Giải ngân vốn đầu tư công chậm đang là "căn bệnh trầm kha"

01:10, 03/10/2019

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh nhiều bộ, ngành đang cần vốn nhưng một số bộ, ngành lại thừa vốn không tiêu hết, vì vậy tinh thần "tiêu không hết thì điều chỉnh vốn".

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh nhiều bộ, ngành đang cần vốn nhưng một số bộ, ngành lại thừa vốn không tiêu hết, vì vậy tinh thần “tiêu không hết thì điều chỉnh vốn”.

Đường Trưng Nữ Vương (Phường 1- TP Vĩnh Long) dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Đường Trưng Nữ Vương (Phường 1- TP Vĩnh Long) dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Đẩy nhanh giải ngân nhưng đảm bảo chất lượng

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo Thủ tướng về những kết quả, hạn chế và những vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp.

Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương giải ngân đạt trên 80%.

Có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương giải ngân đạt dưới 50%, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 30%.

Cũng theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng qua cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp và xu hướng tăng mạnh vào cuối năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giải ngân thấp là “căn bệnh trầm kha” cần tiếp tục tháo gỡ mà nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan, nhất là khâu điều hành dự án và trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư.

“Các nước chuẩn bị đầu tư 3 năm, thi công 1 năm, còn mình ngược lại ghi danh rồi mới làm thủ tục, nên mới vội vã, chậm trễ, vất vả”- Thủ tướng nêu ví dụ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm- “phải chỉ đạo kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm, làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản”.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh nhiều bộ, ngành đang cần vốn nhưng một số bộ ngành lại thừa vốn không tiêu hết, vì vậy tinh thần “tiêu không hết thì điều chỉnh vốn”.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh quy trình phải đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo tiến độ nhưng chất lượng công trình cũng không được lơ là, “không làm dối, ăn cắp định mức, rút ruột công trình”.

Vĩnh Long quyết liệt đẩy nhanh xây dựng cơ bản

Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 của tỉnh (không bao gồm vốn kéo dài) là 2.798,06 tỷ đồng.

Đến ngày 15/9/2019, thực hiện 1.099,92 tỷ đồng, đạt 39,31%; giải ngân đạt 1.019,91 tỷ đồng, đạt 36,45% kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công giảm lần lượt là 9,27 điểm % và 8,22 điểm %.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 4 hệ lụy khi giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thứ nhất, là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, là vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, nếu chậm sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng đến huy động xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin nhà đầu tư và nhà tài trợ. Thứ ba, gây lãng phí lớn khi tiền vốn nằm ở đó mà Chính phủ vẫn phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư, là doanh nghiệp và nhà đầu tư phải gánh chịu chi phí đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

Giai đoạn 2016- 2020, Vĩnh Long không có nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách trung ương. Đối với ngân sách tỉnh, đến cuối năm 2018 số nợ là 16,268 tỷ đồng (nợ đọng phát sinh trước ngày 31/12/2014). Tỉnh đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục về đầu tư để thanh toán dứt điểm số nợ đọng của tỉnh trong năm 2019.

Cũng theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, việc triển khai vốn của tỉnh còn chậm so với yêu cầu và kế hoạch vốn được giao; còn nhiều dự án quy mô và tổng mức đầu tư lớn mới khởi công trong quý III/2019 nên ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung.

Bên cạnh, nhiều dự án chưa được các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; một số dự án chậm trong công tác lập kế hoạch sử dụng đất, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng. Năng lực một số nhà thầu, tư vấn yếu…

BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, khởi công các công trình chưa khởi công, chậm nhất tháng 10/2019, tạm ứng hợp đồng, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Chủ động rà soát, đề suất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn để chuyển sang các dự án khác có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong tháng 10/2019.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh- Lê Quang Trung cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện thanh quyết toán các công trình hoàn thành.

Có biện pháp xử phạt đơn vị nào chậm trễ trong thi công, giải ngân kế hoạch vốn đạt thấp; cắt hoặc điều chuyển vốn sang những công trình hoặc huyện nào đang cần vốn. Đồng thời, từng đơn vị xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 để có bước thực hiện tốt hơn thời gian tới.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, kể từ tháng 9/2018 đến nay, sau khi được Chủ tịch nước ủy quyền ký kết các hiệp định (bao gồm các hiệp định thương mại, dự án ODA, vay ưu đãi), Phó Chủ tịch nước đã ký 45 hiệp định, giá trị khoảng 7,5 tỷ USD. Trong số đó có gần một nửa là các hiệp định được ký gia hạn và sửa đổi, mà chủ yếu là các hiệp định gia hạn từ 6 tháng, 1 năm cho đến 5 năm. Điều này cũng cho thấy tốc độ giải ngân vốn vay nước ngoài đang rất chậm và có vướng mắc. Phó Chủ tịch nước đề nghị bổ sung nội dung về phân cấp, phân quyền trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ và tiếp tục rà soát các dự án trọng điểm quốc gia để tránh tình trạng kéo dài, chi phí gia tăng.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh