Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT có chủ trương mở rộng diện tích sản xuất vụ lúa Thu Đông ở ĐBSCL thành vụ lúa chính trong năm. Tháng 8/2011, Chính phủ đã chấp thuận cấp 93 tỷ đồng hỗ trợ 11 tỉnh trong vùng để mở rộng diện tích vụ lúa này.
Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT có chủ trương mở rộng diện tích sản xuất vụ lúa Thu Đông ở ĐBSCL thành vụ lúa chính trong năm. Tháng 8/2011, Chính phủ đã chấp thuận cấp 93 tỷ đồng hỗ trợ 11 tỉnh trong vùng để mở rộng diện tích vụ lúa này. Mặc dù cuối năm 2012, lũ lớn xảy ra, gây ngập trên diện rộng nhưng nhìn chung trà lúa vụ này vẫn đạt kết quả tốt đẹp, thể hiện tiềm năng và tính khả thi tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng lúa ở đồng bằng là rất lớn.
Thủy lợi là yếu tố hàng đầu trong sản xuất lúa.
|
Có khả năng tăng vụ, tăng năng suất lúa
Trong vụ Thu Đông năm 2011, mặc dù điều kiện sản xuất không thuận lợi, mưa kéo dài, lũ lớn làm vỡ nhiều tuyến bờ bao, đê bao đe dọa sản xuất, nhất là các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, nhưng nhờ hệ thống thủy lợi đã được đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua và Chính phủ hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các tỉnh tôn cao đê bao, bờ bao ngăn triều, chống lũ và bơm tát, nên nhìn chung toàn vụ sản xuất thắng lợi. Nông dân phấn khởi vì vừa được mùa mà giá cũng trúng đậm từ 7.000- 8.000 đ/kg, có lúc lên đến hơn 10.000 đ/kg. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2010, diện tích lúa Thu Đông toàn vùng ĐBSCL đạt 500.000ha (tăng 100.000ha so với năm 2009), đã làm tăng thêm sản lượng lúa cho vùng đến nửa triệu tấn; đến năm 2011 diện tích vụ này tăng lên 640.000ha, sản lượng thu hoạch 3,2 triệu tấn, góp phần đưa tổng sản lượng lúa cả năm 2011 của toàn vùng lên 23 triệu tấn (trong đó vụ Đông Xuân: 10,5 triệu hecta, vụ Hè Thu 8,7 triệu hecta và vụ mùa: 0,9 triệu tấn).
Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2011, từ kinh phí hỗ trợ 6 tỷ đồng của Chính phủ cùng với các nguồn vốn khác của Trung ương, địa phương, tỉnh đã tập trung đầu tư thực hiện duy tu, nâng cấp, sửa chữa, củng cố bờ bao, tổ chức bơm tát mở rộng tăng thêm gần 13.000ha lúa Thu Đông, nâng diện tích toàn vụ này trên địa bàn tỉnh lên 54.137,3ha (vượt kế hoạch 9.137ha và tăng 13.811ha, tương đương 34,2% so với vụ này năm 2010); năng suất 4,74 tấn/ha (tăng 554 kg/ha); sản lượng: 256.566 tấn (tăng 87.642 tấn so với năm 2010); góp phần đưa diện tích trồng lúa cả năm lên 181.593ha (tăng 9.593ha, tương đương 6,8%), năng suất bình quân: 5,68 tấn/ha (tăng 219 kg/ha, tương đương 4%), sản lượng: 1.032.271 tấn (tăng 103.299 tấn, tương đương 11% so với năm 2010). Đây là năm đầu tiên trong vòng nhiều năm qua, tỉnh có sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn.
Những điều kiện cần để mở rộng sản xuất lúa
Các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL đã khẳng định rằng, tiềm năng của vùng ĐBSCL rất lý tưởng để mở rộng diện tích và tăng sản lượng lúa hơn nữa, có thể ở mức gấp rưỡi như hiện tại, nếu như đáp ứng đầy đủ, kịp thời về nguồn nước cho sản xuất. Điều này liên quan đến công tác thủy lợi. Do vậy, công tác rà soát lại quy hoạch thủy lợi, thực hiện đầu tư mở rộng, duy tu, sửa chữa hệ thống thủy lợi cần được tiến hành nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu, ngăn triều, mặn xâm nhập, chống lũ phục vụ sản xuất lúa kết hợp với các mục tiêu khác. Đối với các tỉnh, các nơi có diện tích lúa Thu Đông, sau lũ lớn năm 2011 đã thấy rõ cần phải củng cố, tôn cao hệ thống bờ bao, đê bao mới có thể sản xuất an toàn vụ này và cho cả vụ Đông Xuân sau đó. Song song đó, nhu cầu đầu tư các trạm bơm tưới, tiêu cố định hoặc di động (giải pháp tưới tiêu bằng động lực) cũng rất lớn kết hợp với đầu tư nạo vét, khơi thông kinh, mương nội đồng để tiến tới chủ động trong tiêu thoát, cấp nước khi gặp những điều kiện bất lợi xảy ra cho sản xuất như mưa dầm, lũ lớn gây ngập úng hoặc khô hạn kéo dài.
Một điều kiện để tăng vụ lúa được khuyến cáo nữa là tăng cường sử dụng giống lúa cực sớm (dưới 90 ngày) thay cho lúa dài ngày để rút ngắn chu kỳ sản xuất của một vụ lúa. Giống lúa này tuy lai tạo khó khăn nhưng thực tế toàn vùng đã phát triển trên hàng chục ngàn hecta. Đồng thời với giải pháp này, cần thực hiện các biện pháp canh tác hỗ trợ như sử dụng máy nông nghiệp vào các khâu sản xuất thay cho thủ công (như máy cày, máy xới, máy sạ hàng, máy cấy lúa, máy cắt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy và máy bơm nước) và tiến hành nghiên cứu, lựa ra các mô hình, hình thức canh tác (như lịch thời vụ, cơ cấu sản xuất trồng 2 vụ lúa hay 2 vụ lúa + 1 vụ màu trong năm, cơ cấu giống, chế độ bón phân, cách phòng trị dịch hại...) phù hợp với điều kiện của từng khu vực, từng tiểu vùng sản xuất, để khuyến cáo, phổ biến cho nông dân làm theo rút ngắn chu kỳ sản xuất lúa.
Đi đôi với tăng diện tích, sản lượng lúa, các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL còn cho rằng, cần chú ý các giải pháp nâng cao chất lượng lúa gạo, trong đó biện pháp giống là chủ đạo, cần khuyến cáo nông dân sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng được sâu bệnh, tiêu chuẩn giống ít nhất đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận và có phẩm chất gạo tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực tế nhiều năm qua, giải pháp này đã được thực hiện ở nhiều nơi trong vùng thông qua các chương trình như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” gắn với chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, mà gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện trong cả nước.
Các nhà chuyên môn còn cho rằng, song song với những giải pháp về kỹ thuật giúp tăng năng suất, sản lượng lúa cần có những chương trình, dự án nghiên cứu quy mô lớn trên bình diện toàn vùng ĐBSCL để không những khẳng định, bổ sung những kết quả đạt được trong thời gian qua mà còn xem xét khả năng tăng vụ đến mức nào, ở đâu là phù hợp và xem xét các tác động của việc này đến các lĩnh vực có liên quan như môi trường (đất canh tác, nước tưới tiêu), khả năng biến đổi dịch hại lúa, hiệu quả kinh tế-xã hội, vấn đề gia tăng vụ bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu- nước biển dâng và đặc biệt là vấn đề tăng thu nhập cho người trồng lúa (về giá cả, thị trường, sự liên kết giữa các nhà trong chuỗi sản xuất lúa gạo...). Điều này quyết định đến sự gắn bó của nhà nông đối với nghề trồng lúa.
Bài, ảnh: TRUNG HIỆP (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin