Có thể nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp

01:07, 03/07/2012

Để khắc phục nguồn thức ăn tươi sống cho cá lóc nuôi thiếu ổn định tại một số vùng, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận đã thử nghiệm thành công việc nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp tại hộ ông Châu Minh Tâm (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong) trên diện tích ao nuôi rộng 500m2. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt trung bình 420 g/con, tỷ lệ sống đạt 60%, cá thích nghi với

Để khắc phục nguồn thức ăn tươi sống cho cá lóc nuôi thiếu ổn định tại một số vùng, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận đã thử nghiệm thành công việc nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp tại hộ ông Châu Minh Tâm (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong) trên diện tích ao nuôi rộng 500m2. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt trung bình 420 g/con, tỷ lệ sống đạt 60%, cá thích nghi với thức ăn công nghiệp và phát triển tốt.

Từ thử nghiệm này cho thấy, ao nuôi nên có diện tích vừa phải để dễ quản lý và chăm sóc; nên khử phèn, làm vệ sinh ao và tạo màu nước tốt trước khi thả con giống 2– 3 ngày; mực nước ao nuôi từ 0,6– 0,8m (trên thực tế, các hộ nuôi cá ở ĐBSCL mực nước có thể cao hơn). Tùy theo nguồn nước và khả năng chăm sóc của người nuôi mà quyết định mật độ thả cá giống (thông thường 20- 30 con/m2, ao có nguồn nước không thuận lợi chỉ nên ở mức khoảng 10 con/m2). Con giống nên mua ở các cơ sở nhân giống có uy tín, cá có kích cỡ đồng đều và khỏe mạnh. Tắm cá giống trước khi thả xuống ao nuôi.

Việc cho cá ăn thức ăn công nghiệp có 2 trường hợp: cho cá ăn loại thức ăn này từ nhỏ và cho cá ăn bằng thức ăn là cá tạp, ốc… một thời gian thì quay sang cho ăn thức ăn công nghiệp.

- Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp từ nhỏ: Đầu tiên là giai đoạn tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp, lượng thức ăn lúc này bằng 10% trọng lượng tổng đàn, gồm 70% cá tạp xay nhuyễn cộng với 30% cám công nghiệp (nếu là thức ăn viên thì ngâm nước cho mềm trước khi trộn với cá xay nhuyễn). Cho hỗn hợp thức ăn đã trộn vào sàng cho cá ăn. Sau đó, mỗi ngày lượng thức ăn này tăng thêm 10% cám công nghiệp (giảm 10% lượng cá xay) cho đến khi tỷ lệ này đạt 50– 50% thì chuyển sang giai đoạn tập cho cá quen thức ăn công nghiệp dạng viên. Ở giai đoạn thứ 2 này, mỗi ngày trộn thêm 5% thức ăn dạng viên vào hỗn hợp 50– 50% nói trên (nên ngâm viên thức ăn cho mềm rồi trộn chung). Ban đầu, cá có thể nhả viên thức ăn ra, nếu thế thì tiếp tục cho cá ăn thêm 2– 3 ngày như vậy cho đến khi cá không còn nhả các viên thức ăn. Những ngày sau đó tiếp tục cho tăng 10% lượng thức ăn viên (có ngâm nước cho mềm) trong khẩu phần cho đến khi không còn ngâm nước lượng thức ăn viên là lúc cá đã quen ăn thức ăn viên. Lúc đó thường là cá đã nuôi được 1 tháng, khẩu phần ăn của cá dao động ở 3– 7% trọng lượng thân tùy theo giai đoạn phát triển của cá. Do chất lượng cám có khác nhau, khi cho cá ăn nên theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lúc này, thức ăn viên được đưa thẳng xuống ao khi cho cá ăn, không còn để thức ăn trên sàng.

- Trường hợp nửa chừng buộc phải cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp (cá nuôi được khoảng 1 tháng): Bỏ đói cá 1 ngày, sau đó tiếp tục cho cá ăn hỗn hợp 70% cá xay nhuyễn trộn với 30% cám viên công nghiệp. Sau đó tiến hành như trong giai đoạn 2 tập cho cá quen ăn thức ăn công nghiệp nói trên.

Chú ý: quá trình nuôi nên theo dõi gia giảm thức ăn để không gây ô nhiễm nguồn nước và không nên cho cá ăn quá nhiều, vì như thế cá có thể bị trương bụng chết. Khi cho cá ăn nên cho thức ăn xuống ao chầm chậm và gây tiếng động để cá chú ý tập trung lại ăn hết thức ăn. Nếu nguồn nước thuận lợi nên thay nước hàng ngày để kích thích cá phát triển. Nếu không thuận lợi thì 2– 3 tuần thay nước một lần và định kỳ 7– 15 ngày bổ sung chế phẩm sinh học giúp phân hủy chất thải.

Việc nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp cũng đã được một số hộ nuôi cá ở ĐBSCL thực hiện thành công, cách nuôi cũng tương tự như trên, nhưng mật độ thả cá giống có khác nhau do điều kiện của từng vùng. Nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp có lợi là không mất nhiều công sức chạy lo thức ăn tươi sống cho cá nên giảm được chi phí nhân công mà nguồn thức ăn lại ổn định. Bên cạnh cũng giảm được chi phí thuốc bổ dưỡng, thuốc nâng cao sức đề kháng, thuốc tiêu hóa cho cá. Việc nuôi ít gây ô nhiễm môi trường đồng thời cá tránh được các bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm.

TRUNG TÍN- TP Vĩnh Long (Tổng hợp theo TT Khuyến ngư Quốc gia)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh