Thương hiệu- lối đi bền vững cho nông sản

07:06, 19/06/2012

Tại Hội thảo “Vai trò của thương hiệu đối với hàng nông sản các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn chất lượng an toàn thực phẩm” trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp- Thương mại ĐBSCL 2012 vừa kết thúc, nhiều đại biểu đều khẳng định: Xây dựng thương hiệu cho nông sản đã trở thành vấn đề mang tầm quốc gia và chỉ có xây dựng vào bảo vệ thương hiệu mới là lối đi bền vững cho

Chuyện để “mất” những thương hiệu nông sản nổi tiếng đang đặt ra nhiều vấn đề lớn thời gian gần đây.

Tại Hội thảo “Vai trò của thương hiệu đối với hàng nông sản các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn chất lượng an toàn thực phẩm” trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp- Thương mại ĐBSCL 2012 vừa kết thúc, nhiều đại biểu đều khẳng định: Xây dựng thương hiệu cho nông sản đã trở thành vấn đề mang tầm quốc gia và chỉ có xây dựng vào bảo vệ thương hiệu mới là lối đi bền vững cho hàng nông sản hiện nay.

Ít thương hiệu uy tín

Chiều 16/6, chị Thùy Dung- công nhân của một công ty may ở Phường 1- TP Vĩnh Long ghé chợ mua trái cây. Đứng trước hàng chục sạp trái cây với đủ loại và đủ màu sắc, cuối cùng chị Dung chọn mua một ký xoài và trái dưa hấu, bởi màu sắc khá tươi ngon, bắt mắt. Không riêng chị Dung mà rất nhiều người tiêu dùng cũng chung nhận định là khi ra chợ đứng trước hàng trăm loại rau củ, trái cây,... đều dựa trên cảm quan bên ngoài chứ chưa thật sự an tâm về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm. Bởi sản phẩm không thể truy xuất nguồn gốc, không ai đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các loại trái cây đặc sản Việt Nam cần xây dựng và phát triển thương hiệu riêng.


Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam được biết đến với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, xoài cát Hòa Lộc… Tuy nhiên, lượng nông sản cả nước có chỉ dẫn địa lý tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 136/933 sản phẩm có đăng ký bảo hộ. Mặt khác, phần lớn nông sản đăng ký bảo hộ chỉ có hiệu lực trong nước nên các doanh nghiệp nước ngoài “mượn xài” rất dễ dàng.

Tiến sĩ Đỗ Đức Khả- Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế- Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện các nông sản nổi tiếng chỉ mới đăng ký kèm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chứ việc xây dựng và phát triển thương hiệu thực chất chưa làm được bao nhiêu. Tiến sĩ Đỗ Đức Khả cũng cho rằng: Khi đã có thương hiệu, nếu không biết phát triển rất dễ mất thị trường, mạng lưới phân phối và bạn hàng. Cùng với đó, danh tiếng, uy tín của nông sản có thể bị ảnh hưởng do sản phẩm mang nhãn hiệu đó không được quản lý và phát triển.

Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn- Chủ tịch Hội chất lượng TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu nhằm nâng cao giá trị cho nông sản Việt trở nên vô cùng quan trọng”.

Không thể chậm trễ

Tiến sĩ Đỗ Đức Khả nhận định: Xây dựng được thương hiệu cho hàng nông sản có rất nhiều cái lợi cả về kinh tế lẫn xã hội. Nó góp phần thay đổi tư duy sản xuất theo thói quen có cả tốt lẫn xấu của người nông dân. Các bước cơ bản trong việc xây dựng thương hiệu, Tiến sĩ Đỗ Đức Khả cho biết, thiết kế sản phẩm là yếu tố rất quan trọng để thu hút sự chú ý của các khách hàng mục tiêu. “Nếu mẫu mã của các sản phẩm quá đơn điệu, hay khi xây dựng được thương hiệu mà không biết tạo ra giá trị cho sản phẩm thì có thể làm giảm giá trị, thậm chí mất thương hiệu”- Tiến sĩ Đỗ Đức Khả lưu ý.

Đồng ý kiến, Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn- Chủ tịch Hội chất lượng TP Hồ Chí Minh cho rằng: Việc đăng ký thương hiệu đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đối với các mặt hàng nông sản của nước ta. “Nếu không có yếu tố về con người tổ chức tốt, tạo vùng nguyên liệu, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt thì sớm muộn thương hiệu đó sẽ chết yểu” - Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn nói.

Ông Nguyễn Văn Bé Ba- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long đề xuất: “Nhà nước cần có nhiều chương trình, biện pháp hỗ trợ xây dựng, thậm chí là hỗ trợ quản lý sử dụng, chỉ dẫn địa lý để tạo điều kiện tốt hơn xây dựng thương hiệu nông sản”.

Theo các chuyên gia, hiện nay kênh nhận biết về thương hiệu nông sản rất rộng lớn thông qua giới thiệu của bạn bè và người thân hay còn gọi là tiếp thị truyền miệng. “Logo thương hiệu chỉ cần thiết kế bao bì đẹp, thể hiện rõ nguồn gốc và làm mạnh truyền thông tại nơi bán sẽ được nhiều người đón nhận”- Tiến sĩ Đỗ Đức Khả thông tin thêm.

Bài, ảnh: H.MINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh