Công nghệ cao đã ra đồng

06:05, 26/05/2012

Nông dân ĐBSCL đã dần quen với việc đưa công nghệ cao xuống ruộng và rõ nhất là thiết bị san bằng mặt ruộng định vị bằng tia laser và công nghệ sinh học trong quản lý dịch bệnh. Hiệu quả mang lại cho nhà nông là giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích, ngoài ra còn góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân ĐBSCL đã dần quen với việc đưa công nghệ cao xuống ruộng và rõ nhất là thiết bị san bằng mặt ruộng định vị bằng tia laser và công nghệ sinh học trong quản lý dịch bệnh. Hiệu quả mang lại cho nhà nông là giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích, ngoài ra còn góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp.

San phẳng mặt ruộng bằng laser

Khởi xướng cuộc cách mạng công nghệ này vào năm 2004, Viện Lúa quốc tế chuyển giao cho Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp (Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) bộ thiết bị san bằng mặt ruộng định vị bằng tia laser để thử nghiệm trên một số cánh đồng ở Việt Nam. Hiệu quả đã phát huy ngay sau lần thử nghiệm đầu tiên. Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ khi tiếp nhận kỹ thuật hiện đại này, trung tâm đã kết hợp với các địa phương như: Bạc Liêu, An Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh để san mặt ruộng thử nghiệm. Thiết bị gồm máy kéo kết móc với cụm gàu san, bộ phát tia laser, bộ nhận… Hệ thống gàu san sẽ tự động hạ xuống hoặc nâng lên để giúp san bằng mặt ruộng chính xác. Vụ Đông Xuân 2011- 2012, đã có 300ha đất lúa được sử dụng tia laser để san phẳng mặt ruộng.

Nông dân Cần Thơ đang ứng dụng tia laser để san bằng mặt ruộng.


Ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là nông dân đầu tiên được áp dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Ông Đức cho biết: Năm 2006, tôi mượn một bộ thiết bị san đất điều khiển bằng tia laser của Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh về sử dụng, thấy đạt kết quả rất khả quan. Thiết bị này giúp tôi giảm chi phí sản xuất 1 triệu đồng/ha/vụ. Ông Đức nói: Khi sử dụng bộ thiết bị này để san bằng mặt ruộng sẽ giúp giảm chi phí bơm nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhưng năng suất lại tăng lên từ 0,5 đến 1 tấn/ha. Mấy mùa vụ gần đây, gia đình ông Đức đã sử dụng thiết bị này để san bằng mặt ruộng trên 150ha đất.

Sau 3 năm sử dụng thiết bị san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, ông Đức bắt đầu tính đến chuyện đầu tư mua sắm để trang bị cho đồng ruộng của mình và làm dịch vụ ở các địa phương lân cận, được nông dân hưởng ứng vì mang lại hiệu quả cao. Ông Đức cho biết: “Gia đình tôi dự kiến sẽ thuê hoặc đầu tư mua thiết bị định vị bằng tia laser để sử dụng trên đồng ruộng của mình. Bộ thiết bị có giá không cao, khoảng 180 triệu đồng (chưa tính máy kéo và gàu) thì nhà nông có thể chấp nhận được vì hiệu quả mang lại rất cao”.

Tiến sĩ Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Thiết bị san phẳng mặt ruộng định vị bằng tia laser đã mang lại hiệu quả cao giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa. Đồng thời, góp phần đáng kể vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch. Qua một thời gian thử nghiệm đã khẳng định thiết bị phù hợp với đồng ruộng Việt Nam. Đặc biệt hiệu quả cao đối với mô hình cánh đồng mẫu lớn”.

Ngành nông nghiệp đang kết hợp một số địa phương như Cần Thơ, An Giang, Long An, Vĩnh Long… đầu tư thí điểm để đưa thiết bị hiện đại này vào đồng ruộng và có chính sách ưu đãi để khuyến khích nông dân ứng dụng thiết bị hiện đại này.

Công nghệ sinh học quản lý dịch bệnh

Quản lý dịch bệnh bằng công nghệ sinh học cũng đang được ứng dụng rộng rãi. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc- Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL đã thử nghiệm và sản xuất thành công 2 chế phẩm trừ sâu sinh học ometar và biovip. Đồng thời, quy trình sản xuất này cũng được chuyển giao rộng rãi khắp các tỉnh ĐBSCL. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc cho biết: Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất 2 chế phẩm sinh học từ nấm xanh ometar và nấm trắng biovip chúng tôi đã nghiên cứu thành công “quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học ometar ở quy mô nông hộ”. Đồng thời đã chuyển giao quy trình này cho cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL giúp tiết kiệm chi phí cho nông dân trồng lúa hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm”.

Với quy trình sản xuất này, nông dân có thể tự sản xuất chế phẩm sinh hoạt diệt rầy rất hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường. Nguyên liệu sản xuất cũng đơn giản, rẻ tiền mà nông dân ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể mua được là: bọc ny-lông, tấm gạo, meo nấm. Vì vậy nông dân có thể tự sản xuất, tiết kiệm chi phí rất lớn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc tính toán: “Khi sử dụng chế phẩm này, nông dân chỉ phun 1- 2 lần là có thể quản lý rầy nâu đến hết vụ. Trong khi phun thuốc trừ sâu phải 5- 6 lần và gây ô nhiễm môi trường. Chi phí phun chế phẩm giá chỉ 50 ngàn đồng/ha/vụ. Vì vậy nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ha. Nếu cả ĐBSCL này áp dụng thì sẽ giảm chi phí cho nông dân khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm”.

Nhiều nông dân đã tự sản xuất và sử dụng hiệu quả chế phẩm sinh học này. Ông Trần Thênh (xã Viên Bình, huyện Trần Đề- Sóc Trăng) mấy năm nay đã sử dụng chế phẩm sinh học để thay thế cho thuốc hóa học. Ông Thênh cho biết: “Sau khi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nấm xanh để quản lý rầy nâu tôi đã tiến hành tự sản xuất để sử dụng cho 13ha lúa của gia đình. Toàn bộ diện tích này khi sử dụng chế phẩm sinh học đã giảm chi phí hơn 15 triệu đồng so với trước đây mà hiệu quả mang lại rất cao. Trong khi chế phẩm này rất dễ làm, từ cám gạo, meo nấm… nên nông dân có thể tự sản xuất để sử dụng”. Theo ông Thênh, do hiệu quả cao nên thời gian gần đây có rất nhiều nông dân trong vùng sử dụng chế phẩm sinh học để giảm ô nhiễm môi trường và sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn sinh học.

Tại Vĩnh Long, vụ Đông Xuân 2011– 2012, mô hình ứng dụng chế phẩm nấm xanh Ometar trong phòng trừ rầy nâu hại lúa đã đưa ra ứng dụng tại 6 điểm thuộc các xã Ngãi Tứ, Mỹ Lộc (Tam Bình); Hiếu Phụng, Hiếu Nhơn (Vũng Liêm); Hòa Bình, Hựu Thành (Trà Ôn). Kết quả báo cáo của 10 hộ tham gia mô hình trên diện tích khoảng 5ha cho thấy: Ngoài việc giảm số lần phun thuốc trừ rầy, số rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ đã giảm đáng kể và hết rầy vào cuối vụ mà không cần dùng thuốc xịt rầy, giảm chi phí đầu tư trên ruộng mô hình so với ruộng đối chứng phun thuốc hóa học, trung bình 1 triệu đồng/ha.

Công nghệ cao nông nghiệp đang được nông dân ứng dụng rất thành công, từ đó góp phần tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng thu nhập từng nông hộ rất rõ rệt.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY (TP Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh