Công ty cổ phần- nền tảng xây dựng nông nghiệp bền vững

01:05, 01/05/2012

Dù vươn lên thành một cường quốc đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng thu nhập của nông dân, đặc biệt là nông dân vùng ĐBSCL vẫn còn thấp. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết nền nông nghiệp Việt Nam rất cần một làn gió mới thổi vào để làm thay đổi được thực tiễn đang tồn tại này.

Dù vươn lên thành một cường quốc đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng thu nhập của nông dân, đặc biệt là nông dân vùng ĐBSCL vẫn còn thấp. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết nền nông nghiệp Việt Nam rất cần một làn gió mới thổi vào để làm thay đổi được thực tiễn đang tồn tại này.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, ngành lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung đang tồn tại rất nhiều lỗ hổng. Đó là hệ quả tất yếu của cung cách làm ăn thiếu bền vững (thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa; người nông dân ngày càng nghèo hơn; doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, thiếu nguyên liệu cung ứng cho đối tác khi họ có yêu cầu….)

Lỗ hổng… nông nghiệp

Là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, hàng năm ngành nông nghiệp đóng góp hàng chục tỷ đô la Mỹ vào GDP của đất nước. Thế nhưng, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Điều này chẳng những làm giảm giá trị sản phẩm làm ra mà lợi tức thu được của người nông dân ngày càng sụt giảm.

Công ty cổ phần nông nghiệp là một hướng đi giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.


Trong ngành sản xuất cá tra, dù đã có nhiều hình thức làm ăn được hình thành qua thời gian như: Nông dân tự sản xuất rồi bán sản
phẩm cho doanh nghiệp; doanh nghiệp tự đầu tư vùng nguyên liệu; liên kết theo kiểu nuôi gia công (doanh nghiệp khoán cho nông dân nuôi- PV)…, nhưng luôn bị thất bại.

Lỗ hổng lớn nhất không chỉ riêng ngành cá tra mà cả hệ thống ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải đó là sản xuất thiếu bền vững, nghĩa là ai cũng muốn gom phần lợi nhuận về phía mình càng nhiều càng tốt, mà họ quên rằng nếu không có anh thì tôi sẽ phá sản và ngược lại. Lợi tức phân chia trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ quá bất công, quá không hợp lý mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là nông dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo- một chuyên gia ngành nông nghiệp phân tích riêng đối với trường hợp của ngành lúa gạo để thấy được điều này: “Mỗi khi người nông dân bán lúa cho thương lái, khi được giá thì nông dân quá hạnh phúc, nhưng thường là bị ép giá, người dân chỉ biết trông chờ vào Chính phủ cứu vớt, nhưng Chính phủ lại giao quyền cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)- thực chất là Tổng Công ty Lương thực (Vinafood) định đoạt. Kinh nghiệm nhiều năm nay cho thấy, giá lúa do VFA định thường chỉ bảo vệ lợi ích của Vinafood để họ cạnh tranh bán rẻ cho thương lái quốc tế, mà coi nhẹ lợi ích của người nông dân phải cực khổ một nắng hai sương làm ra hạt lúa”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, lỗ hổng của ngành nông nghiệp Việt Nam còn thể hiện qua cơ chế, sự điều hành, ông nói: “Nông dân Việt Nam trồng lúa luôn chịu rủi ro, thiệt thòi. Thậm chí có lúc giá gạo quốc tế tăng cao, nhưng nông dân bắt buộc phải bán giá thấp vì có lệnh “tạm ngưng xuất khẩu”; hoặc có lúc VFA cho “giá sàn cao hơn giá quốc tế” để không công ty tư nhân nào dám mua lúa xuất khẩu, ngoại trừ các công ty lương thực của Nhà nước tha hồ mua vô với giá rẻ dưới chiêu bài “mua lúa tạm trữ cho dân””.

Lỗ hổng này còn thể hiện qua sự cách biệt giàu nghèo giữa doanh nghiệp và nông dân ngày càng xa. Doanh nghiệp thì ngày càng giàu sụ, nông dân thì ngày càng còm cõi vì cái nghèo. Thực tế, từ năm 2001 đến nay, giá phân bón đã tăng ngót nghét 4 lần; giá thuốc bảo vệ thực vật tăng 3 lần…, nhưng giá lúa thì tăng không bao nhiêu. Trong khi đó, doanh nghiệp hàng năm lãi hàng chục ngàn tỷ đồng.

Hướng đi của nông nghiệp bền vững

Làm thế nào để “vá” được lỗ hổng đang tồn tại trong ngành nông nghiệp Việt Nam? Làm thế nào giúp đưa lợi tức của người nông dân tăng lên? Làm thế nào để doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến xuất khẩu…? Đó là những câu hỏi cần giải quyết để đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nêu lên thực trạng: “Chỉ riêng mặt hàng lúa gạo, từ năm 2006 đến 2011, xuất khẩu đạt gần 34 triệu tấn, trị giá trên 14 tỷ đô la Mỹ, nâng lũy kế từ 1989 đến tháng 3/2012 đạt trên 84,6 triệu tấn, trị giá trên 25 tỷ đô la Mỹ. Thế nhưng nó vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập như: sản xuất vẫn còn nặng về năng suất, số lượng, chưa gắn với quy hoạch và thị trường tiêu thụ; thường xuyên xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu và cả giá cả nên lợi ích của người nông dân được hưởng cũng thấp”.

Chính vì lẽ đó, cần một hướng đi mới cho nền nông nghiệp Việt Nam để khắc phục được những yếu kém này, theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân không còn cách nào khác là tiến đến thành lập công ty cổ phần nông nghiệp. Theo Giáo sư, cơ chế hoạt động của mô hình này là, khi lãnh đạo doanh nghiệp xác định thị trường cần sản phẩm đầu ra, ví dụ là một loại gạo hạt dài, ngon cơm để dùng làm đăng ký thương hiệu “Ngọc Miền Tây”. Sau đó bộ phận nông nghiệp của công ty sẽ xác định giống lúa phù hợp, sản xuất theo GAP (cả khâu chăm sóc, bón phân, phun thuốc phải tuân thủ theo GAP-PV). Đến khi thu hoạch, khối điều hành nhà máy chế biến sẽ đưa phương tiện đến ruộng thu lúa về phơi sấy đúng chuẩn đăng ký thương hiệu và xuất bán. Đến cuối vụ, công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi (xuất khẩu sản phẩm và khấu trừ các chi phí) để chia theo số cổ phần của các cổ đông.

“Đây là một kiểu làm ăn mới, nông dân tham gia mô hình sẽ luôn luôn có lãi, có thể tích lũy cổ tức ngày càng tăng, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái, không được chia lãi như đang tồn tại hiện nay”- Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, công ty cổ phần nông nghiệp là một hướng đi mới mang tính khả thi cao, giúp đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, chúng ta phải có một giải pháp đồng bộ, cả chỉ đạo lẫn thực hiện, phải có nông dân kiểu mới, được đào tạo tay nghề, phải gắn kết sản xuất lúa gạo từ nguyên liệu đến thành phẩm, có thương hiệu mạnh đưa ra thị trường.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH (Tiền Giang)v

Các tin khác
Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh