Bình Minh bảo vệ sản xuất mùa mưa lũ

07:06, 27/06/2012

Trong chuyến công tác tại Vĩnh Long gần đây, ông Trần Quang Quý- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Ủy viên BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương đã ghé thăm vùng rau xà lách xoong Thuận An (Bình Minh). Tại đây, những kiến nghị liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho vùng chuyên canh nông sản đã được lãnh đạo bộ ghi nhận.

Trong chuyến công tác tại Vĩnh Long gần đây, ông Trần Quang Quý- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Ủy viên BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương đã ghé thăm vùng rau xà lách xoong Thuận An (Bình Minh). Tại đây, những kiến nghị liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho vùng chuyên canh nông sản đã được lãnh đạo bộ ghi nhận. Bởi không riêng Thuận An, một số vùng chuyên canh kém an toàn trong mùa lũ đang là bài toán khó cho nhiều địa phương hiện nay.

Xây dựng kiên cố các công trình thủy lợi giúp bảo vệ sản xuất hiệu quả.

Dựa vào kinh nghiệm: Chưa đủ!

Bình Minh có tiếng là xứ sở của xà lách xoong. Ông Võ Hoàng Rôn (ấp Thuận Phú A- Thuận An) người có hơn 20 năm gắn bó với loại rau màu làm nên “tên tuổi” của vùng đất này, cho biết: Cải xà lách xoong mỗi năm thu hoạch khoảng 6- 8 lứa, năng suất từ 1- 1,4 tấn/công tùy theo điều kiện thời tiết có thuận lợi hay không. Sau khi trừ chi phí phân, thuốc, công chăm sóc… thì ông thu được 4- 6 triệu đồng/công cho mỗi đợt thu hoạch. Tính ra, mỗi công xà lách xoong cho thu nhập khá cao, từ 30- 40 triệu đồng/năm. Ông Rôn cũng cho hay, trồng xà lách xoong đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, nhưng với thời tiết thất thường như giờ thì kinh nghiệm thôi chưa đủ, bởi khi trái gió trở trời thì cũng trắng tay như chơi.

Chưa kể, đầu ra của xà lách xoong thiếu ổn định, không chủ động được giá cả nên vẫn còn tình trạng bị thương lái o ép giá lúc rộ mùa thu hoạch cũng là điều đáng quan tâm. “Mong rằng Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để nông dân mở rộng diện tích, hiệu quả kinh tế ngày một cao hơn, bên cạnh cần đầu tư đê bao thủy lợi chống úng, giúp dân an tâm sản xuất”- ông Rôn mong mỏi.

Xà lách xoong mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng kém bền vững trong mùa lũ.


Ông Trương Văn Sơn- cán bộ nông nghiệp xã Thuận An, cho biết: Toàn xã hiện có gần 100ha chuyên canh xà lách xoong. Người dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất loại rau này nên xà lách xoong đã tạo được “chỉ dẫn địa lý” không riêng xã nhà mà cho cả huyện, tỉnh. Tuy nhiên việc sản xuất của người dân cũng gặp khó khăn khi có lũ, bão bất thường. Trong khi đó, xã Thuận An nằm trong danh sách vùng ngập lụt thuộc Bắc QL1, có độ ngập lên đến 1m, sâu nhất toàn tỉnh, với thời gian ngập lụt lâu hơn những vùng khác. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng còn các xã Đông Bình, Đông Thành, Mỹ Hòa thuộc vùng trũng nội đồng, độ ngập dao động từ 0,5- 1m và thời gian ngập cũng khá lâu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân.

Giải pháp công trình

Theo Phòng Kinh tế huyện Bình Minh, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, từ đầu năm đến nay, nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng nhằm bảo vệ sản xuất tại các xã: Đông Thành, Đông Thạnh, Thuận An, Mỹ Hòa,… Trong đó, nhiều công trình đã hoàn thành như: bờ bao Chú Kiểng- chợ Hóa Thành (Đông Thạnh, Đông Thành), bờ bao kinh Miễu Bà- Ranh Hạt, bờ bao kinh Rạch Lá (Thuận An), bờ bao kinh Ông Tà (Đông Thành), bờ bao kinh Hai Thu (Đông Thạnh)... Riêng xã Thuận An và Đông Thạnh, 7 công trình thủy lợi nội đồng như nạo vét kinh, đắp bờ vùng đã được thực hiện với tổng chiều dài trên 6.000m. Các công trình trên góp phần bảo vệ sản xuất cho trên 3.200ha lúa Thu Đông chuẩn bị xuống giống và trên 2.900ha rau màu các loại toàn huyện.

Ý thức tầm quan trọng của các công trình trong bảo vệ sản xuất, thời gian qua, huyện Bình Minh đã vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây ăn trái để triển khai thi công 7 công trình giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng kết hợp giao thông, với tổng chiều dài gần 27.000km, kinh phí xây dựng trên 25,2 tỷ đồng. Trong đó, có 777 hộ dân hiến 23.500m2 đất, ước tổng giá trị đất và cây trồng hơn 8,2 tỷ đồng. Nhiều công trình có 100% hộ dân tự nguyện hiến đất, cây ăn trái để thi công. Hiện Bình Minh đã và đang chuẩn bị khởi công 13 công trình thủy lợi- giao thông nông thôn. Trong đó có 12 công trình do huyện làm chủ đầu tư và 1 công trình do tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng bờ bao kết hợp giao thông nông thôn kinh Rạch Múc (Thuận An), dài 2,6km, kinh phí xây dựng trên 3,3 tỷ đồng.

Hiện nay, BCĐ Xây dựng nông thôn mới tỉnh chú trọng khâu tiếp tục vận động người dân hiến đất, vật kiến trúc, cây ăn trái... xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình phúc lợi công cộng. Đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ các vùng dự kiến sẽ quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Trong đó, Bình Minh có vùng sản xuất xà lách xoong ở xã Thuận An (100ha); bưởi Năm Roi ở 3 xã Mỹ Hòa, Đông Bình, Thuận An (3.000ha).

Qua khảo tra thực địa tại Bình Minh, Thứ trưởng Trần Quang Quý ghi nhận những kiến nghị hỗ trợ quy hoạch chống ngập, bảo vệ sản xuất và đời sống. Ông Quý cũng cho rằng, trước mắt ngoài việc khoanh vùng trọng điểm xung yếu thì địa phương cần xây dựng phương án khắc phục và các địa bàn này cần được rà soát, kiểm tra thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh