Sâu đục trái- mối nguy cho vườn bưởi

06:07, 24/07/2012

Sâu đục trái bưởi đã xuất hiện rải rác tại các tỉnh ĐBSCL như: Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang gây thiệt hại khá lớn cho nhà vườn. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ở huyện Bình Minh và Trà Ôn đã có khoảng 55ha bưởi bị sâu đục trái gây hại. Do chưa có thuốc đặc trị nên ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn không nên

Sâu đục trái bưởi đã xuất hiện rải rác tại các tỉnh ĐBSCL như: Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang gây thiệt hại khá lớn cho nhà vườn. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ở huyện Bình Minh và Trà Ôn đã có khoảng 55ha bưởi bị sâu đục trái gây hại. Do chưa có thuốc đặc trị nên ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn không nên lơ là và phải chủ động đối phó.

Sâu bệnh nguy hiểm

Khoảng hơn một tháng nay, nhiều nhà vườn tại xã Mỹ Hòa (Bình Minh) đứng ngồi không yên vì vườn bưởi bị một loại sâu đục trái lạ xuất hiện và gây hại. Theo nhà vườn, loại sâu này có hình dạng giống như sâu gạo hay sâu mít. Ban đầu chúng chỉ đục một lỗ nhỏ ở phần vỏ nên nếu không quan sát kỹ thì rất khó phát hiện, sau đó ăn dần vào bên trong, lúc này trái bưởi bị xì mủ và rụng. Khi phát hiện mỗi trái bưởi thường có khoảng 4- 5 con sâu, nếu bị nặng có thể có khoảng 9- 10 con.

Thường xuyên tỉa cành tạo tán, hạn chế lây lan

Chú Lê Ngọc Em- ấp Mỹ Phước 1 (Mỹ Hòa) nhìn cả đống bưởi vừa mới chôn xuống hố tiếc rẻ: “Nghe nói có loại sâu đục trái nhưng đâu có ngờ nó lại lây lan nhanh như vậy. Tháng trước, ra thăm vườn bưởi thấy có mấy trái bưởi bị xì mủ, xem kỹ lại nguyên vườn thì bị sâu cũng bộn rồi”. Cũng theo chú Em, những trái bưởi bị sâu đục đều hư hoàn toàn, “nhiễm mấy loại sâu bệnh khác trái bưởi chỉ bị hư một phần, bán với giá thấp hơn còn gỡ gạc được phần nào chứ bị sâu đục trái này rồi chỉ có nước bỏ thôi”.

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, loài sâu này xuất hiện do một loài bướm đẻ trứng trên trái bưởi, đặc tính của bướm là di chuyển xa và vòng đời rất ngắn (con nhộng sau 1 tuần đến 10 ngày sẽ thành bướm và tiếp tục đẻ trứng) nên tỷ lệ lây lan rất nhanh.

Ông Nguyễn Văn Bảy- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa cho biết: Do xã Mỹ Hòa có diện tích chuyên canh bưởi lớn, những vườn bưởi đa số liền kề nhau nên khả năng lây lan là rất lớn. Ngoài ra, những trái bưởi bị sâu không có nơi chôn lấp hợp lý, nhà vườn hái bỏ xuống mương, vô tình tạo điều kiện cho sâu làm nhộng dưới đất, trái bưởi xuống nước sẽ không chìm, do đó không những không diệt được mà còn tạo điều kiện cho sâu sinh sôi và lây lan trên diện rộng.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long cho biết: Hiện hầu hết các huyện đều đã xuất hiện rải rác loại sâu đục trái này; chỉ tính 2 huyện Bình Minh và Trà Ôn đã có trên 55ha bưởi nhiễm sâu đục trái. Riêng tại huyện Bình Minh thì tỷ lệ bị nhiễm bệnh từ 5- 30%.

Nhà vườn phải chủ động

Do danh mục thuốc đặc trị loại sâu này chưa có nên ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn nên sử dụng những loại thuốc trừ sâu nhóm Cúc tổng hợp, có thể kết hợp với dầu khoáng để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu.

Bưởi bị sâu thì xì mủ và hư hoàn toàn, cần có hố chôn lấp hợp lý để cắt đứt vòng đời của sâu.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết cho rằng, nhà vườn cần chủ động đối phó với loại dịch hại này, thường xuyên thăm vườn nếu phát hiện sâu đục trái thì sớm có biện pháp phòng trị. Việc vệ sinh vườn cũng hết sức quan trọng, nên cắt tỉa cành, cắt bỏ và tiêu hủy trái bưởi sâu, không được quăng xuống mương vì như thế sẽ tạo điều kiện cho sâu tiếp tục vòng đời và gây hại.

Về lâu dài thì trong phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, thiên địch có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với loại cây có múi. Bà Nguyễn Ngọc Tuyết khuyến cáo nhà vườn nên bảo vệ và nuôi kiến vàng trong vườn bưởi. Ngoài ra, không nên bón phân thừa đạm, nên bao trái lúc trái còn nhỏ và thường xuyên kiểm tra.

“Tuy loại sâu đục trái này không nguy hiểm như ruồi đục trái, nhưng không vì thế mà bà con nông dân lơ là vì vòng đời loại sâu đục trái này rất ngắn, việc tiêu hủy những trái bị sâu cũng phải đồng loạt, cắt đứt vòng đời của sâu không cho chúng có điều kiện sinh sôi và lây lan trên diện rộng”- bà Nguyễn Ngọc Tuyết nhấn mạnh.

Loài sâu đục trái này có tên khoa học là Cipestis sagittiferella moore. Về đặc tính sinh học, đây là con bướm thuộc nhóm ngài (bướm nhỏ), đẻ trứng trên vỏ trái, trứng có màu trắng, kết dính và nằm sát với nhau, sau 5- 6 ngày sẽ nở thành sâu non, lúc đó sâu sẽ gây hại cho bưởi. Loại sâu này khi thành nhộng thì tự búng ra ngoài rơi vào trong đất, ẩn mình trong rác, rơm, cỏ khô,… kết lại thành kén, khoảng 1 tuần đến 10 ngày kén nhộng sẽ vỡ ra thành bướm và tiếp tục đẻ trứng.


Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh