Dọc Đường tỉnh 904, người đi đường sẽ thấy 2 bên đường đoạn thuộc ấp Nhất (Ngãi Tứ- Tam Bình) là những giàn cải non xanh mướt. Nhiều hộ dân tận dụng những khoảnh đất ít ỏi ven đường để bầu cải bán kiếm thêm thu nhập. Ban đầu chỉ có vài hộ rồi dần dần trở thành “xóm bầu cải” như bây giờ.
Nhờ bầu cải mà gia đình chị Sơn có thêm thu nhập, cải thiện
cuộc sống và có tiền lo con ăn học.
Dọc Đường tỉnh 904, người đi đường sẽ thấy 2 bên đường đoạn thuộc ấp Nhất (Ngãi Tứ- Tam Bình) là những giàn cải non xanh mướt. Nhiều hộ dân tận dụng những khoảnh đất ít ỏi ven đường để bầu cải bán kiếm thêm thu nhập. Ban đầu chỉ có vài hộ rồi dần dần trở thành “xóm bầu cải” như bây giờ.
Hiện ở ấp Nhất có khoảng 20 hộ làm nghề bầu cải, mỗi tháng cung cấp vài ngàn thiên cải (mỗi thiên 1.000 bầu) cho người làm rẫy ở địa phương và vùng lân cận. Những loại cải được bà con ươm chủ yếu là cải làm dưa, cải bắp, bẹ dún, cải bách thảo…
Do đây là công việc đòi hỏi sự chăm chút tỉ mỉ nên thường do phụ nữ đảm nhận. Còn chuyện tưới nước, bón phân, nhổ cỏ, sửa lại giàn che nắng mưa... là việc phải làm thường xuyên.
Ngoài trời nắng như đổ lửa, nhưng chị Nguyễn Thị Sơn vẫn miệt mài chăm sóc những bầu cải. Chị lập gia đình, về đây đã hơn 20 năm và cũng chừng đó thời gian chị gắn bó với nghề bầu cải này. Nhờ làm lâu năm, chị Sơn có nhiều mối cung cấp ra các tỉnh ngoài như Trà Vinh, Cần Thơ và vùng chuyên canh trồng màu ở huyện Bình Tân… Bình quân mỗi tháng chị bán hơn 100 thiên cải các loại với giá khoảng 40.000- 45.000 đ/thiên, lời khoảng 15.000- 20.000 đ/thiên, mang về thu nhập ổn định gần 2 triệu đồng/tháng. Chị Sơn cho biết những giàn cải gần nhà, nên vừa lo công việc gia đình vừa chăm sóc rất thuận tiện. “Trước khi ươm cải nên làm giàn, phía trên che tấm nhựa để hạn chế nắng và hạn chế những giọt mưa nặng hạt có thể làm dập cải non. Bầu cải làm từ lá chuối quấn tròn lại, cho phân hữu cơ trộn với tro vào. Công đoạn này thường được thuê làm với giá 10.000 đ/thiên. Hạt vào bầu khoảng 5- 7 ngày là có thể lấy khỏi giàn để xuống mặt đất cho cây phát triển nhanh, 10- 15 ngày có thể xuất bán”- chí Sơn nói.
Chị Lê Thị Thu Sương tưới mấy giàn cải ven đường, vui vẻ cho biết: Nghề này tôi đã gắn bó hơn 10 năm, có đồng ra đồng vào để trang trải các chi phí sinh hoạt lặt vặt trong gia đình. Trung bình mỗi tháng chị bán khoảng 40- 50 thiên, lời gần 1 triệu đồng, góp phần nào lo cho con ăn học… “Ở quê chỉ có công việc ruộng nương là chính nên mình phải tận dụng để cải thiện thu nhập. Nhà có hai đứa con đang tuổi ăn học nên tui bỏ công ra làm, hy vọng sau này chúng nó không phải cực như mình”- chị Thu Sương bộc bạch.
Còn chị Sơn tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc khi nhắc đến con cái. Chị bộc bạch: “Ở nông thôn, ngoài việc đồng áng thì phần lớn chị em đều có thời gian rảnh. Gia đình tui có 2 đứa con, thằng lớn đang học đại học năm cuối, còn đứa con gái út đang học lớp 12, tụi nó được học hành đến giờ này cũng nhờ nghề này”.
Tuy cuộc sống còn khó khăn, bao lo toan suy tính đè nặng trên đôi vai các chị, nhưng trên gương mặt luôn rạng ngời hạnh phúc vì lo được miếng cơm, manh áo cho gia đình và con cái được vững bước đến trường từ những đồng tiền tích góp bằng nghề bầu cải.
Bài, ảnh: HOÀI NAM - NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin