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì không biết nên bán hay “giam” cá lại. “Thương lái trả 20.000 đ/kg, nếu bán sẽ lỗ cả trăm triệu đồng, còn không bán phải đổ tiền mua thức ăn. Mai mốt giá tăng còn đỡ chứ giảm nữa chắc chết”- ông Nhách lo ngại.
Giá cá rẻ, nhiều hộ sau khi bán đã treo bè không nuôi nữa, những hộ khác thì chuyển sang nuôi cá khác. Vì giá cá giảm mạnh nhưng thức ăn vẫn giữ ở mức giá cao, hiện từ 12.000- 13.000 đ/kg. Trung bình để nuôi cá được 1kg thì phải tốn 2kg thức ăn. Với giá cả hiện nay, người nuôi bị lỗ tiền công, thú y, con giống khoảng 4.000 đ/kg.
Cần “giải oan” cho cá điêu hồng
Thông tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm- Trifluralin vào tháng 4 vừa qua đã được “hóa giải” khi cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành ĐBSCL vào cuộc kiểm tra và chưa phát hiện mẫu cá nào bị nhiễm. Nhưng giờ đây, tin đồn ăn cá điêu hồng bị bệnh, khiến giá cá rớt thảm, gây hoang mang cho người tiêu dùng, thiệt hại cho người chăn nuôi và cả ngành thủy sản. Theo nhận định của Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, nuôi cá bè 6 tháng qua gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng từ thông tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm.
Tin đồn “ăn cá bị bệnh” khiến người nuôi cá điêu hồng điêu đứng.
Liên quan thông tin “ăn cá bị bệnh”, ông Ba Tấn đặt vấn đề: “Không biết có phải là chiêu ép giá của vài thương lái làm ăn không chân chính nhằm ép giá người nuôi hay không?” Ông Phan Văn Nhách thì khẳng định: “Người nuôi cá bây giờ ai cũng ý thức nên sử dụng thức ăn, loại thuốc nào. Hơn nữa, ngành thủy sản lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên, nếu cơ sở nuôi nào xài chất kháng sinh gì thì biết liền. Tôi nuôi cả chục năm nay, thị trường tiêu thụ càng ngày càng khó, nếu xài chất bậy bạ chẳng khác nào mình tự giết mình”.
Ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long dự báo, sau mỗi tin đồn thất thiệt, có hàng trăm hộ lâm vào cảnh khó khăn. Ở Vĩnh Long có không ít trường hợp “treo bè” vì càng làm càng lún nợ nần. Cho nên: “Đây là vấn đề rất cần có thanh tra, điều tra. Các địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa việc kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thủy sản phục vụ thị trường nội địa, ngang tầm với lĩnh vực xuất khẩu trong thời gian tới”.
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng cũng khẳng định, đây là tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi thủy sản và ngành chức năng sẽ có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn. Thạc sĩ Thu Hồng cho biết: Ngay sau khi có thông tin, Chi cục Thủy sản đã tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên ở các bè cá điêu hồng trong tỉnh để xét nghiệm. Kết quả là không hề phát hiện chất cấm trong thịt cá. “Thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu test nhanh tại chỗ. Nếu phát hiện hàng thủy sản có chứa chất cấm, chúng tôi sẽ giữ lại, lập biên bản không cho xuất đi nơi khác”.
Hiện Vĩnh Long có 752 lồng bè của 166 cơ sở nuôi. Trong đó, 562 bè nuôi cá điêu hồng.
Bài, ảnh: N.HOÀNG- N.THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin