Sản xuất nông sản theo GAP vì sao chưa hấp dẫn nhà nông?

07:05, 12/05/2012

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng một số nông dân “quay lưng” với mô hình Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu). Nông dân vùng trồng bưởi Năm Roi ở huyện Bình Minh quyết định bỏ trồng bưởi theo mô hình GlobalGAP. Tiếp đến một số nông dân trồng vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang theo Global GAP cũng tính “nói câu giã từ” GAP.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng một số nông dân “quay lưng” với mô hình Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu). Nông dân vùng trồng bưởi Năm Roi ở huyện Bình Minh quyết định bỏ trồng bưởi theo mô hình GlobalGAP. Tiếp đến một số nông dân trồng vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang theo Global GAP cũng tính “nói câu giã từ” GAP.

Nguyên nhân, người nông dân muốn bỏ GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là bởi việc đầu tư thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn vừa tốn công sức, tiền bạc trong khi đó việc tiêu thụ cũng còn khó khăn, giá bán sản phẩm ở thị trường trong nước lại chưa có sự khác biệt so với những nông sản cùng loại với quy trình sản xuất thông thường. Trong khi đó, để có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nông dân phải thực hiện hơn 200 tiêu chí, ngoài ra còn phải chi phí để có giấy chứng nhận từ 10.000- 12.000 USD/ một vùng sản xuất đối với giấy chứng nhận cấp lần đầu (chứng nhận lần sau chi phí thấp hơn khoảng 5.000- 7.000 USD).

Ai cũng biết giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP, đặc biệt GlobalGAP chính là “tấm giấy thông hành” để nông sản Việt Nam đi chinh phục các thị trường, nhất là thị trường vốn khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ. Ấy thế nhưng để nông sản sạch, “xịn” này đến với các “thượng đế” khó tính lại là câu chuyện không dễ dàng khi chúng ta hiện vẫn thiếu các doanh nghiệp đủ tầm, tâm đảm đương vai trò cung cấp, phân phối sản phẩm. Trong khi đó, ngay các “thượng đế nội địa” dù có nhu cầu sử dụng nông sản sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả khảo sát của JICA tại Việt Nam (Cơ quan Hợp tác Nhật Bản) được công bố tại hội nghị tham vấn tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vừa qua: người tiêu dùng tại Hà Nội sẵn sàng trả tiền cho thực phẩm an toàn với giá cao hơn 10- 20%, thậm chí là 20- 30%, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh sẵn sàng trả với giá cao hơn 10- 20%. Vấn đề ở đây là khâu phân phối, cung ứng quảng bá, thông tin sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn, chất lượng của chúng ta vẫn còn kém mà thôi. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Mục tiêu của nền nông nghiệp Việt Nam là hướng tới việc sản xuất nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ áp dụng quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP khi có được đầu ra ổn định cho thị trường, không làm tràn lan gây lãng phí.

Rõ ràng, việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP, đặc biệt GlobalGAP là cần thiết, tuy nhiên để hấp dẫn nông dân tham gia thì trước tiên cần phải giải bài toán về phân phối, tiêu thụ sản phẩm và vấn đề mấu chốt chính là tính hiệu quả kinh tế. Nếu không, nhà nông sẽ tiếp tục thờ ơ với GAP mà thôi.

Hà Vĩnh Thái (TP Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh