Với nhiều ưu thế vượt trội, giống nhãn mới của ông Nguyễn Văn Phúc (tên thường gọi Tám Liếp, ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít) được đánh giá là giống nhãn có nhiều tiềm năng phát triển và nhân rộng. Tuy nhiên, để phát triển giống nhãn này một cách bền vững, cần có kế hoạch thật rõ ràng và cụ thể.
|
Cần có định hướng quy hoạch, phát triển bền vững giống nhãn mới của ông Nguyễn Văn Phúc. |
Với nhiều ưu thế vượt trội, giống nhãn mới của ông Nguyễn Văn Phúc (tên thường gọi Tám Liếp, ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít) được đánh giá là giống nhãn có nhiều tiềm năng phát triển và nhân rộng. Tuy nhiên, để phát triển giống nhãn này một cách bền vững, cần có kế hoạch thật rõ ràng và cụ thể.
Ưu thế vượt trội
Để cho ra giống nhãn mới “siêu trái”, ông Tám Liếp đã mất nhiều năm kết hợp lai ghép nhiều giống nhãn có nguồn gốc trong và ngoài nước với nhau cho phù hợp với môi trường. Trải qua nhiều lần thất bại, ông mới có thể chọn lọc lại gốc nhãn có đặc điểm nổi trội để giữ lại và phát triển đến hôm nay. “Trước đây, tôi ghép loại nhãn này trên gốc nhãn lồng, nhãn da bò, nhãn tiêu đường, nhãn tiêu lá dài nhưng vẫn không đạt hiệu quả, cây nuôi không nổi, không ra hoa. Do đó, tôi nghiên cứu ghép trên gốc nhãn Idor và qua nhiều lần thử nghiệm đã thành công”.
Theo ông Tám Liếp, kỹ thuật trồng nhãn cũng tương đối đơn giản, nhà vườn chuyển đổi sản xuất từ đất lúa sang phát triển kinh tế vườn, chủ động lên mô liếp cao, cung cấp đủ nước cho cây, đặc biệt là mùa nắng, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, hàm lượng hữu cơ cung cấp cho đất phải chiếm trên 60%. “Thị trường hiện nay ưa chuộng nhà vườn sử dụng phân hữu cơ”.
Đặc tính nổi trội của giống nhãn này là dễ xử lý ra hoa, ít bị sâu bệnh tấn công, năng suất cao, trung bình trên diện tích 1.000m2, giống nhãn mới cho từ 400-500kg trái. Mỗi chùm nhãn ở đây nặng từ 3-4kg, nhãn mọc đều thành từng chùm riêng biệt, ít trái đeo. Bên cạnh đó, giống nhãn mới trồng khoảng 6,5 tháng có thể cho trái, nếu giá cả thị trường chưa hợp lý, nhãn có thể được neo thêm 1,5 tháng mà trái không bị phù đầu, lên mọng hay nứt, cơm lại không lạt.
Ông Trần Hoàng Tín- Chủ tịch Hội Nông dân xã Chánh An, cho biết: Đây là giống nhãn mới có tiềm năng cho hiệu quả kinh tế lâu dài. Nhãn này cho trái sai, kích thước trái đồng đều, dày cơm, hạt nhỏ, tróc cơm. Đặc biệt, cây với nhánh to, cứng dai, trái theo chùm lớn vẫn không bị tét hay gãy nhánh”. Còn có nhiều ưu thế hơn so với các nhãn khác là nhờ bộ rễ nhãn Idor khi ghép nuôi trái đạt chất lượng tốt hơn. Trong khi nhãn Idor đòi hỏi kỹ thuật xử lý, phun xịt thuốc nhiều thì loại này dễ xử lý, khả năng cạnh tranh trên thị trường cao.
Về hiệu quả kinh tế, qua tham khảo thị trường ở các chợ đầu mối, ông Tám Liếp cho hay: “Nhiều nơi đang mua nhãn này của tôi với giá là 100.000 đ/kg và bao giá thu mua hết toàn vườn. Với nông dân trồng nhãn thì trái nhãn 15.000 đ/kg là đã có lời rồi, trái nhãn này khi thị trường có biến động, vẫn không mất giá 30.000 đ/kg, nông dân không gặp khó khăn’.
Ông Tám Liếp khẳng định nếu bà con nông dân bón phân hữu cơ, vườn nhãn chắc chắn cho năng suất cao. Bí quyết sử dụng phân bón hữu cơ của ông Tám Liếp là dùng men vi sinh để ủ cá tra trên 3 tháng sau đó bón cho vườn nhãn.
|
Cần giải pháp lâu dài
Theo ngành chức năng, thời gian qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương đã đưa cây ăn trái vào trồng thay thế cho diện tích cây trồng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, tại Mang Thít cũng có tình trạng nông dân chạy theo thị trường, đốn nhãn trồng sầu riêng. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ rủi ro cao.
Theo ông Trần Hoàng Tín, xã Chánh An có khoảng 300ha trồng nhãn Idor. Tuy nhiên, một số nông dân đã bỏ nhãn Idor để chạy theo sầu riêng với nhiều lý do như: giá sầu riêng ở mức cao, một số người dân cho rằng nhãn Idor khó xử lý, khó làm trái, đầu ra không chất lượng, chi phí đầu tư cao…
Do đó, để từng bước phát triển nhãn theo hướng bền vững, đặc biệt là nhân rộng mô hình trồng nhãn mới này, xã định hướng cải tạo quy hoạch, vùng sản xuất. Trước mắt sẽ thành lập tổ nghề nghiệp để nhân giống nhãn mới, đồng thời lồng ghép phát triển mô hình mới, từng bước hướng dẫn nông dân xử lý theo quy trình…
Theo ông Tám Liếp, ngoài kỹ thuật trồng, nông dân phải có tâm huyết cộng với tư duy thị trường mới có thể phát triển bền vững. Thực tế thời gian qua, cây nhãn nói riêng và cây ăn trái nói chung chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như: “Nắng nóng gay gắt, mưa lớn, hạn mặn tần suất xuất hiện nhiều gây thiệt hại đến sản xuất. Do đó, tôi mong muốn tìm ra loại nhãn mới có hiệu quả kinh tế lâu dài, không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình, của địa phương mà còn nâng tầm giống nhãn Vĩnh Long trên thị trường và ấp ủ vươn ra thị trường nước ngoài”.
|
Giống nhãn mới của ông Tám Liếp có nhiều ưu thế vượt trội. |
Ông Nguyễn Văn Bé- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Thít, cho hay: Đây là giống nhãn mới với nhiều ưu thế vượt trội, có thể cạnh tranh trên thị trường, tuy nhiên do diện tích trồng còn ít, hàng khan hiếm, lại do tính hiếu kỳ của người tiêu dùng và nhà vườn nên giá trái và giống khá cao, sắp tới khi diện tích ngày càng mở rộng thì giá cả có thể bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Bé- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Thít
Để phát triển giống nhãn này một cách bền vững, địa phương cần có kế hoạch thật rõ ràng và cụ thể. Cần phát triển nhãn theo kiểu liên kết chuỗi giá trị, từ khâu chọn lựa giống, gieo ươm, chăm sóc thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cần có định hướng quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, tập trung.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin