
Cánh đồng mẫu lớn đã thật sự mang lại hiệu quả lớn- theo đánh giá của Ban Quản lý dự án cánh đồng mẫu lớn tại hội thảo sơ kết dự án vừa được tổ chức mới đây.
Cánh đồng mẫu lớn đã thật sự mang lại hiệu quả lớn- theo đánh giá của Ban Quản lý dự án cánh đồng mẫu lớn tại hội thảo sơ kết dự án vừa được tổ chức mới đây.
Tham gia cánh đồng mẫu lớn, mỗi nông dân là một chuyên gia làm lúa!
Hướng đi đúng
“Tuy chưa tròn 1 năm triển khai dự án nhưng hiệu quả mang lại từ cánh đồng mẫu lớn đã phần nào cho thấy một hướng đi đúng, góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất lúa của cả tỉnh”- ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Quản lý dự án cánh đồng mẫu lớn, nhận định.
Theo đó, ở vụ Đông Xuân 2011- 2012, vụ đầu tiên triển khai dự án trong toàn tỉnh, Trung tâm Giống nông nghiệp đã cung ứng 66.784 tấn giống xác nhận cho diện tích 575,48ha trong 700ha thuộc dự án. Trong đó, nguồn giống cung ứng từ hệ thống sản xuất giống trong tỉnh chiếm 61%. Mỗi ký giống nông dân được hỗ trợ 6.000đ. Tổng tiền hỗ trợ toàn dự án trên 341 triệu đồng.
Riêng vụ Hè Thu, dự án không hỗ trợ giống xác nhận mà cho mượn vốn sản xuất trên 615ha giống. Số vốn cho mượn trên 1,5 tỷ đồng. Định mức hỗ trợ mỗi hecta là 2,5 triệu đồng, gồm tiền mua giống nguyên chủng, khử lẫn, sàng lọc hạt giống. Nhờ đó, giống xác nhận đã được sử dụng từ 80- 100% diện tích, với các giống OM 5451, OM 6976, OM 4900. Cũng từ vụ lúa này, cánh đồng mẫu lớn quyết tâm bỏ hẳn giống IR 50404.
Bên cạnh đó, hội đồng thẩm định dự án đã xét duyệt 82 trường hợp được hỗ trợ mua máy nông nghiệp. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng. Theo đó, dự án hỗ trợ 30% chi phí đối với các loại máy dưới 200 triệu đồng, người dân đối ứng 70%. Riêng máy có giá trên 200 triệu đồng thì dự án hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng/máy. Các loại máy đã được đầu tư: 38 máy phun thuốc, 1 máy cấy, 11 máy cày, 2 máy xới, 1 máy xới tay, 19 máy bơm nước, 2 máy sấy, 1 máy sàng lọc hạt giống, 6 máy gặt đập liên hợp, 1 máy vận chuyển lúa. Hiện các tổ hành nghề dịch vụ cơ giới hóa đã sử dụng các máy được đầu tư phục vụ sản xuất tại các mô hình có hiệu quả.
Cùng với việc sản xuất, công tác vận động các doanh nghiệp hỗ trợ các cánh đồng mẫu lớn cũng được ban quản lý dự án quan tâm. Hiện Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đã đầu tư thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm cho nông dân tại cánh đồng mẫu lớn xã Tân An Luông (Vũng Liêm), Mỹ Thuận (Bình Tân), Mỹ Lộc (Tam Bình). Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long cũng đã có những bước làm việc ban đầu để tìm hiểu tình hình sản xuất và tiến tới liên kết tiêu thụ tại các cánh đồng mẫu lớn.
Để cánh đồng mẫu lớn... lớn thêm!
Vấn đề đầu tư hạ tầng đồng ruộng tại các cánh đồng mẫu lớn được nhiều đại biểu nêu lên tại hội thảo sơ kết dự án trên nhằm đưa cánh đồng mẫu lớn thật sự lớn mạnh hơn. Bởi theo đánh giá, tiến độ thực hiện xây dựng cơ bản hạ tầng đồng ruộng còn chậm. Trong khi đó, kinh thủy lợi nội đồng và đường trục nội đồng phục vụ tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa cần được thực hiện gấp rút để phát triển cánh đồng mẫu lớn.
Hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, ứng dụng cơ giới hóa giúp nâng cao hiệu quả
sản xuất tại cánh đồng mẫu lớn.
Đến nay, công tác khảo sát lựa chọn địa điểm, thống nhất danh mục đầu tư các cánh đồng mẫu lớn giai đoạn 2011- 2015 đã hoàn thành. Hiện đơn vị tư vấn đã triển khai công tác khảo sát xây dựng từng hạng mục công trình tại các xã Tân Long (Mang Thít), Tân An Luông (Vũng Liêm), Xuân Hiệp (Trà Ôn). Theo đó, các hạng mục đầu tư gồm: thủy lợi nội đồng, trạm bơm, san bằng mặt ruộng, đường trục nội đồng. Dự kiến trong tháng 7/2012 sẽ hoàn thành việc khảo sát xây dựng hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng- nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình), hạn chế hiện nay là mặt bằng đồng ruộng chưa tốt, đường vận chuyển chưa thuận lợi đã ảnh hưởng đến việc sản xuất tại các cánh đồng mẫu lớn. “Ban Quản lý dự án cần đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng đồng ruộng phục vụ cơ giới hóa, bên cạnh tiếp tục ưu tiên hỗ trợ vốn vay mua máy móc nông nghiệp, cũng như đưa công nghệ cao vào sản xuất ở cánh đồng mẫu”- ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, góp ý.
Bà Huỳnh Chí Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, khẳng định: “Việc duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất lâu dài đang là đòi hỏi cấp thiết. Bởi hiện tại, nhiều công trình chỉ có tác dụng ứng phó trước mắt, chưa đảm bảo an toàn trước những diễn biến phức tạp của lũ, bão. Đây cũng là yếu tố không bền vững trong sản xuất nông nghiệp hiện nay”. Ông Nguyễn Khắc Nhu- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh cũng đồng tình và cho rằng: “Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các công trình bị tác động rất lớn. Trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ nên việc đầu tư các công trình này cần được quan tâm đúng mức”.
Ghi nhận những ý kiến trên, ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, trước mắt công tác hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng sẽ được đẩy mạnh nhằm đảm bảo tưới tiêu, tạo mặt bằng đồng ruộng, xây dựng đường, cơ giới hóa,… để việc sản xuất của người dân được tốt hơn. Hết năm nay, dự án sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa với tổng vốn trên 2,1 tỷ đồng và xây dựng cơ bản hạ tầng đồng ruộng 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sẽ được tăng cường nhằm xây dựng cánh đồng mẫu lớn ngày càng lớn mạnh.
Bài, ảnh: LÊ SƠN- NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin