Được mùa lác, mát cả lòng

07:05, 29/05/2012

Trồng lác đang cho thu nhập từ 80- 100 triệu đồng/ha/năm và giải quyết khoảng 1.000 lao động mỗi năm. Từ hiệu quả này, ngành nông nghiệp đã xây dựng đề án phát triển và chế biến cây lác theo hướng bền vững.


Giá lác đang mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trồng lác đang cho thu nhập từ 80- 100 triệu đồng/ha/năm và giải quyết khoảng 1.000 lao động mỗi năm. Từ hiệu quả này, ngành nông nghiệp đã xây dựng đề án phát triển và chế biến cây lác theo hướng bền vững.

Giá lác “mát” lòng

Có đi trên những tuyến đường dẫn về các xã Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, Thanh Bình, Quới Thiện… (Vũng Liêm) mùa này sẽ thấy nông dân đang tất bật thu hoạch lác. Lác được chất đầy nhà, tràn ra ngoài sân. Công việc tuy có vất vả nhưng ai cũng phấn khởi, bởi giá lác khô khoảng 14.000 đ/kg, cao nhất so nhiều năm gần đây.

Vợ chồng anh Nguyễn Trí Hải ở xã Quới Thiện do “mê” cây lác nên tận dụng thời gian nhàn rỗi “khăn gói” qua Trung Thành Tây mướn 5 công đất để trồng. Anh Hải cho biết, mới thu hoạch xong 2,5 công, bán được 25 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, nhân công còn lời khoảng 16 triệu đồng. “Mấy năm nay, cây lác có giá cao, bán lời khá nên vợ chồng tui dành dụm mua được miếng đất cạnh ruộng lác, định cất nhà ở để kiếm đất mướn trồng tiếp”- anh Hải phấn khởi.

Theo anh Hải, trồng lác cực nhưng thu nhập khá ổn định. Lác chỉ trồng một lần, sau khi thu hoạch chỉ cần bón phân là phát triển trở lại. 4 tháng sau có thể thu hoạch, lác được đưa vào máy, chẻ ra làm nhiều cọng nhỏ, sau đó đem phơi khô, “nêm” thành từng bó lớn để dễ dàng cân bán.

Cạnh ruộng của anh Hải, cô Ba Sự nhà cũng ở xã Quới Thiện, thấy lác trồng “kiếm ăn được” nên cũng sang Trung Thành Tây mướn cả chục công ruộng. Bình quân sau mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí cô bỏ túi hàng chục triệu đồng.

Theo nhiều người trồng ở đây, lác loại 1 đủ tiêu chuẩn dệt chiếu được bán giá cao, còn loại “lác manh” chủ yếu sử dụng đan đát hàng thủ công nên giá bán thường rẻ hơn. Theo anh Hải, hiện nhu cầu của thị trường về cây lác khá lớn. Sau khi lác được phơi khô, thương lái đến tận nơi thu mua.


Máy chẻ lác vẫn còn thô sơ do người dân tự sáng chế.

Hướng đến bền vững

Bà Nguyễn Thị Kim Ba- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm cho biết: Những năm gần đây, giá lác khá ổn định nên diện tích đã tăng đáng kể. Hiện toàn huyện có khoảng 482ha lác, tập trung nhiều ở các xã ven sông Cổ Chiên như Thanh Bình, Quới Thiện, Trung Thành Tây, Trung Thành Đông. Đây là những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả do thường xuyên chịu ảnh hưởng triều cường và xâm nhập mặn. Định hướng phát triển nghề trồng lác hướng bền vững thời gian tới, bà Nguyễn Thị Kim Ba cho biết, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng đề án phát triển và chế biến cây lác giai đoạn năm 2011- 2015. Theo đó, trong năm 2012 này sẽ khuyến khích nông dân mở rộng thêm diện tích, để năm 2015 sẽ ổn định 520ha, sản lượng ước đạt 51.215 tấn. Bên cạnh sẽ thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng, thủy lợi, giao thông nông thôn gắn với quy hoạch xã nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, vận chuyện các sản phẩm chế biến từ cây lác.

Với lợi thế có làng nghề dệt chiếu truyền thống, chủ yếu ở hai xã Thanh Bình và Quới Thiện nên việc tạo nguồn lác nguyên liệu cung ứng tại chỗ là cần thiết. Ông Lê Văn Sua- cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm thừa nhận: Làng nghề này góp phần rất lớn trong giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, cái khó trong phát triển chính là thiếu máy móc phục vụ sản xuất, các công đoạn bằng thủ công nên cây lác sau thu hoạch chủ yếu thường được bán thô nên giá trị không cao. “Chúng tôi đang khảo sát hiệu quả hoạt động tại các làng nghề để có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ máy móc cho các làng nghề”- ông Sua cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Kim Ba khẳng định: “Điều cần thiết phát triển cây lác tại địa phương hiện nay là thành lập các hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp sản xuất chiếu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, lập thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu cho cây lác”.


4 làng nghề được công nhận

Đó là các làng nghề trồng lác và xe lõi lác tập trung ở ấp: Phước Bình (Quới Thiện), Bình Thủy (Thanh Bình), Đại Hòa và Đại Nghĩa (Trung Thành Đông). Hiện 4 làng nghề đang hoạt động khá tốt, giải quyết khoảng trên 500 lao động nhàn rỗi.

Bài, ảnh: N.THỊNH- H.MINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh