Từ việc phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình trồng nấm linh chi đỏ, nấm bào ngư, nấm rơm và kết hợp sản xuất rượu linh chi của chị Mai Huỳnh Như (xã Tân An Thạnh- Bình Tân) trở thành ý tưởng khởi nghiệp với mong muốn cung cấp nguồn nấm sạch, chất lượng rượu an toàn đến cho thị trường.
Từ việc phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình trồng nấm linh chi đỏ, nấm bào ngư, nấm rơm và kết hợp sản xuất rượu linh chi của chị Mai Huỳnh Như (xã Tân An Thạnh- Bình Tân) trở thành ý tưởng khởi nghiệp với mong muốn cung cấp nguồn nấm sạch, chất lượng rượu an toàn đến cho thị trường.
Mô hình thực tế nhà nấm công nghệ cao của chị Mai Huỳnh Như. |
Bén duyên với nghề trồng nấm
Đến thăm trại trồng nấm công nghệ cao của chị Mai Huỳnh Như, chúng tôi được nghe câu chuyện những ngày đầu “bén duyên” và rồi gắn bó với nghề trồng nấm của người phụ nữ tràn đầy nhiệt huyết này.
“Lúc đầu, tôi trồng nấm linh chi là vì sử dụng trong gia đình rất tốt cho sức khỏe, khi thấy được công dụng và giá trị kinh tế của nó nên mới đầu tư trồng nhiều để bán cho bà con dùng hỗ trợ sức khỏe. Bản thân học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, qua mạng Internet, sách báo, rồi rút kinh nghiệm từ từ qua thực tế nuôi trồng. Vậy mà gắn bó với nghề hồi nào không hay”- chị Mai Huỳnh Như cười nói.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Như cho biết ý tưởng khởi nghiệp của mình xuất phát từ việc nhận thấy thực trạng môi trường ô nhiễm và nguồn thực phẩm bẩn đang đe dọa đến sức khỏe con người, càng ngày người dân càng có xu hướng tìm kiếm các loại thực phẩm sạch và dược liệu thiên nhiên để bảo vệ sức khỏe cho mình.
Nấm linh chi đỏ từ lâu đã xếp vào loại thực phẩm sạch và còn là một loại dược phẩm vô cùng quý giá từ thiên nhiên, đã được con người sử dụng làm thuốc trên 4.000 năm trước. Nấm bào ngư và nấm rơm là thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, hiện nay đang được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định.
“Xuất phát từ nhu cầu của thị trường ngày nay giá cả ổn định, nuôi trồng có lợi nhuận, quy mô trồng tại hộ gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi nảy sinh ý tưởng trồng nấm linh chi đỏ, nấm bào ngư, nấm rơm và sản xuất rượu linh chi”- chị Như chia sẻ.
Nghĩ là làm, chị Như mày mò từng bước một, rút kinh nghiệm từ thực tế. Sau khi trồng rút kinh nghiệm 3.000 phôi nấm, mô hình nhà nấm công nghệ cao, mô hình trồng nấm rơm từ tận dụng chất thải trồng nấm phá gỗ được hình thành và mang lại hiệu quả. Các sản phẩm từ nấm và rượu linh chi ra đời, thêm phong phú và đa dạng.
Giá nấm linh chi cao nhất đạt 800.000 đ/kg; nấm bào ngư 30.000- 45.000 đ/kg; nấm rơm từ 40.000- 50.000 đ/kg, phù hợp với người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, số lượng tiêu thụ trên thị trường.
Từ đó, cải thiện thu nhập cho gia đình. Năm đầu tiên thực hiện, nấm linh chi đỏ mang lại “vận đỏ” cho gia đình, không chỉ “lấy lại 105 triệu đồng vốn đầu tư” mà còn lời 15 triệu đồng, khiến chị Như vô cùng phấn khởi. Nhận thấy hiệu quả tích cực, mô hình trồng nấm của chị Như dần được nhân rộng và giới thiệu với mọi người.
Cùng khởi nghiệp với sản phẩm sạch
Khi tìm hiểu, thấy nấm linh chi được dùng ngâm rượu cùng nhiều loại dược liệu bổ dưỡng khác có tác dụng bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh, có giá trị dược liệu cao, chị Như bắt đầu thực hiện ngâm bào tử nấm và tai nấm với rượu gốc được nấu theo công thức lên men truyền thống bảo đảm an toàn.
Rượu linh chi của chị Như có thể nói là khá độc đáo tại địa phương, chị bán lẻ ra thị trường trong và ngoài tỉnh và còn có mơ ước hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Từ việc trồng rút kinh nghiệm 3.000 phôi tại gia đình và trồng làm mô hình cho huyện 5.000 phôi, chị Như luôn phấn đấu hoàn thành mục tiêu “Cơ sở nấm và rượu linh chi Khánh Linh” sẽ là nơi “cung cấp nguồn nấm sạch, chất lượng rượu an toàn cho thị trường. Đồng thời, tạo được uy tín, niềm tin cho khách hàng đảm bảo chất lượng và rõ nguồn gốc.”
Không chỉ vậy, chị Như còn mong muốn ý tưởng khởi nghiệp này sẽ tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, người có thu nhập thấp, góp phần phát triển kinh tế hộ.
“Điều kiện kinh tế mình cải thiện thì cũng mong nhân rộng mô hình để mọi người cùng có việc làm, cải thiện đời sống”- chị Như nhấn mạnh và đặt mục tiêu đến năm thứ 5, cơ sở trồng nấm sẽ đạt doanh thu 200 triệu đồng và 5.000 phôi nấm trồng nhân rộng mô hình tại huyện, là bước đệm cho phong trào cùng nhau khởi nghiệp tại địa phương.
Từ những kết quả hiện tại, mô hình khởi nghiệp của chị Như có ý nghĩa thiết thực giúp cho phụ nữ khơi dậy tính sáng tạo, tiên phong vượt qua thách thức, khó khăn để vươn lên làm giàu.
Chị Mai Huỳnh Như cùng sản phẩm rượu linh chi của mình. |
Hướng tới, sau khi ổn định thị trường, chị Như sẽ đầu tư thêm vào trại nấm với mong muốn để mô hình bền vững và mang tính “kết nối”, chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho chị em phụ nữ và người dân. Nhất là cố gắng tìm được đầu ra ổn định, sản phẩm được bao tiêu để yên tâm sản xuất.
Chị Đặng Thị Bích Huyền- Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN tỉnh)- cho biết ý tưởng khởi nghiệp của chị Như rất độc đáo, có tính cộng đồng, có tiềm năng phát triển, hướng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ý tưởng của chị được chọn giới thiệu tại Ngày hội khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh trong năm 2019.
Mô hình “Trồng nấm linh chi và rượu linh chi, kết hợp trồng nấm bào ngư và nấm rơm” của chị Mai Huỳnh Như được lựa chọn dự thi “Xây dựng mô hình, ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2019” do Sở Kế hoạch- Đầu tư phát động. |
Bài, ảnh: YẾN- NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin