Bao tiêu nông sản-“2 nhà” đều lợi

07:08, 21/08/2012

Nông sản “thừa hàng dội chợ” đã trở thành nỗi lo thường trực của nông dân ĐBSCL nhiều năm qua. Vì vậy, đẩy mạnh phương thức tiêu thụ nông sản qua hợp đồng nhằm đảm bảo đầu ra được coi là giải pháp hữu hiệu hiện nay.

Nông sản “thừa hàng dội chợ” đã trở thành nỗi lo thường trực của nông dân ĐBSCL nhiều năm qua. Vì vậy, đẩy mạnh phương thức tiêu thụ nông sản qua hợp đồng nhằm đảm bảo đầu ra được coi là giải pháp hữu hiệu hiện nay.


Bao tiêu giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định còn nông dân bán nông sản dễ dàng. Ảnh minh họa.

Ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) sản xuất theo hợp đồng đang tiến triển khả quan. Năm 2006 là trái đậu bắp xanh và mới đây là lúa giống được bao tiêu toàn bộ.

Hết sợ ế!

Hơn tháng qua, ông Trần Minh Sĩ (ấp Lung Đồng, xã Phú Lộc-Tam Bình) ngày 2 lượt sáng chiều chăm chỉ ra đồng, hết làm cỏ bờ đến khử lúa lẫn. Bởi vụ Thu Đông này, ông Sĩ cùng 17 hộ nông dân khác thuộc Tổ hợp tác sản xuất số 2 được Công ty TNHH Nông Tiến (Long Hồ) ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa giống. Theo hợp đồng, ban đầu công ty sẽ cung ứng giống nguyên chủng và một số thiết bị canh tác. Trong quá trình sản xuất, đơn vị bao tiêu sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân và khử lẫn đạt tiêu chuẩn. Sau khi thu hoạch, lúa giống OM5451 được bao tiêu giá 6.500 đ/kg, lúa OM4900 được bao tiêu giá 7.000 đ/kg. “Làm lúa kiểu này hết sợ ế rồi, tuy cực là phải thường xuyên khử lẫn lúa nhưng được cái là thu hoạch xong công ty đưa xe xuống mua hết”- ông Trần Minh Sĩ phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Đen- Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất ấp Lung Đồng cho biết: “Trước đây bà con ai cũng làm lúa theo kinh nghiệm nhưng khi làm theo hợp đồng thì phải thay đổi thói quen canh tác, từ khâu làm đất đến gieo sạ đều đúng quy trình và thời gian. Phân bón và thuốc trừ sâu cũng phải sử dụng theo khuyến cáo, đúng liều lượng chứ không tùy tiện như trước”. Vụ Thu Đông này, ông Nguyễn Văn Đen ký hợp đồng 20 công. Hiện lúa trên 40 ngày tuổi, phát triển tốt.

Ông Nguyễn Việt Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc cho biết: Toàn xã có 13ha lúa giống được bao tiêu, với 2 giống OM4900 và OM5451. “Đây là cách làm ăn mới, được nhiều nông dân tham gia. Với thực tế nhiều năm, sau thu hoạch lúa bán trầy trật thì đây là mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ”- ông khẳng định.

Còn tại xã Hòa Lộc, hơn 5 năm qua cây đậu bắp xanh trồng luân canh với lúa luôn mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Trọng Thảo- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lộc cho biết: Sản phẩm làm ra được Công ty TNHH Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu toàn bộ. Ban đầu, công ty sẽ cung ứng hạt giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng. Sau thu hoạch, nếu trái đậu bắp đạt kích cỡ từ 6- 9cm sẽ được thu mua với giá 7.000 đ/kg, ngoài cỡ mua 4.900 đ/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 1.000đ. “Công ty còn treo “thưởng” thêm mỗi công là 300.000đ nếu sau thu hoạch trên 60% trái đạt yêu cầu”- ông Nguyễn Trọng Thảo cho biết thêm.

Hiện toàn xã Hòa Lộc có trên 6ha trồng đậu bắp được bao tiêu. Với năng suất 10- 15 tấn/ha, người trồng có thể lời 6- 8 triệu đồng.


Ông Trần Minh Sĩ chỉ cánh đồng sản xuất lúa giống được bao tiêu.

Từ từ nhân rộng

Với giá lúa thị trường hiện khoảng 5.000 đ/kg, nông dân Nguyễn Văn Hơn (ấp Lung Đồng) tính toán: “Sản xuất lúa giống theo hợp đồng bao tiêu giá sẽ cao hơn 2.000 đ/kg, bình quân 5 tấn/ha, thu nhập cao hơn bán thị trường gần chục triệu đồng”.

Ông Võ Đức Thuấn- Giám đốc Công ty TNHH Nông Tiến khẳng định, sẽ mở rộng diện tích bao tiêu lúa giống lên khoảng 100ha tại 2 huyện Tam Bình và Long Hồ trong những vụ tới. Đồng thời mở rộng cung ứng thêm phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân và đảm bảo thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường từ 500- 1.000 đ/kg.

Còn theo nhận định ông Nguyễn Trọng Thảo, bao tiêu nông sản là cần thiết hiện nay. Từ hiệu quả nhiều vụ trên cây đậu bắp, ông Thảo cho biết địa phương đang vận động người dân mở rộng diện tích luân canh, đồng thời sẽ tiếp tục liên hệ mở rộng thị trường tiêu thụ.

Qua tìm hiểu, hiện trong tỉnh có 4- 5 doanh nghiệp thu mua hàng chục tấn đậu bắp xanh mỗi ngày, trong khi với diện tích gieo trồng chỉ 100ha/năm, cung ứng chỉ vài tấn mỗi ngày thì vẫn chưa đáp ứng nguồn nguyên liệu mà các doanh nghiệp cần.

Ông Nguyễn Văn Thả- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Tam Bình cho biết: Hướng tới, sẽ quy hoạch vùng trồng phù hợp, nâng cao chất lượng nhiều loại nông sản và tìm hợp đồng bao tiêu cho nhiều loại nông sản khác giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh