Đổ xô mướn đất trồng cam

06:07, 10/07/2012

Giá cam sành (CS) khá hấp dẫn, ổn định mức từ 28.000- 35.000 đ/kg nên những năm gần đây, nhiều nông dân hăm hở đi “săn” xem ai có đất cho mướn để trồng cam. Xã Thuận Thới và Vĩnh Xuân (Trà Ôn) là 2 địa phương đang nổi lên khá mạnh phong trào này.


Cảnh giác với việc trồng ồ ạt, vì dễ xảy ra cảnh dội chợ.

Giá cam sành (CS) khá hấp dẫn, ổn định mức từ 28.000- 35.000 đ/kg nên những năm gần đây, nhiều nông dân hăm hở đi “săn” xem ai có đất cho mướn để trồng cam. Xã Thuận Thới và Vĩnh Xuân (Trà Ôn) là 2 địa phương đang nổi lên khá mạnh phong trào này.

Mời tiến sĩ, chỉ trồng cam

Mùa này về các xã Thuận Thới và Vĩnh Xuân có một điều rất dễ nhận ra rất nhiều ruộng lúa đã được thay thế bằng vườn CS. Men theo các con đường bê tông vào sâu trong các ấp, hai bên đường cũng là cam và cam. Nhiều vườn cam trái sai oằn, đã cho huê lợi; nhiều vườn cam đang phát triển xanh tốt và cũng không ít ruộng lúa đang được người dân tiếp tục lên liếp trồng cam.

Anh Biện Công Dũng (ấp La Ghì- Vĩnh Xuân) có 3 công đất nhà trồng CS. Sau hơn 1 năm, vườn cam đã cho thu hoạch, trừ các chi phí anh thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tinh thần phấn khởi cùng với chút kinh nghiệm, anh Dũng tiếp tục thuê thêm 8,5 công đất ruộng, mở rộng diện tích trồng CS. Anh Dũng tính toán, tiền thuê là 3,5 triệu đồng/công/năm, cộng với chi phí thuê nhân công đào đất, mua cây giống... mỗi công anh phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng. Sau hơn một năm chăm sóc, CS có thể cho trái chiếng, năng suất khoảng 4 tấn trái/công, giá bán từ 28.000- 30.000 đ/kg, trừ chi phí anh có thể còn lãi trên 40 triệu đồng, các vụ tiếp theo xem như lời trọn. Hôm chúng tôi đến, cả chục nhân công do anh Dũng thuê đang hì hục lên liếp để chuẩn bị xuống cam. “Nếu cam trúng mùa và được giá, một vụ CS là tui lời hơn 10 năm làm lúa. Hơn nữa khi cam còn nhỏ còn có thể xen canh một số cây màu khác, lấy ngắn nuôi dài tính ra vẫn lời hơn trồng lúa”- anh Dũng tính chắc nịch.

Vào xã Thuận Thới không chỉ có cam mà chúng tôi còn bị mê hoặc bởi nhiều căn nhà khang trang. Ông Chín Kết (ấp Cống Đá) “bấm tay” liệt kê hoàng loạt “đại gia” tại địa phương phất lên nhờ CS. Còn bản thân ông Chín Kết, sau nhiều năm mướn đất trồng, dành dụm chút đỉnh tiền nay đã mua thêm được 4 công đất trồng cam, thu lãi khoảng 400 triệu đồng/vụ. Ông Kết so sánh: “Bây giờ chỉ vài công cam là có dư trong tay hàng trăm triệu đồng, còn làm ruộng nhiều khi cả đời chưa dư được như vậy”.

Ông Tô Văn Thanh- Chủ tịch UBND xã Thuận Thới cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 65ha trồng chuyên canh CS; trong đó, đã có khoảng 10ha đã được nhiều nông dân mướn đất trồng, tập trung nhiều ở các ấp Vĩnh Thới, Giồng Gòn, Cống Đá. Hàng chục hộ trở thành tỷ phú. “Nhiều nông dân ham trồng cam đến nỗi lâu lâu bàn nhau hùn tiền lại, qua tới Trường Đại học Cần Thơ mời tiến sĩ về để hướng dẫn kỹ thuật trồng nữa đó”- ông Thanh tiết lộ.

Còn tại xã Vĩnh Xuân, tuy chưa có thống kê chính xác diện tích nhưng theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Có thì hiện cũng có hàng chục hecta đã được người dân trong và ngoài xã đến mướn đất để trồng cam. Dự báo, diện tích này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hai bên cùng có lợi

Theo kinh nghiệm của nhiều tay chuyên đi mướn đất trồng cam: Họ thường thuê đất thời gian khoảng 5 năm, thời điểm trả tiền tùy theo hợp đồng giữa hai bên. Sau hơn một năm trồng, CS cho trái chiếng, nhưng họ không cắt bỏ để dưỡng cây như trồng bình thường mà sẽ chăm sóc để bán thu hồi vốn, đến vụ thứ 2 và những vụ tiếp theo trái rộ là thời điểm… hốt bạc. Tuy nhiên, đến thời điểm trả đất mà cam vẫn còn trái thì họ sẽ tiếp tục thương lượng với chủ đất để tăng thêm thời gian mướn. Còn nếu thương lượng bất thành thì họ sẽ đốn cam bán củi và sửa đất trả lại cho chủ, xem như đúng hợp đồng và không bên nào chịu thiệt thòi.



8,5 công ruộng anh Biện Công Dũng mướn đang lên liếp chuẩn bị xuống cam.

Ông Tô Văn Thanh nhận định: Người có kỹ thuật đi mướn đất trồng thì mang lại thu nhập “khủng” từ cây cam; còn chủ hộ cho mướn đất tính ra trong 5 năm, mỗi công cũng có thu nhập gần 20 triệu đồng, khỏe hơn làm lúa. Thấy hiệu quả CS, nên một trong những nội dung mà Nghị quyết Đảng ủy, UBND xã Thuận Thới xây dựng giai đoạn 2010- 2015 trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế là, tập trung phát triển cây ăn trái, mà chủ yếu là cây CS theo tỷ lệ 40% diện tích đất nông nghiệp toàn xã, 60% còn lại trồng lúa và cây khác. Tuy nhiên, ông Thanh khẳng định: “Sẽ không chuyển dịch tràn lan mà chỉ tập trung những nơi phù hợp cây CS; đặc biệt khuyến khích chuyển đổi những ruộng, vườn kém hiệu quả”.

Ông Nguyễn Minh Thuấn- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Trà Ôn cũng lưu ý: “Tốt nhất nên chuyển đổi tùy vùng và theo hướng “cam liền cam”, vì CS và lúa là 2 cây trồng “nghịch nhau” trong tưới tiêu cũng như phòng trừ sâu hại”.

Nhiều cán bộ nông nghiệp nhận định: Đa phần những người mướn đất trồng và giàu lên nhờ CS do họ có kỹ thuật và tuân thủ trồng kiểu “đánh nhanh thắng nhanh”. Trước khi cam suy kiệt hay phát bệnh là họ đã… cuốn gói. Trong khi, nếu người có đất nhà, thấy hiệu quả mà ít kỹ thuật lại ồ ạt trồng theo kiểu phong trào là không nên.

1kg cam hơn 6kg lúa

Ông Thạch Du- một nông dân xã Thuận Thới nói: “Làm lúa bây giờ không lời lóm gì hết, tiền bán ra không đủ trả phân, thuốc. Trong khi, hiện giá lúa chưa đầy 5.000 đ/kg thì giá CS khoảng 30.000 đ/kg, tính ra 1kg cam gấp mấy lần lúa”.


Bài, ảnh: H.MINH- M.THÁI


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh