Dẫn dụ thiên địch để tiêu diệt các loài dịch hại, làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm an toàn. Đó là mục đích của mô hình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” (còn gọi “ruộng lúa bờ hoa”) hiện đang được nhiều nông dân trồng lúa ở ĐBSCL áp dụng thành công.
Dẫn dụ thiên địch để tiêu diệt các loài dịch hại, làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm an toàn. Đó là mục đích của mô hình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” (còn gọi “ruộng lúa bờ hoa”) hiện đang được nhiều nông dân trồng lúa ở ĐBSCL áp dụng thành công.
Ở Vĩnh Long, liên tiếp trong 2 năm vừa qua mô hình này đã được triển khai tại huyện Vũng Liêm, bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan.
Chi phí giảm rõ!
Men theo bờ đê rộng thênh thang về ấp Hiếu Minh A, xã Hiếu Nhơn, chúng tôi tìm đến cánh đồng lúa đang áp dụng mô hình trồng lúa sinh thái. Thật tiếc khi không tận mắt chứng kiến cảnh “lúa và hoa cùng khoe sắc” như nhiều nông dân đã diễn tả, vì vụ lúa Hè Thu ở đây vừa được thu hoạch dứt điểm. Tuy nhiên, trên bờ đê vẫn còn lác đác hoa cúc, hoa sao nhái vàng rực cùng với màu trắng muốt của hoa đậu bắp, phần nào giúp chúng tôi cảm nhận được “tấm áo hoa” khoác lên đồng lúa xanh trước đây.
Đoàn thanh niên Chi cục BVTV hướng dẫn nông dân xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm trồng hoa trên bờ ruộng. Ảnh: Ngọc Yến (TP Vĩnh Long)
|
Ông Võ Văn Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Nhơn cười tươi nói: “Tất cả những loài hoa này sẽ dẫn dụ những loài thiên địch như bướm, ong, nhện tìm về diệt các loài sâu rầy hại lúa. Nhờ vậy mà chi phí thuốc men của nông dân mấy vụ gần đây giảm thấy rõ”. Cũng theo ông Hải, trước khi gieo sạ lúa khoảng 10 ngày, nông dân làm sạch cỏ bờ sau đó tiến hành trồng hoa. Nông dân tham gia mô hình được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long hỗ trợ giống hoa và 5kg lúa giống. Ngoài ra, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật trồng lúa tiến bộ, thực hiện sạ hàng và sử dụng chung một loại giống.
Trò chuyện với nhiều nông dân ở đây, chúng tôi còn cảm nhận được sự phấn khởi của họ sau vụ mùa làm lúa sinh thái.Ông Hà Thanh Hùng (ấp Hiếu Minh A) cho biết: Mỗi năm, ông trồng 3 vụ lúa trên diện tích 4 công. Như những năm trước mỗi vụ ông phải xịt ít nhất 3 lần thuốc trừ rầy nâu, ngoài ra còn phải phun xịt diệt trừ nhiều loại sâu khác, mỗi công chi phí đến vài trăm ngàn đồng. Vụ Hè Thu này, nhờ canh tác theo mô hình ruộng lúa bờ hoa, ông Hùng cũng như nhiều nông dân khác ở đây không phải tốn một đồng tiền thuốc nào. “Tới thời điểm lúa trổ đòng đòng, hoa nở đỏ rực, còn đậu bắp trồng xung quanh ruộng có trái, hái mỗi ngày cũng vài ký lô, cải thiện bữa cơm gia đình khỏe re”- ông Hùng phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Bình- một nông dân làm lúa sinh thái ở ấp Hiếu Minh A cũng khẳng định, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Vụ này ông Bình áp dụng trồng hoa quanh 4 công ruộng, sau thu hoạch năng suất ước đạt gần 8 tấn/ha (trước chỉ 6- 7 tấn/ha), ước chi phí giảm hơn 2 triệu đồng/ha/vụ. Tuy lúa không được giá như những mùa trước, nhưng nhờ làm lúa sinh thái kết hợp sử dụng giống có chất lượng nên vụ này, trừ chi phí ông Bình cũng còn lời đậm.
Thân thiện môi trường
Theo Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long, mô hình ruộng lúa bờ hoa được áp dụng ở xã Hiếu Nhơn từ năm 2011 trên diện tích 10ha. Đến vụ Hè Thu này, đã có 25 hộ tham gia trên tổng diện tích 30ha và thu được kết quả tích cực. Song song với việc trồng hoa, nông dân đồng thời áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” (tăng sản lượng, hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm; giảm phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống) cho đồng ruộng nên giảm được chi phí khá lớn về thuốc trừ sâu cũng như tiết kiệm được tiền lúa giống. Ngoài lợi ích kinh tế, theo các nhà khoa học, mô hình ruộng lúa bờ hoa còn giúp nông dân nâng cao trình độ cũng như nhận thức trong việc làm ra sản phẩm sạch phục vụ cộng đồng.
“Những khu đất cao ráo, hoa trồng một lần sẽ tự rụng hạt, đến vụ lúa tiếp theo sẽ tự mọc nên ít khi phải trồng lại hoa mới”- ông Hà Thanh Hùng nói.
|
Còn theo tính toán của ông Nguyễn Văn Sáu- Trưởng trạm BVTV Vũng Liêm: So với sản xuất bình thường thì lợi nhuận ruộng lúa bờ hoa cao hơn khoảng 5 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nhờ sử dụng chung một loại giống có chất lượng (OM5451) nên giá thành cũng cao hơn một số giống khác từ 400- 600 đ/kg.
Lợi ích từ mô hình ruộng lúa bờ hoa mang lại là rất thiết thực. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng, trước mắt ngành nông nghiệp cần có hướng xây dựng các đê bao quanh ruộng lớn trước khi trồng hoa nhằm đảm bảo hoa phát triển được lâu dài. Có ý kiến cũng cho rằng, nếu tìm được chỗ tiêu thụ hoa, trái dễ dàng sẽ càng kích thích nhiều nông dân tham gia.
Mô hình ruộng lúa bờ hoa là sáng kiến của các chuyên gia Viện Lúa quốc tế và được các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam áp dụng thành công ở một số tỉnh thành khu vực ĐBSCL từ cuối năm 2009. Đến nay, đã có khoảng 4.000 nông dân tham gia canh tác trên 2.000ha lúa theo công nghệ sinh thái ở các tỉnh như Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Long An, An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận...
|
H.MINH- N.THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin